Đại biểu: Doanh nhân nước ngoài cũng phải ngần ngại với 'bí mật Nhà nước'

Đại biểu Quốc hội thẳng thắn cho rằng, nếu như cộng đồng doanh nhân nước ngoài, các nhà đầu tư nước ngoài làm ăn với Việt Nam, người ta đọc Luật Bí mật Nhà nước thì sẽ hết sức ngần ngại trong việc giao tiếp, hội thảo, đàm phán, thương lượng, gửi tài liệu qua các email...

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa.

Thảo luận về dự án Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cho biết, qua nghiên cứu luật ông e ngại sẽ có những tác động ngoài ý muốn, thậm chí tiêu cực đối với chính sách mà chúng ta đang chủ trương là đẩy mạnh công nghệ 4.0 và công nghệ thông tin, xây dựng các đô thị thông minh...

Theo ông Nghĩa, đặc trưng của xã hội này là thông tin phải phổ biến thật nhanh; phải phổ biến thật rộng; phải phổ biến thật tiện lợi; rẻ và thậm chí là miễn phí. Xã hội nào càng phổ biến được nhiều thông tin như vậy thì xã hội đó càng phát triển nhanh chóng và nó tăng năng suất lao động, làm tăng giá trị nền kinh tế.

"Với nhận thức đó, chúng ta đặt ra vấn đề là trong những thông tin đó thì thông tin nào là bí mật và thông tin nào là bí mật nhà nước? Nếu chúng ta làm không khéo và chúng ta mở quá rộng thì không ai dám làm gì cả. Bởi vì người ta rất sợ vi phạm, thậm chí không ai dám tuyên truyền phổ biến", ông nói.

Ông Nghĩa cho rằng, thông tin về vấn đề công nghiệp, thương mại, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi, thủy sản là có nhiều thông tin phải phổ biến; có nhiều thông tin không thuộc về nhà nước, vì các doanh nghiệp và người dân đi điều tra, khảo sát để tiến hành các hoạt động làm ăn sinh sống thì thông tin đó là thông tin của người ta.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa dẫn thêm ví dụ ở Điều 5, các hành vi bị nghiêm cấm có câu: "Soạn thảo lưu giữ tài liệu có chứa thông tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước".

"Nếu Điều 5 khoản 5 này áp vào phạm vi này thì người ta không dám soạn thảo và lưu giữ tài liệu nào cả. Nói thật, trong các cuộc họp, trong khi giao dịch với các cơ quan nhà nước người ta cũng không muốn nhận những tài liệu đó. Khi nhận vào người ta lĩnh trách nhiệm bảo vệ, bảo quản, sau này người ta có thể bị liên lụy trong trường hợp này, trường hợp khác", ông Nghĩa cho biết.

Vị đại biểu Quốc hội cũng bình luận, nhiều thông tin về Việt Nam nhiều lúc muốn có lại phải lấy ở nước ngoài.

"Ở nước ngoài họ điều tra, nghiên cứu, khảo sát rồi thông tin, về địa hình, địa chất, biển đảo, ở nước ngoài các vệ tinh sao chụp và đăng công khai lên, rất nhiều cái đó mà đưa vào đây là thuộc bí mật nhà nước thì có hợp lý không và nó sẽ cản trở việc giao tiếp, lưu truyền thông tin, có nghĩa là cản trở hoạt động về kinh tế - xã hội", ông cho biết.

Ông Nghĩa e ngại: "Nếu như cộng đồng doanh nhân nước ngoài, các nhà đầu tư nước ngoài làm ăn với Việt Nam, người ta đọc luật này thì người ta hết sức ngần ngại khi chúng ta giao tiếp, hội thảo, đàm phán, thương lượng, gửi tài liệu qua các email..."

"Tôi xin nêu một số băn khoăn, lo lắng như vậy để Ban soạn thảo có thể giải thích thêm cho tôi hiểu và sau này về giải thích thêm cho cử tri hiểu. Nếu chúng ta thấy chưa yên tâm đề nghị nên hoàn thiện thêm, làm cho rõ hơn. Luật pháp mà chung chung, thu hẹp quá hoặc mở rộng quá và để cho giải thích theo nhiều nghĩa thì khi đưa ra áp dụng, tôi cho rằng có những tác hại ngoài ý muốn của chúng ta", ông nói thêm.

LÂM AN

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/thoi-su/dai-bieu-doanh-nhan-nuoc-ngoai-cung-phai-ngan-ngai-voi-bi-mat-nha-nuoc-3476932.html