Đại biểu HĐND Thanh Hóa: 'Chúng ta còn nợ nhân dân và cử tri'

Đánh giá HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVII, nhiệm kỳ 2016-2021 đã để lại nhiều dấu ấn và thành công nhiều lĩnh vực, song có đại biểu cũng thẳng thắn thừa nhận, vẫn còn những việc 'nợ nhân dân và cử tri'.

20 ngày nữa, kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ diễn ra trên cả nước nói chung và Thanh Hóa nói riêng. Thời khắc chuyển giao giữa hai nhiệm kỳ, các đại biểu của HĐND tỉnh Thanh Hóa đã có những chia sẻ khách quan về nhiệm kỳ đã qua.

Nhiệm kỳ đáp ứng nhiều kỳ vọng

Bà Phạm Thị Thanh Thủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa đánh giá cao vai trò của HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVII trong việc thực hiện chức năng, vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương trong nhiệm kỳ qua.

"HĐND tỉnh đã thông qua 405 nghị quyết, các nghị quyết đã kịp thời thể chế hóa các nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, bám sát thực tiễn của cuộc sống, khó khăn vướng mắc của các địa phương và nguyện vọng của cử tri", bà Thủy nhận định.

Bà Phạm Thị Thanh Thủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa

Bà Phạm Thị Thanh Thủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa

Cùng với đó, các cuộc hội nghị tiếp xúc cử tri được tổ chức cởi mở, dân chủ để cử tri đóng góp ý kiến. Đã có trên 75.000 cử tri với hơn 5.000 ý kiến, kiến nghị… Trên cở sở ý kiến của cử tri, HĐND đưa vào nội dung chất vấn. Điển hình như việc chất vấn Quyết định 22 của Chính phủ về việc hỗ trợ xây dựng nhà cho người có công, ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm. HĐND đã giải quyết được 65% các kiến nghị.

Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Thanh Hóa mong muốn HĐND tỉnh trong nhiệm kỳ tới sẽ đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động, các đại biểu có trách nhiệm trước cử tri và nhân dân, đeo bám các vấn đề thuộc lĩnh vực địa bàn nơi mình cư trú để làm tốt hơn vai trò đại diện trước nhân dân.

Ông Lương Minh Thông, đại biểu HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVII, nguyên Bí thư huyện ủy Mường Lát nói rằng, HĐND tỉnh khóa XVII đã để lại nhiều dấu ấn.

Miền núi được quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông, các thôn bản hầu như có đường ô tô đi đến nơi, các tuyến huyết mạch quan trong đang được xây dựng hứa hẹn thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội miền núi.

Ông Lương Minh Thông, đại biểu HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVII, nguyên Bí thư Huyện ủy Mường Lát.

Ông Thông dẫn chứng, tại huyện Mường Lát, trường học, mương thủy lợi, nhà văn hóa, trạm y tế, điện nước… cơ bản được đầu tư. Các chế độ chính sách của đồng bào DTTS được quan tâm đầy đủ. Việc xử lý khắc phục hậu quả thiên tai tại huyện Mường Lát và Quan Sơn được thực hiện đầy trách nhiệm, giúp đời sống người dân ổn định.

"Việc sáp nhập phường xã, thị trấn, thôn bản, hợp nhất cơ quan đơn vị là nghị quyết lớn của Quốc hội, của tỉnh. Ban đầu tưởng khó làm vì nhân dân có nhiều ý kiến khác nhau nhưng khi thực hiện cũng thuận lợi, chúng ta đã có bộ máy tinh gọn, hiệu quả, chọn được cán bộ có trình độ, năng lực. Các đại biểu HĐND đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, đáp ứng được sự mong đợi của cử tri", ông Thông khẳng định.

"Chúng ta còn nợ cử tri và nhân dân"

Ông Mai Văn Hải, Phó bí thư Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa, Nguyên Bí thư huyện ủy Nga Sơn; đại biểu HĐND tỉnh khóa XVII đánh giá: Nhiệm kỳ hoạt động của HĐND tỉnh đã đạt được khá toàn diện trên các lĩnh vực.

Chất lượng các kỳ họp được nâng cao, đổi mới tiếp xúc cử tri, chất lượng ban hành nghị quyết. Trong việc chất vấn và trả lời chất vấn, HĐND đã lựa chọn các vấn đề nổi cộm mà cử tri, doanh nghiệp bức xúc, nhận được sự đồng tình của nhân dân.

Ông Mai Văn Hải, Phó bí thư Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa, Nguyên Bí thư huyện ủy Nga Sơn; đại biểu HĐND tỉnh khóa XVII.

"Việc ban hành cơ chế, nghị quyết, quyết định các vấn đề quan trọng, chúng ta đã làm rất tròn vai", ông Hải nói và nêu ví dụ về cơ chế hỗ trợ nông nghiệp, xây dựng Nông thôn mới (NTM), đã có những cơ chế huy động nguồn lực lớn từ nhân dân, xã hội để thực hiện mục tiêu NTM.

Song, vị đại biểu đến từ huyện Nga Sơn cũng thẳng thắn nhận định: “Chúng ta còn nợ với cử tri, với nhân dân”.

Dù đã có sự chuyển biến tích cực khi giải quyết những khó khăn, bức xúc của nhân dân nhưng cơ chế chính sách ban hành đi vào thực tiễn còn chậm, những vấn đề cử tri ý kiến chúng ta tập trung giải quyết còn chậm như: vấn đề môi trường, khó khăn giải phóng mặt bằng, tiến độ các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, thực hiện kết luận của chủ tọa kỳ họp sau mỗi kỳ chất vấn vẫn có những vấn đề còn hạn chế…

“Có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan nhưng chủ quan vẫn là chủ yếu khi việc giám sát tổ chức thực hiện nghị quyết của hội đồng ở một số việc, một số lĩnh vực có thể nói là chưa được thường xuyên. Việc đôn đốc giám sát giải quyết các kiến nghị của cử tri, giải quyết bức xúc còn hạn chế nhất định”, ông Mai Văn Hải chỉ ra.

Ông Hải đề xuất cần đánh giá tổng quát, tổng thể các cơ chế của HĐND đã ban hành, trên cơ sở đó, HĐND nhiệm kỳ tới sửa đổi, ban hành mới phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh.

“Cần đánh giá kỹ lưỡng việc tổ chức thực hiện các nghị quyết của HĐND khóa XVII”, ông Hải cũng đề xuất HĐND khóa mới cần quan tâm hơn đến việc nâng cao chất lượng kỳ họp, đến việc theo dõi, đôn đốc, giám sát việc giải quyết đơn kiến nghị những vấn đề khó khăn trong đời sống sản xuất của người dân và doanh nghiệp.

“Nếu chúng ta quan tâm làm tốt việc này chắc chắn cử tri và nhân dân rất tin tưởng, đánh giá cao”, đại biểu HĐND tỉnh khóa XVII nói.

Lương Diễn

Nguồn ANTT: http://antt.nguoiduatin.vn/dai-bieu-hdnd-thanh-hoa-chung-ta-con-no-nhan-dan-va-cu-tri-312795.htm