Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan: Phải có cơ chế cho người làm y tế và bảo vệ người làm cơ chế

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan chỉ ra 'chiến thắng về trảm tướng và thay tướng' chúng tôi cần có cơ chế cho người làm y tế và bảo vệ người làm cơ chế đó.

Chiều 29/5, Quốc hội tiếp tục thảo luận về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan- Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, nhìn lại công tác huy động nguồn lực cho phòng, chống dịch Covid-19, có nhiều doanh nghiệp người dân muốn ủng hộ, lúc đó Thành phố Hồ Chí Minh đang trong tâm dịch, chúng tôi đã đề nghị hãy đóng góp bằng nguồn lực, đừng đóng góp bằng tiền, chúng tôi không sài được. Tất cả các dự đoán đó đã thành hiện thực, sau dịch là các đoàn thanh, kiểm tra đến, cho nên phần nào chúng ta đã tự làm khó mình.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan phát biểu tại phiên thảo luận chiều 29.5

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan phát biểu tại phiên thảo luận chiều 29.5

Nhận xét về công tác quản lý các nguồn lực cho phòng, chống dịch Covid-19, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, chúng ta chưa phân biệt được dịch bệnh với đời thường. Đơn cử như vắc xin phòng chống dịch Covid-19, với các quy định hiện giờ hỏi liệu Chính phủ có mua được không?

Vắc xin phòng chống dịch Covid-19 có một phần vắc xin ngoại giao và một phần do một công ty tư nhân đến thương thảo và ký hợp đồng. Tuy nhiên không phải lúc nào chúng ta cũng may mắn như vậy”- đại biểu Phạm Khánh Phong Lan khẳng định.

Một câu hỏi đặt ra, vậy vướng mắc ở đâu? Đại biểu Lan cho rằng vướng mắc chính là ở quy chế đấu thầu. “Tuy nhiên dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) được đưa ra thảo luận tại Quốc hội vừa qua vẫn chưa tháo gỡ được vướng mắc này"- đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nhấn mạnh.

Một thực tế cho thấy, dù đại dịch đã qua đi, nhưng tình trạng thiếu thuốc, thiếu vắc xin tại các cơ sở khám, chữa bệnh vẫn đang diễn ra. “Bao giờ tình trạng này mới được khắc phục?”- đại biểu Lan đặt câu hỏi.

Chiều 29/5 các đại biểu tiếp tục thảo luận việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Theo đại biểu Phong Lan, còn nhiều điểm nghẽn trong sử dụng các nguồn lực. Đơn cử, trong bối cảnh thiếu vắc xin, nhiều người tìm cách can thiệp để tìm vắc xin, chúng ta có chính sách không cho phép tiêm dịch vụ vắc xin để giảm áp lực cho ngân sách nhà nước. Lúc cả cộng đồng đang sục sôi thiếu thuốc điều trị covid-19 (thuốc Molnupiravir), Bộ Y tế chậm trễ trong cấp số đăng ký mặc dù thuốc Molnupiravir đã có tác dụng ở nước ngoài, dẫn đến người có nhu cầu mua bán ngoài vòng pháp luật, đẩy giá lên cao.

Đăc biệt, vị đại biểu này đề nghị, Báo cáo giám sát cần bổ sung cho công bằng giữa “Xây và Chống”. Phần chúng ta Xây làm rất chậm, chúng ta chỉ tập trung Chống. Hình ảnh ví von được vị đại biểu này đưa ra đó là một bệnh nhân thay vì được bồi bổ để nâng cao thể trạng thì lại tập trung cắt bỏ phần hoại tử đó rồi cho dùng thuốc điều trị mạnh, kết quả chắc chắn là bệnh nhân đó phải chết.

Báo cáo giám sát chỉ rõ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đã thu được rất nhiều thành quả được thế giới ghi nhận. Với tư cách người dân, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nhận xét: “Ngày xưa đánh trận chiến thắng trở về được mừng công, giờ chiến thắng trở về là trảm tướng và thay tướng, chưa kể đến số cán bộ y tế trả giá cho đại dịch Covid-19 lần này quá lớn”.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đề nghị: Toàn bộ báo cáo giám sát sao cho đi vào thực tế để trong tương lai khi dịch bệnh quay lại Việt Nam có thể đối phó tốt hơn, sẽ bảo vệ được người dân, hạn chế người chết.

Chúng ta cần xây dựng một nền y tế đủ mạnh để đi qua được các đại dịch, không chỉ có Covid-19 mà còn nhiều thứ. Chúng tôi cần có cơ chế và bảo vệ cho người làm cơ chế đó”- đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nhấn mạnh.

Thu Hường - Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dai-bieu-pham-khanh-phong-lan-phai-co-co-che-cho-nguoi-lam-y-te-va-bao-ve-nguoi-lam-co-che-255999.html