Đại biểu HĐND TP.HCM nói gì về đề xuất cấm hát karaoke bằng loa kéo

Đại biểu HĐND TP ủng hộ đề xuất này nhưng cho rằng khó làm bởi 'phép vua thua lệ làng' và phải trông vào ý thức người dân. Cơ quan Nhà nước thì cho biết gặp khó trong đo tiếng ồn.

Đề xuất chấm dứt hát karaoke bằng loa kẹo kéo của Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM (UBMTTQ) Tô Thị Bích Châu tại buổi họp HĐND sáng 9/7 là vấn đề được người dân TP quan tâm bởi đây là bức xúc chung của cử tri từ nhiều năm nay.

Đại biểu HĐND Cao Thanh Bình, Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách, cho biết đây là lần thứ 3 Ủy ban MTTQ kiến nghị thành phố đưa nội dung cam kết không hát karaoke bằng loa kéo vào Hương ước, Quy ước của khu phố, ấp. Vấn đề này được MTTQ theo đuổi từ năm 2016 đến nay.

"Tình trạng tiếng ồn từ karaoke hình thức loa kẹo kéo là thâu đêm, có những hoạt động gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, sức khỏe nhân dân, gây bất hòa trong cuộc sống của các hộ lân cận. Đặc biệt từng gây án mạng như tại huyện Bình Chánh", đại biểu Bình chia sẻ và cho rằng thành phố cần đẩy mạnh xử lý.

"Phép vua thua lệ làng"

Trao đổi với Zing, đại biểu Trương Lâm Danh nhận định vấn đề ô nhiễm tiếng ồn do loa kéo, hát karaoke ngoài đường phố là điều bức xúc đã kéo dài nhiều năm. Tuy nhiên, các cấp chính quyền khó dựa vào cơ sở pháp lý để khắc phục tình trạng này.

Ông Danh cho rằng việc hát karaoke ngoài đường bằng loa kéo diễn ra chưa lâu nhưng đã khiến nhiều người quen dần với sự xuất hiện và coi đây là loại hình giải trí. Theo ông, việc xử lý bằng quy định pháp luật hay cấm hoàn toàn hát karaoke bằng loa kéo sẽ không khả thi.

 Hát karaoke bằng loa kéo là vấn đề gây bức xúc với nhiều người dân do ô nhiễm tiếng ồn. Ảnh: Hải An.

Hát karaoke bằng loa kéo là vấn đề gây bức xúc với nhiều người dân do ô nhiễm tiếng ồn. Ảnh: Hải An.

Phân tích rõ hơn, đại biểu cho biết để xử phạt người hát karaoke bằng loa kéo, cơ quan chức năng phải xác định được cường độ tiếng ồn, số người bị ảnh hưởng và phải kịp thời có mặt. Nhiều tình huống nhạy cảm, khi người dân phản ánh, cơ quan chức năng có mặt thì người dùng loa đã tắt hoặc giảm âm lượng để đối phó.

“Nghị định 167 có nêu những hành vi làm ồn khu dân cư, tuy nhiên, những hành vi, mức độ thế nào được coi là gây ồn chưa được nêu rõ. Việc đo chỉ số tiếng ồn từng trường hợp cũng khó đi vào thực tế”, ông Lâm Danh cho hay.

Nêu hướng giải quyết cho vấn đề trên, đại biểu Danh cho rằng các cấp chính quyền cần chú trọng tuyên truyền để người dân nhận thức mức độ ảnh hưởng khi gây ồn tại khu dân cư.

“Phép vua thua lệ làng, một số trường hợp, hiện tượng nhạy cảm, pháp luật còn chưa xử lý được thì cần sự chung tay của cộng đồng. Khi cả cộng đồng đều nói không với loa kéo thì nó sẽ không còn chỗ đứng”, ông Trương Lâm Danh nhận định.

Gặp khó khi đo tiếng ồn

Nói về đề xuất này, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND Tăng Hữu Phong cho rằng đề xuất của đại diện MTTQ thể hiện đúng bức xúc của cử tri. Theo đại biểu Phong, thành phố sẽ không can thiệp vào quyền được giải trí của người dân nếu nó không ảnh hưởng đến cuộc sống người khác.

"Vấn đề này đang có tính thời thượng, đáp ứng nhu cầu bộ phận người dân nên không thể lập tức cấm tiệt mà cần có bước đi, giải pháp tuyên truyền, vận động. Và đây là vai trò của hệ thống chính quyền các cấp", Trưởng ban Văn hóa - Xã hội nhận định.

Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Nguyễn Thị Thanh Thúy, đại biểu HĐND, tại kỳ họp HĐND TP.HCM lần thứ 20. Ảnh: Duy Anh.

Chung quan điểm, Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Nguyễn Thị Thanh Thúy khẳng định Nhà nước không bao giờ hạn chế nhu cầu văn hóa và giải trí của người dân. Tuy nhiên, mỗi cư dân cần tự giác, có trách nhiệm chung vào sự phát triển của cộng đồng nhỏ và xã hội lớn. Bà Thúy cho biết tình trạng hát karaoke gây ồn ào đặc biệt nhiều trong mùa Covid-19 vì người dân ở nhà nhiều và cơ quan quản lý khó kiểm soát

Đại diện Sở Văn hóa đặc biệt ủng hộ đề xuất viết cam kết của UBMTTQ và cho biết sẽ ghi nhận, nghiên cứu. Ở góc độ quản lý, bà Thúy cho biết Sở Văn hóa chỉ có thể tuyên truyền còn chế tài và quản lý trực tiếp là trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường và chính quyền địa phương.

"Một trong những bất cập là hệ thống đo tiếng ồn. Khi có tiếng ồn mà báo cáo rồi đợi cơ quan chức năng đến đo thì không kịp thời", bà Thúy chỉ ra.

Phó chủ tịch HĐND Phạm Đức Hải cho biết trong phiên chất vấn Sở Văn hóa - Thể thao vào ngày cuối kỳ họp (11/7), đại biểu sẽ xem xét đặt câu hỏi cho lãnh đạo ngành văn hóa về vấn đề này.

Người dân TP.HCM nói về đề nghị chấm dứt hát karaoke bằng loa kéo Trước đề xuất chấm dứt tình trạng hát karaoke bằng loa kéo, nhiều người dân TP.HCM ủng hộ và cho rằng đề nghị này cần được xem xét sớm hơn.

Thu Hằng - Quang Huy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dai-bieu-hdnd-tphcm-noi-gi-ve-de-xuat-cam-hat-karaoke-bang-loa-keo-post1104954.html