Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn: 'Tiền bạc không mua được văn hóa, thưa Bộ trưởng!'

Tranh luận với Bộ trưởng VH-TT&DL về luận điểm 'phát triển văn hóa cần kinh tế', đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (đoàn Hà Nội) cho rằng, 'phú quý sinh lễ nghĩa', nhưng 'thưa Bộ trưởng, tiền không mua được văn hóa, không mua được đạo đức xã hội'.

Cuối phiên chất vấn sáng 30-10, Quốc hội sôi nổi với phần tranh luận giữa đại biểu Nguyễn Quang Tuấn và Bộ trưởng VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện xung quanh giải pháp giải quyết tình trạng đạo đức xã hội, gia đình ngày một xuống cấp.

Người đầu tiên đặt vấn đề ra nghị trường để chất vấn là đại biểu Đinh Thị Kiều Trinh (đoàn Nghệ An). Nêu thực trạng đạo đức xã hội và gia đình ngày càng xuống cấp nghiêm trọng, bà Kiều Trinh đề nghị người đầu ngành văn hóa đưa ra giải pháp khắc phục.

Bộ trưởng VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện tại nghị trường Quốc hội

Bộ trưởng VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện tại nghị trường Quốc hội

Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện đánh giá “đây là câu hỏi khó”, để thực hiện cần thời gian lâu dài. Ông Nguyễn Ngọc Thiện cho biết đã từng trả lời câu hỏi này ở kỳ họp trước song đến nay, tình trạng xuống cấp đạo đức vẫn diễn biến phức tạp.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, để xây dựng con người, đẩy lùi sự xuống cấp của đạo đức xã hội cần làm từng bước, đương nhiên, phải thực hiện quyết liệt hơn, đồng thời đề nghị “toàn xã hội phải vào cuộc”.

"Những hạn chế của ngành xuất phát từ kinh tế, vì cái gốc của vấn đề là kinh tế, nếu bỏ lĩnh vực này song một bên thì không giải quyết được", Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nêu quan điểm và cho đây là vấn đề rất khó, rất cấp bách mà ngành văn hóa rất trăn trở.

Tranh luận với Bộ trưởng VH-TT&DL về luận điểm “phát triển văn hóa cần kinh tế”, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (đoàn Hà Nội) cho rằng “phú quý sinh lễ nghĩa” nhưng: "Thưa Bộ trưởng, tiền không mua được văn hóa, không mua được đạo đức xã hội".

Ông Nguyễn Quang Tuấn dẫn chứng, trước đây, chúng ta còn nghèo, kinh tế đất nước còn khó khăn nhưng đạo đức xã hội vẫn được duy trì, văn hóa rất tốt. Còn nay, kinh tế đi lên, chúng ta thoát nghèo nhưng nền tảng đạo đức lại đang xuống cấp nghiêm trọng.

“Vậy đâu là nguyên do?”, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn hỏi, đồng thời chỉ ra: “Nhân cách đạo đức con người phụ thuộc vào gia đình, bố mẹ làm gương cho các con, phải đào tạo thầy cô làm gương cho học trò. “Tiên học lễ, hậu học văn” nhưng chúng ta quan tâm quá nhiều đến “dạy văn” mà không quan tâm tới “dạy lễ”. Đây là điều quan trọng dẫn đến xuống cấp đạo đức xã hội".

Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn cho rằng "tiền không mua được đạo đức, văn hóa"

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã dùng quyền giơ biển tranh luận để được báo cáo, làm rõ thêm ý kiến của đại biểu Nguyễn Quang Tuấn.

Cho rằng văn hóa vừa là mục tiêu vừa là nền tảng để phát triển kinh tế xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện chia sẻ: “Từ trước đến nay, cứ nói đến đạo đức xã hội là giao cho ngành văn hóa và các ngành xã hội. Nếu chúng ta vẫn giữ tư duy, quan điểm đó để xử lý thì khắc phục sự xuống cấp đạo đức xã hội sẽ rất khó”.

Tái khẳng định quan điểm “cả xã hội phải vào cuộc bởi sự xuống cấp đó xuất phát từ kinh tế”, Bộ trưởng VH-TT&DL cho rằng cần phải xử lý vấn đề ở các lĩnh vực liên quan khác, còn nếu cứ để ngành văn hóa loay hoay thì không giải quyết được.

Cũng liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Thiện cho biết phân bổ ngân sách của cả trung ương lẫn địa phương dành cho văn hóa rất ít. Ví dụ, trong 3 năm qua, ngân sách cấp cho ngành văn hóa để bảo tồn di sản phi vật thể chỉ vỏn vẹn 7,3 tỷ đồng.

“Nếu như chúng ta không có giải pháp đồng bộ thì đến kỳ họp sau hoặc nhiệm kỳ sau, vị Bộ trưởng kế nhiệm lại tiếp tục bị chất vấn vấn đề đạo đức xã hội”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nói.

Băng Tâm

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/dai-bieu-nguyen-quang-tuan-tien-bac-khong-mua-duoc-van-hoa-thua-bo-truong/788128.antd