Đại biểu GEF6 gửi thông điệp săn bắt động vật hoang dã là hậu họa của mai sau

(TN&MT) - Khi các khu vực thiên nhiên hoang dã được quản lý đúng cách, chúng sẽ trở thành một tài sản của du lịch sinh thái và các doanh nghiệp khác có thể được xây dựng vì lợi ích của cộng đồng lẫn địa phương. Đó là nội dung chính mà các diễn giả muốn bày tỏ tại hội thảo Động vật hoang dã diễn ra sáng nay (28/6), do Bộ TN&MT cùng Bộ NN&PTNT phối hợp tổ chức bên lề kỳ họp Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu lần thứ 6 (GEF 6) đang diễn ra tại TP. Đà Nẵng.

Nhiều diễn giả tại hội thảo cho rằng, thiệt hại môi trường sống và săn bắn bất hợp pháp cho buôn bán động vật hoang dã xuyên quốc tế là nguyên nhân chính làm mất sự đa dạng sinh học

Tham dự có bà Grace Ge Gabriel, Giám đốc khu vực Châu Á, Quỹ quốc tế về phúc lợi động vật, cùng ông Paula Cristina Francisco Coelho, Bộ trưởng Bộ Môi trường, Cộng hòa Angola và nhiều đại biểu đến từ nhiều quốc gia khác nhau.

Nhiều diễn giả tại hội thảo cho rằng, hiện số lượng và quy mô của nhiều quần thể động vật hoang dã đang bị suy giảm trên toàn thế giới. Thiệt hại môi trường sống và săn bắn bất hợp pháp cho buôn bán động vật hoang dã xuyên quốc tế là hai nguyên nhân chính làm mất sự đa dạng sinh học. Khi các khu vực thiên nhiên hoang dã được quản lý đúng cách, chúng sẽ trở thành một tài sản của du lịch sinh thái và các doanh nghiệp khác có thể được xây dựng vì lợi ích của cộng đồng lẫn địa phương.

Theo các diễn giả, săn bắt và buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp đang đạt đến mức quá cao, đe dọa sự tồn tại lâu dài của quần thể nhiều loài, bao gồm voi châu Phi, tê giác, hổ và tê tê. Hàng chục ngàn con voi đã bị giết hại vì ngà voi của nó, và những con tê giác bị săn trộm để lấy sừng dẫn đến việc tuyệt chủng. Sự suy giảm ngày càng tăng của quần thể động vật hoang dã sẽ có tác động tiêu cực lâu dài đối với cộng đồng địa phương vì chúng sẽ bị tước đoạt các lựa chọn sinh kế trong tương lai và có ít cơ hội kiếm được từ thu nhập du lịch.

Hiện số lượng và quy mô của nhiều quần thể động vật hoang dã đang bị suy giảm trên toàn thế giới

Tại hội thảo, bà Judy Garber, Phó Trợ lý Hiệu trưởng, Bộ Ngoại giao, Hoa Kỳ cho biết, nếu cứ tiếp tục phá hủy môi trường sống, săn bắt động vật quá mức thì sức khỏe con người chắc chắn sẽ bị đe dọa. Thách thức cho các tổ chức lẫn chính phủ các quốc gia ngày càng to lớn, các chính phủ đầu tư hơn 90 tỉ đô la trên năm để thực hiện các chương trình cải thiện môi trường. Chính vì vậy, chúng ta hãy gắn kết chung tay cùng nhau để thực hiện mục tiêu chung.

Còn ông John D. Dennis, Văn phòng Ngoại giao và Thịnh vượng chung (FCO), Chính phủ Anh lại cho rằng, phát triển kinh tế là mục tiêu chung của các quốc gia, tuy nhiên việc phát triển kinh tế để bền vững thì chúng ta phải để tâm đến các vấn đề liên quan đến môi trường sống, môi trường sinh thái và đặc biệt là thế giới động vật. Nguồn tài chính lấy được từ thị trường buôn bán động vật là rất lớn, nhưng không thể vì ham cái lợi trước mắt mà ta phá hủy sự cân bằng các loài động vật.

Ông NIK Sekhran, Giám đốc bảo tồn, WWF-US cho biết thêm, mục tiêu của con người là tối thiểu hóa chi phí và tối đa hóa lợi nhuận vì thế nên khi nhìn thấy ngà voi và sừng tê giác là những sản phẩm nhận được giá rất cao và được mọi người săn đón thì con người cố gắng khai thác quá mức nhưng không nghĩ đến cái họa về sau. Họ cố gắng giết động vật để lấy da, lấy thịt thậm chí là lấy ngà cho suy nghĩ phù phiếm về thuốc chữa bách bệnh. Đây là suy nghĩ ấu trĩ và trở thành một thói quen xấu và hậu họa về sau.

Cũng tại hội thảo này, bà Grace Ge Gabriel, Giám đốc khu vực Châu Á, Quỹ quốc tế về phúc lợi động vật cho hay: Mười năm trở lại đây thị trường chợ đen của Trung Quốc có bán mặt hàng chủ yếu là ngà voi, hơn 70% voi tại Trung Quốc bị giết chết vì việc thu thập ngà voi trái phép. Nhưng chính phủ Trung Quốc không tìm ra cách giải quyết.

“Theo tôi nghĩ giải pháp đóng cửa tất cả các chợ trái phép giành cho thị trường buôn bán động vật trái phép. Đây là giải pháp rất tối ưu: phá bỏ nguồn cầu để không còn nguồn cung; giảm tình trạng săn bắn gần như hoàn toàn. Những năm gần đây Ngân hàng Trung quốc đã mở ngân sách để cứu voi, hổ và tê giác nhưng vẫn không có tác dụng lớn đến thực tại.Theo tôi, thay đổi thói quen sẽ thay đổi tất cả, còn nếu thói quen vẫn còn thì mọi giải pháp có tốt đến mấy cũng khồng còn khả thi” - bà Grace Ge Gabriel nói thêm.

Khi các khu vực thiên nhiên hoang dã được quản lý đúng cách, chúng sẽ trở thành một tài sản của du lịch sinh thái

Tại Việt Nam, Bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) được mệnh danh là kinh đô của loài Voọc chà vá chân nâu bởi tổng số cá thể tính đến tính đến nay ở đây lên đến 18 đàn tương ứng với 300 cá thể chiếm 30% tổng số cá thể hiện có ở Việt Nam. Đây là loài linh trưởng đẹp nhất hành tinh với 5 màu ngũ sắc và được mệnh danh là “nữ hoàng của các loài Voọc”. Trong khi loài này bị đe dọa tuyệt chủng tại nhiều nơi thì tại Sơn Trà, loài này hiện đang phát triển khỏe mạnh và bền vững. Điều này có được một phần do quyết tâm của chính quyền Đà Nẵng trong bảo vệ môi trường sống cho các loài động thực vật nơi đây.

Nơi đây cũng được mệnh danh là cánh rừng già duy nhất ở Việt Nam nằm trong lòng thành phố trẻ, bán đảo Sơn Trà là món quà mà tạo hóa đã hào phóng ban tặng. Thế nhưng nhiều năm qua, tiềm năng du lịch tại bán đảo Sơn Trà vẫn chưa được khai thác đúng mức. Cái khó lớn nhất theo nhiều chuyên gia, là phải làm sao vừa khai thác mà vẫn bảo tồn được khu rừng nguyên sinh và môi trường sống của các loài động vật quý hiếm này.

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/moi-truong/dai-bieu-gef6-gui-thong-diep-san-bat-dong-vat-hoang-da-la-hau-hoa-cua-mai-sau-1255141.html