Đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội): Một số vấn đề lớn Dự thảo Luật chưa chạm tới

Đề nghị bổ sung định nghĩa và nội dung về phân loại đường, về mặt cấp hạng theo cách thức phổ biến hiện nay trên thế giới, là đường cao tốc, đường trục, đường gom, đường khu vực và đường khác. Chính phủ quy định chi tiết tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông động mặt đường, giao thông tĩnh đỗ xe, không gian đi bộ, các không gian dùng để kết nối trung chuyển giữa các phương thức vận tải, không gian dành cho vận tải công cộng…

Đó là một trong những Đề nghị bổ sung vào Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), được đại biểu Quốc hội Nguyễn Phi Thường – Đoàn đại biểu Hà Nội đề cập.

Trước đó, đại biểu Nguyễn Phi Thường cũng cho rằng, cần phải làm rõ hơn một một số quan điểm, cụ thể thay đổi cách quản lý, quản trị từ tiền kiểm sang hậu kiểm, quản lý nhà nước tập trung vào hướng dẫn kỹ thuật, đánh giá, nghiệm thu sản phẩm đầu ra và tạo động lực đổi mới sáng tạo, giải phóng nguồn lực để doanh nghiệp phát triển lớn mạnh. Quan tâm, tạo lập, củng cố, ổn định thị trường vận tải, đảm bảo các yếu tố công bằng, minh bạch và đặc biệt là niềm tin để doanh nghiệp yên tâm đầu tư kinh doanh, không để như vừa qua nhiều doanh nghiệp vận tải container, vận tải liên tỉnh, vận tải taxi phá sản, dừng hoạt động.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phi Thường - Đoàn đại biểu Hà Nội

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phi Thường - Đoàn đại biểu Hà Nội

Ngoài ra, cần đề cập, bổ sung, làm rõ hơn chính sách về giao thông vận tải đường bộ trong bối cảnh mới để xử lý những vấn đề hiện tại và đón đầu tương lai. Như mô hình phát triển bền vững, ứng dụng khoa học công nghệ, thành tựu cách mạng 4.0 vào lĩnh vực giao thông vận tải, như giao thông thông minh, hạ tầng đường xá, phương tiện giao thông, ứng dụng công nghệ mới, xe tự hành hay là phương tiện có thể phổ biến sắp tới như xe điện. Giao thông đô thị và quy hoạch quản lý tích hợp đa ngành với các lĩnh vực khác, như sử dụng đất, lao động việc làm, phân bổ dân cư. Hành lang pháp lý để các đô thị quản lý nhu cầu vận tải bằng cả biện pháp hành chính và kinh tế, như thuế, phí ùn tắc...

Góp ý xây dựng Dự thảo Luật, đại biểu Quốc hội Nguyễn Phi Thường cũng cho rằng, có một số vấn đề lớn mà dự Dự thảo Luật vẫn chưa chạm tới được, trong đó đại biểu đề nghị, bổ sung định nghĩa và nội dung về phân loại đường, về mặt cấp hạng theo cách thức phổ biến hiện nay trên thế giới, là đường cao tốc, đường trục, đường gom, đường khu vực và đường khác; đề nghị bổ sung khoản 4a và khoản 4b và khoản 4a bắt buộc đánh giá tác động giao thông và có giải pháp phù hợp để bảo đảm các công trình đầu tư có phát sinh nhu cầu giao thông lớn, phù hợp với năng lực đáp ứng của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông.

Tại Điều 46, đại biểu đoàn Hà Nội cũng đề nghị, cần bổ sung khoản 3, tạo hành lang pháp lý cho chính quyền các tỉnh, thành, tạo nguồn thu với các dự án dùng ngân sách đầu tư đường giao thông. Giá trị gia tăng của đất đai khi mở đường phải được thu hồi, đưa trở lại ngân sách nhà nước và được dùng để tái đầu tư cho giao thông vận tải, nâng cao an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông; bổ sung việc lập quy hoạch mạng lưới đường bộ phải tuân thủ các quy định của pháp luật về quy hoạch và bảo đảm kết nối vận tải đường bộ với các phương thức vận tải khác, bao gồm cả không gian ngầm và trên cao; bảo đảm phù hợp giữa quy hoạch mạng lưới đường bộ với các hoạt động vận tải, phương án tổ chức giao thông dài hạn.

“Đây là vấn đề rất cấp thiết, đặc biệt trong đô thị liên quan đến nhiều lĩnh vực cấp điện, cấp thoát nước, xử lý nước thải, đỗ xe ngầm, giao thông ngầm hiện nay còn rất nhiều bất cập cần được giải quyết từ khâu quy hoạch. Cần đưa hoạt động vận tải vào khuôn khổ quy hoạch quản lý. Thế giới làm cả quy hoạch mạng lưới giao thông và quy hoạch về vận tải rất chặt chẽ, ví dụ số lượng taxi ở thành phố London gần như không đổi cả hàng chục năm nay; tại Đức có tuyến đường sắt thì cấm tuyến vận tải cố định hoạt động. Tuy nhiên, tại Việt Nam, hoạt động vận tải gần như bị bỏ ngỏ. Những bất cập trong Luật Quy hoạch liên quan tới giao thông vận tải cần được xử lý trong luật này”, đại biểu Nguyễn Phi Thường nhấn mạnh.

Trước đó, cũng tại phiên thảo luận tại Kỳ họp Quốc hội sáng, đa số các đại biểu Quốc hội đã tập trung nêu các dẫn chứng, lý lẽ không đồng thuận với việc tách Luật Giao thông đường bộ hiện hành, thành dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Đồng thời, đề nghị không chuyển thẩm quyền cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ Công an...

Đỗ Đạt

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/dai-bieu-nguyen-phi-thuong-ha-noi-mot-so-van-de-lon-du-thao-luat-chua-cham-toi-115659.html