Đại biểu lo 'pha loãng' thuốc đặc trị tham nhũng

Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cũng cho rằng việc mở rộng phạm vi điều chỉnh Luật Phòng, chống tham nhũng đối với tổ chức, doanh nghiệp trong khu vực ngoài nhà nước là 'pha loãng' thuốc đặc trị tham nhũng.

Đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội).

Mở rộng đối tượng làm "pha loãng" thuốc trị tham nhũng?

Thảo luận về dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội) cho rằng vấn đề phòng, chống tham nhũng chưa bao giờ nóng như giai đoạn hiện nay.

"Tham nhũng được toàn Đảng, toàn dân xác định là quốc nạn, là giặc nội xâm cần phải chống một cách triệt để và có hiệu quả. Cần thiết chúng ta phải sửa luật và làm sao triển khai được đường lối của Đảng, mong muốn của dân là chúng ta chống được tham nhũng một cách toàn diện, hiệu quả nhưng không có nghĩa chúng ta dàn trải, pha loãng ra để rồi cuối cùng không chống được", ông Chiến nói.

"Trong thiết kế của luật này thì phòng là chính và chống làm sao để có hành vi tham nhũng, chúng ta thu hồi được tài sản về cho nhà nước. Vì vậy, thiết kế của luật bảo đảm đáp ứng yêu cầu đó và nó phải minh bạch, rõ ràng và đúng đối tượng thì như vậy công cuộc phòng, chống tham nhũng thông qua luật sửa đổi này mới đem lại hiệu quả thiết thực", đại biểu Chiến nhấn mạnh.

Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) cũng góp ý việc mở rộng phạm vi điều chỉnh Luật Phòng, chống tham nhũng đối với tổ chức, doanh nghiệp trong khu vực ngoài nhà nước.

Theo báo cáo của Chính phủ một trong những nguyên nhân tham nhũng vẫn còn phức tạp xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và chưa bị đẩy lùi do phòng ngừa tham nhũng có nội hàm rộng, đa dạng và phức tạp. Chính vì điều này, đại biểu cho rằng mở rộng phạm vi áp dụng ra đối tượng ngoài nhà nước trong khi nguồn lực và cơ chế hoạt động của bộ máy phòng, chống tham nhũng không được cải thiện và không khả thi.

"Hiện nay, cử tri và nhân dân đang bức xúc với nạn tham nhũng gây thất thoát tài sản của nhà nước, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường đầu tư, kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội nên việc giải quyết có hiệu quả tình trạng tham nhũng trong khu vực nhà nước là cần thiết và cần tập trung", bà Thủy đề xuất.

Trước đó, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cũng cho rằng việc mở rộng phạm vi điều chỉnh Luật Phòng, chống tham nhũng đối với tổ chức, doanh nghiệp trong khu vực ngoài nhà nước là "pha loãng" thuốc đặc trị tham nhũng.

"Nếu nói là căn bệnh chúng ta đang muốn có một thang thuốc đặc hiệu nhưng xu thế hiện nay tôi cảm thấy như chúng ta đang pha loãng ra, làm mất đi hiệu lực thực sự", ông Dương Trung Quốc nói.

Ông Dương Trung Quốc cho rằng cần xác định rõ nội hàm của tham nhũng. Ông lấy ví dụ, một người có rất nhiều tài sản bất minh, nhưng nếu không phải ăn cắp của nhà nước thì làm sao gọi là tài sản tham nhũng được. Cho nên phải quy tham nhũng gắn liền với quyền lực và phương hại đến công quỹ.

"Nếu không phải là công thì không phải tham nhũng, là bệnh khác, nếu không có quyền thì không thể tham nhũng được", đại biểu Dương Trung Quốc nói.

Theo đại biểu này, chúng ta phải thay đổi cơ chế đi cho hợp lý, vì thế nếu chúng ta làm tràn lan thì con cá to sẽ lọt, còn lại bắt toàn con cá nhỏ. Do vậy, đại biểu cho rằng cần phải huy động toàn bộ hệ thống pháp luật, chứ không phải chỉ Luật Phòng, chống tham nhũng.

Còn phòng, chống tham nhũng tập trung vào những người sử dụng quyền lực để mưu tư lợi cho mình thì điều đó mới là tham nhũng, chuyện minh bạch tài sản là chuyện rất cần thiết của xã hội hiện đại, áp dụng cho tất cả mọi người ở các nước.

"Chúng ta chưa làm thì bây giờ chúng ta phải làm từng bước, không phải công chức mới là một đối tượng riêng phải làm, mọi người dân đều phải làm, mọi nguồn thu nhập đều phải làm", ông Quốc nói.

Đại biểu này đề nghị, trước mắt phải tập trung vào những người có khả năng phương hại đến công quỹ quốc gia. Một người cảnh sát có thể lấy tiền của người dân thì đó không phải tham nhũng, mắc những tội khác. Còn một công chức có quyền lực, dùng quyền lực đó làm phương hại đến công quỹ thì đấy là tham nhũng.

Trong khi đó, nhiều ý kiến lại đồng tình với nội dung nay. Cụ thể, bà Lê Thị Thủy - Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết, qua thực tế điều tra, truy tố, xét xử các vụ án lớn cho thấy tham nhũng không dừng lại quan niệm truyền thống ở khu vực công mà là tệ nạn chung.

"Việc mở rộng phạm vi ra khu vực ngoài nhà nước là hết sức cần thiết", bà Thủy nói. Theo vị này, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã hình sự hóa 4 hành vi tham nhũng gồm tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ, tội đưa hối lộ và tội môi giới hối lộ đối với người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức xã hội ngoài nhà nước.

Ngoài ra, theo bà Thủy, Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng mà Việt Nam là thành viên cũng quy định, trên cơ sở phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật nước mình, mỗi quốc gia thành viên sẽ tiến hành các biện pháp để phòng ngừa tham nhũng liên quan đến khu vực tư.

Cần thiết phải mở rộng

Giải trình thêm về nội dung này, ông Lê Minh Khái - Tổng Thanh tra Chính phủ khẳng định việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án luật ra khu vực ngoài nhà nước việc mở rộng đối tượng áp dụng Luật Phòng, chống tham nhũng đã bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, đó là từng bước mở rộng hoạt động phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước.

Cũng theo ông Khái, phương án này còn xuất phát từ một số cơ sở đòi hỏi từ chính các tổ chức, doanh nghiệp trong khu vực ngoài nhà nước, trong đó hội nhập quốc tế nhằm xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, liêm chính, đòi hỏi từ chủ sở hữu, các thành viên, những người tham gia đóng góp cho hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp trong khu vực ngoài nhà nước nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp của họ cũng như tính ổn định của nền kinh tế và môi trường của xã hội.

Tổng thanh tra Chính phủ cho biết, công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng mà Việt Nam là thành viên đã quy định về áp dụng biện pháp phòng, chống tham nhũng đối với tổ chức, doanh nghiệp trong khu vực ngoài nhà nước.

Để từng bước mở rộng hoạt động phòng, chống tham nhũng thì trước mắt cần lựa chọn những tổ chức, doanh nghiệp mà trong mô hình quản trị có nguy cơ cao làm phát sinh hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn và hành vi đó gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội, cá nhân, tổ chức có liên quan.

"Trên cơ sở đó bắt buộc các chủ thể phải thực hiện một số biện pháp phòng, chống tham nhũng theo Luật Phòng, chống tham nhũng", ông Lê Minh Khái khẳng định.

Theo vị này, các quy định áp dụng theo dự thảo luật đối với nhóm chủ thể này là các tổ chức xã hội, các công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư, tập trung vào việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát tài sản, thu nhập của người giữ vị trí lãnh đạo, quản lý.

Qua rà soát cho thấy các đạo luật chuyên ngành như Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, Luật Các tổ chức tín dụng... ở mức độ nhất định đã có quy định nhằm phòng ngừa các hành vi vi phạm trong quản lý, điều hành nhưng chưa rõ và đầy đủ.

Vì vậy, Tổng thanh tra Chính phủ cho rằng cần đưa vào quy định để áp dụng Luật Phòng, chống tham nhũng đối với chủ thể này. Đa số ý kiến của đại biểu Quốc hội thống nhất việc mở rộng phạm vi điều chỉnh ra ngoài khu vực nhà nước.

"Tuy nhiên, về nội dung các quy định phòng, chống tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước có nhiều ý kiến về thu hẹp phạm vi, thẩm quyền thanh tra phát hiện hành vi tham nhũng, sự thống nhất giữa các quy định trong các điều khoản luật phải mở rộng từng bước, có chế định phù hợp, không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của họ", ông Khái nói.

Do vậy, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, ông Khái khẳng định cơ quan soạn thảo sẽ phối hợp với các cơ quan chủ trì thẩm định hoàn thiện phạm vi điều chỉnh của dự án luật trên cơ sở đánh giá kỹ tác động của việc lựa chọn phương án đảm bảo tính khả thi và triệt để thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng để báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét, quyết định.

N.MẠNH

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/thoi-su/dai-bieu-lo-pha-loang-thuoc-dac-tri-tham-nhung-3421551.html