Đại biểu Nguyễn Anh Trí: Mong Bộ trưởng đừng thờ ơ với vấn đề xuất xứ hàng hóa

Bộ trưởng Công Thương cam kết với các đại biểu sẽ làm hết trách nhiệm, chứ không phải thiếu kiên quyết, thờ ơ trong việc giải quyết vấn đề gian lận xuất xứ hàng hóa.

Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) vấn đề xuất xứ và quy định hàng hóa sản xuất tại Việt Nam cần có văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể. Mặc dù đã có nhiều đại biểu chất vấn về vấn đề này. Tuy nhiên, phần trả lời của Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh chỉ mới dừng lại vở việc mô ta quy trình để ra thông tư, khó khăn, phức tạp và vẫn chưa ra được thông tư.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) mong Bộ trưởng Bộ Công Thương đừng thờ ơ với vấn đề gian lận xuất xứ hàng hóa.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) mong Bộ trưởng Bộ Công Thương đừng thờ ơ với vấn đề gian lận xuất xứ hàng hóa.

"Tôi nghĩ thông tư là quyền của Bộ trưởng, xong hay không là phụ thuộc vào thái độ và sự quyết tâm của Bộ trưởng. Tôi và cử tri cần Bộ trưởng trả lời khi nào có thông tư này", đại biểu Nguyễn Anh Trí nói.

Cũng theo đại biểu này, hiện vấn đề hàng giả, hàng không rõ xuất xứ đang tràn lan, khá phổ biến, ai cũng thấy, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang gay gắt, vấn đề xuất xứ hàng hóa càng trở nên gay cấn và phức tạp, vì vậy "mong bộ trưởng đừng thờ. Đề nghị Bộ trưởng tập trung cao độ ra thông tư quy định xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa càng sớm, càng tốt", đại biểu Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, trong quan hệ thương mại quốc tế, đặc biệt với Hoa Kỳ có những câu chuyện về tăng đột biến của một số ngành hàng, mặt hàng dẫn tới có dấu hiệu gian lận xuất xứ của Việt Nam để trục lợi.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, để xác định điều này chúng ta sẽ căn cứ vào thực trạng năng lực sản xuất và quy mô xuất khẩu của chúng ta cũng như sự bổ sung về năng lực sản xuất từ những dự án mới để có những biện pháp, trước tiên là cảnh báo trên cơ sở đánh giá cụ thể về thực trạng này. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay, hiện nay, cơ chế phòng vệ thương mại của chúng ta có danh mục 25 mặt hàng được cảnh bảo là có nguy cơ gian lận thương mại với Hoa Kỳ và các thị trường khác.

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn của các đại biểu

Nhưng đây chỉ mới là nguy cơ vì chúng ta chưa có những cơ sở mà phải cần các cơ quan chức năng giám sát, kiểm tra thực tế trong các hoạt động thương mại quốc tế thì mới có thể phát hiện những hoạt động gian lận này.

Dẫn chứng cụ thể về mặt hàng gỗ dán của Việt Nam thời gian qua, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, từ 2018 đến nay, mặt hàng này có có tốc độ tăng trưởng cực kỳ mạnh trong xuất khẩu sang Mỹ, tới 400%.

Trước sự đột biến này, Bộ Công Thương đã tiến hành đối chiếu với thực tế để thấy nguy cơ đối với trừng phạt thương mại của các quốc gia nhập khẩu đối với chúng ta, trong đó có Hoa Kỳ. Trên cơ sở đó Bộ Công thương đã báo cáo với Chính phủ để xây dựng thông tư và ký ban hành (ngày hôm qua 6/11) về tạm dừng nhập, chuyển tải, xuất khẩu gỗ dán của Việt Nam đi Hoa Kỳ.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh tới việc cần ngăn chặn các hoạt động gian lận trong hoạt động đầu tư (chuyển tải đầu tư bất hợp pháp). Tức là các doanh nghiệp, chế biến, sản xuất Trung Quốc hoặc từ các quốc gia có thể đầu tư vào Việt Nam để thực hiện quá trình chuyển đổi. Nhưng quá trình chuyển đổi này không đáng kể để lấy xuất xứ của Việt Nam và xuất khẩu hàng hóa sang Hoa Kỳ hay các quốc gia khác. Tuy nhiên, về mức độ chuyển đổi, chuyển tài này thì ngay cả phía Hoa Kỳ cũng không đưa ra một hàm lượng cụ thể là bao nhiêu.

Vì vậy, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, câu chuyện của chúng ta là làm vừa sao đảm bảo môi trường đầu tư vừa hiệu quả về chính sách xử lý trong gian lận thương mại. Do đó, cần có sự phối hợp vào cuộc của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cùng các cơ quan chức năng để hướng dẫn cho các địa phương trong giám sát đầu tư thực hiện chuyển tải bất hợp pháp.

Về câu hỏi có hay không việc gian lận thương mại trong thương mại quốc tế, Bộ trưởng Công thương khẳng định đã có một số trường hợp và còn nguy cơ rất lớn.

Về vấn đề gian lận xuất xứ để phục vụ cho tiêu dùng ở thị trường Việt Nam, lừa dối khách hàng, Bộ trưởng Công Thương thừa nhận hiện tượng mua sản phẩm hàng hóa nước ngoài rồi đánh tráo, dán mác Việt Nam để tiêu thụ trong nước.

Để xử lý vấn đề này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết cần phải có những cơ sở pháp lý và thông tư mà Bộ Công Thương xây dựng cũng đang hướng đến điều này. "Không phải chúng tôi không quyết tâm, mà đây là vấn đề phức tạp, ngay khi đưa ra xin ý kiến đã có rất nhiều ý kiến nhiều chiều, nhiều khía cạnh, đòi hỏi phải xem xét, cân nhắc", bộ Trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Bộ trưởng Công Thương cam kết với các đại biểu sẽ làm hết trách nhiệm, chứ không phải thiếu kiên quyết, thờ ơ. Theo Bộ trưởng Công Thương, tới đây Bộ sẽ phối hợp cùng các bộ, ngành có liên quan, trong đó Bộ Tư pháp để rà soát lại vấn đề pháp lý, đảm bảo văn bản pháp quy được ban hành./.

Thành Trung

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/dai-bieu-nguyen-anh-tri-mong-bo-truong-dung-tho-o-voi-van-de-xuat-xu-hang-hoa-20191107105612562.htm