Đại biểu Nguyễn Thị Quyết tâm khóc nghẹn khi tranh luận vì thương công nhân

Trong phần tranh luận với đại diện của doanh nghiệp tại phiên thảo luận về tăng giờ làm thêm, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm đã khóc nghẹn ngào khi nói: 'Có người cha mẹ nào muốn gửi con về quê để đi làm thêm không?'.Không thể để xã hội tăng trưởng bằng cách vắt kiệt sức của người lao động (NLĐ)

 ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm khóc nghẹn khi phát biểu tranh luận tại Nghị trường

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm khóc nghẹn khi phát biểu tranh luận tại Nghị trường

Trong phần thảo luận về Bộ Luật Lao động sáng nay (23/10), nhiều đại biểu đều bày tỏ ý kiến mong muốn đưa quy định giảm giờ làm trong tuần từ 48 xuống còn 44 giờ và không đồng ý tăng giờ làm thêm, trừ một số ngành nghề đặc biệt.

Các đại biểu đều cho rằng, người lao động cần phải làm thêm là do lương không đủ sống, chứ không phải họ muốn làm thêm.

Đại diện cho các doanh nghiệp phát biểu, đại biểu Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI có một bài phát biểu mạnh mẽ nêu quan điểm không đồng ý giảm giờ làm xuống còn 44 giờ, đồng thời đề nghị cần phải quy định tăng giờ làm thêm. Theo ông Lộc, việc tăng giờ làm thêm là “nhân văn”, đáp ứng mong muốn của người lao động, phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp. Đặc biệt, ông Lộc cho rằng, nếu giảm giờ làm, không tăng giờ làm thêm sẽ khiến cho nên kinh tế giảm tính cạnh tranh với các nước khác; giảm thu hút đầu tư; giảm GDP…

Ông Vũ Tiến Lộc nói:

Tôi ủng hộ phương án nới rộng có chừng mực khung thỏa thuận làm thêm, không quá 400 giờ/năm. Đây là khung giờ người sử dụng lao động và NLĐ tự thỏa thuận với nhau. NLĐ có quyền lựa chọn làm thêm và từ chối làm thêm và chỉ giới hạn trong một số rất ít ngành nghề đặc thù ở thời vụ cao điểm.

Vấn đề thời gian làm việc bình thường, tôi đề nghị giữ nguyên theo quy định hiện hành, đây là quy định phù hợp với thực tiễn của nền kinh tế và rất nhân văn. Chúng ta quy đinh linh hoạt rằng thời gian làm việc tối đa là 48h/tuần và Nhà nước khuyến khích tuần làm việc ít hơn là 44 hay 40h tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của doanh nghiệp và sự thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động, quy định này hợp lý, hợp tình bởi lý do sau đây:

Hầu hết các quốc gia có trình độ phát triển tương tự như nước ta và đang là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của chúng ta đều quy định thời gian làm việc là 48h, chúng ta vừa mới chỉ thoát khỏi ngưỡng nghèo và mới là nước có thu nhập trung bình ở trình đột thấp, năng suất lao động thậm chí còn đang thấp nhất trong khu vực thì chúng ta áp dụng thời gian lao động như các nước xung quanh là phù hợp, giúp ... hơn nữa thời gian lao động sẽ làm suy giảm cạnh tranh quốc gia gây trở ngại cho việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng và khó đưa đất nước thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, nguy cơ lớn nhất với tương lai nền kinh tế VN.

Thứ 2, giảm thời gian lao động sẽ dẫn tới giảm tiền lương, sẽ chậm lại kế hoạch tăng lương cho người lao động.

Thứ 3, do năng suất lao động thấp nên tiền lương và thu nhập của phần lớn người lao động vẫn chưa cao, nên nếu giảm thời gian làm việc đồng nghĩa với việc giảm thu nhập và người lao động vẫn cứ phải tìm thêm việc làm để có thêm thu nhập, chủ yếu ở khu vực phi chính thức và nhiều hệ lụy.

Giảm giờ làm trong bối cảnh hiện nay sẽ không mang lại lợi ích cho người lao động, chi phí lao độn doanh nghiệp tăng lên, năng lực cạnh tranh doanh nghiệp giảm sút nhiều doanh nghiệp sẽ phải thu hẹp sản xuất và người lao động sẽ mất việc làm.

Thứ 4, để duy trì sản xuất trong điều kiện giảm giờ làm, doanh nghiệp buộc phải tuyển thêm lao động, trong thị trường lao động hiện nay tỉ lệ thất nghiệp rất thấp các doanh nghiệp khó tuyển thêm lao động. Vì vậy họ buộc phài thu hẹp sản xuất, theo tính toán sơ bộ chỉ riêng ngành dệt may, da giày, điện tử, lương thực, thực phẩm,,, nếu giảm giờ làm việc 44h/tuần thì có thể dẫn đến giảm sản lượng, kim ngạch xuất khẩu..."

Tranh luận lại ý kiến này, đại biểu Nguyễn Thị Quyết tâm (TP. Hồ Chí Minh) nói: “Nhân văn và tự nguyện trên cơ sở nào?”

“ĐB Lộc nói tăng giờ làm thêm lên 400h/năm là hợp lý, nhân văn và tự nguyện, tôi cảm thấy đây là vấn đề QH cần thảo luận để làm sáng rõ vấn đề. Tôi không biết ĐB Vũ Tiến Lộc vin vào đâu để nói rằng chính sách này trong Bộ luật Lao động sẽ hợp lý, nhân văn. Đặc biệt tôi quan tâm đến vấn đề nhân văn và tự nguyện. Nhân văn và tự nguyện trên cơ sở nào?", đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm nói.

“Nếu nói tự nguyện thì chúng ta nghe từ đâu? Nếu nói rằng nghe từ người lao động mà nói rằng tự nguyện tôi lấy làm lạ, bất ngờ với nhận định này của ĐB Vũ Tiến Lộc bởi vì khá nhiều công nhân và những người làm công tác công đoàn nói rằng người lao động không muốn làm thêm giờ mặc dù trên thực tế họ cần làm thêm giờ” – ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm nhấn mạnh.

Nguyên Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh tiếp tục nêu vấn đề: “Vậy chúng ta phải trả lời câu hỏi vì sao người công nhân cần làm thêm giờ? Câu hỏi đó quá dễ trả lời. Trong thực tiễn, đó là vì tiền lương hiện nay thu nhập hiện nay của người công nhân thật sự không đủ trang trải cuộc sống.”

Nghẹn ngào rơi nước mắt, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm xúc động nói: “Nhìn vào dáng vẻ của người công nhân, tâm thế của người công nhân khi đến làm việc. Hãy nhìn những đứa trẻ mà cha mẹ của họ phải gửi về quê. Có người mẹ người cha nào muốn xa con mình hay không, thậm chí 1,2 năm chưa được về thăm con.”

“Có phải những người cha người mẹ là ông bà rất già rồi vẫn phải giữ cháu để con đi làm việc. Những người lao động như thế, họ không cam chịu, không muốn làm gánh nặng của xã hội phải đi tìm việc làm mà nói rằng họ tự nguyện để làm thêm quần quật suốt ngày, tôi cho rằng phát biểu này cần phải tranh luận để làm sáng tỏ. Họ không tự nguyện mà cần làm thêm để có thu nhập” – Bà Tâm nêu quan điểm.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng, vai trò của QH là làm chính sách như thế nào để người công nhân có thu nhập đủ trang trải cuộc sống, để họ vẫn có thời giờ để học tập, để nâng cao tay nghề, để giải trí, để chăm sóc bản thân, chăm sóc gia đình và thực hiện các quan hệ xã hội.

“Đó là quyền con người được Hiến pháp quy định. ĐB (Vũ Tiến Lộc – PV) phát biểu có nghĩ đến các quy định trong Hiến pháp về quyền con người phải được bảo vệ như thế nào không? Hãy nghĩ đến trách nhiệm và nghĩa vụ của giới chủ, người sử dụng lao động, và còn cả tình người đối với người lao động nữa. Nhân văn ở đây là gì? nhân văn là bảo vệ quyền con người đã được Hiến định, là tình người trong sử dụng lao động” – bà Tâm tranh luận.

Nữ ĐB TP. Hồ Chí Minh nói thêm: “Sức cạnh tranh của nền kinh tế không nên chủ yếu dựa vào sức lao động mà còn là năng lực quản trị, đổi mới công nghệ, điều kiện làm việc… Đây là sự tiến bộ của xã hội. Sự tiến bộ của xã hội ở đâu khi chúng ta tăng giờ làm và giảm tiền lương của người lao động? Chúng ta giảm còn 44 giờ có nghĩa là 4 giờ còn lại người lao động có thể làm thêm và sẽ tăng thu nhập. Đó là tiến bộ, nhân văn cũng là ở đó”.

Trao đổi với VnMedia bên hành lang QH, ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cho biết, ông rất đồng ý với ý kiến của ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm. “Chúng ta phải nhìn vào thực tế hoàn cảnh của NLĐ, đừng tiếp cận theo cách người ta muốn làm thêm để có thêm thu nhập, mà phải đặt câu hỏi: Vì sao họ phải đi làm thêm? Nhà thì xa, thu nhập quá thấp, không lo được những cái tối thiểu nhất, gửi con… để bán kiệt sức lao động, chấp nhận đi làm thêm.

“Không thể để xã hội tăng trưởng bằng cách vắt kiệt sức của NLĐ cho trước mắt nhưng sẽ hậu quả lâu dài cho tương lai. Những DN nào không đáp ứng được yêu cầu, không hài hòa được lợi ích của nhà nước, DN và NlĐ thì theo quy luật của kinh tế thị trường thì nên đào thải, không nên cố giữ những DN tồn tại bằng cách khai thác kiệt sức của NLĐ, tận dụng nhân công giá rẻ. Chúng ta đã sang giai đoạn phát triển mới, tiến bộ, đừng bao giờ tư duy kéo dài mãi việc thu hút DN vào để tận dụng nhân công giá rẻ. Nếu nói rằng không làm vậy thì mất cạnh tranh, theo tôi, đừng hiểu cạnh tranh như vậy.

Xuân Hưng

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/dan-sinh/201910/dai-bieu-nguyen-thi-quyet-tam-khoc-nghen-khi-tranh-luan-vi-thuong-cong-nhan-642370/