Đại biểu đề nghị giữ hình thức kỷ luật giáng chức để tránh lãng phí về chuyên môn

Xuống xã mới thương cán bộ xã, trình độ vừa phải nhưng gánh vác công việc liên quan trực tiếp đến dân ngày càng phức tạp, mà nếu chỉ để 1 Phó chủ tịch UBND xã thì căng vô cùng.

Đó là ý kiến của đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) khi thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức chiều 24-5.

Về sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đại biểu Ngọ Duy Hiểu cũng cho rằng, nên giữ số lượng 2 Phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh, nếu không với các tỉnh, thành phố lớn sẽ rất khó khăn. Đáng quan tâm, theo ông Hiểu, khi hướng dẫn nhân sự bầu cử ĐBQH, với vị trí Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh nên cơ cấu làm Phó đoàn ĐBQH chuyên trách, đảm bảo thông tin giữa trung ương và địa phương, hội tụ hai trong một.

Còn với HĐND cấp huyện, nên để số lượng 01 phó chủ tịch. “Tôi đã gặp rất nhiều phó chủ tịch HĐND huyện, công việc cũng nhàn, kể cả chỉ 1 phó chủ tịch thì cũng nhàn, cho nên để 1 phó chủ tịch là phù hợp”, ông Hiểu nói.

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu phát biểu tại phiên thảo luận tổ

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu phát biểu tại phiên thảo luận tổ

“Xuống xã mới thương cán bộ xã, trình độ vừa phải nhưng gánh vác công việc liên quan trực tiếp đến dân ngày càng phức tạp, mà nếu chỉ để 1 Phó chủ tịch UBND xã thì căng vô cùng. Có thực tế Phó Chủ tịch UBND xã gốc là cán bộ văn hóa, lên Phó chủ tịch nhưng suốt ngày đi ký giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đi tù dễ như chơi.

Cần có 2 Phó chủ tịch UBND cấp xã, trên cơ sở lựa chọn chuyên môn một người về kinh tế đất đai, 1 người về văn hóa xã hội. Tương tự, với UBND cấp huyện, nên có 3 Phó chủ tịch, nhưng trong luật không qui định cứng, mà với cấp xã, qui định chung có từ 1 đến 2 phó chủ tịch; còn với cấp huyện là từ 2-3 phó chủ tịch”, ông Hiểu nói.

Đại biểu Hoàng Văn Trà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, hiện nay, Luật chính quyền địa phương giao cho HĐND rất nhiều việc, mà bây giờ đặt vấn đề bớt Phó Chủ tịch HĐND, nhất là cấp tỉnh thì không thực tế. Còn với tuyến huyện thì cân nhắc có thể 1-2 phó chủ tịch HĐND, nếu bớt thì có thể 1.

Đại biểu Hoàng Văn Trà cũng tán thành với việc giữ hình thức kỷ luật giáng chức trong Luật cán bộ công chức. Theo đại biểu, tuy thực tế áp dụng rất ít nhưng cần thiết. Một người đang là cấp phó đưa lên cấp trưởng nhưng điều hành không được, năng lực không đáp ứng được thì xuống làm cấp phó, hoặc xuống trưởng phòng. Chứ vượt qua cảnh cáo, cách chức từ giám đốc sở xuống làm chuyên viên, nhân viên luôn thì rất phí về chuyên môn.

“Tôi nghĩ nên duy trì giáng chức nhưng phải có hướng dẫn cụ thể để không lợi dụng giáng chức để né cách chức, như thế thì không được”.

Đại biểu Đào Tú Hoa đề nghị giữ hình thức kỷ luật giáng chức với cán bộ, công chức

Đại biểu Đào Tú Hoa (Hà Nội) cũng cho rằng, nên giữ nguyên hình thức kỷ luật này vì đây là hình thức được qui định trong luật hiện hành, qua thực tiễn cho thấy mang tính phòng ngừa răn đe cao. Nếu bỏ hình thức này, thì phải có lập luận thuyết phục vì sao bỏ.

“Tại Tờ trình nêu lý do giữ hình thức giáng chức sẽ dễ dẫn đến nể nang áp dụng hình thức này mà không áp dụng hình thức cách chức, lý giải này không thuyết phục một chút nào cả.

Ví dụ, có cán bộ vi phạm ở mức độ không đến mức cách chức, chỉ cần giáng chức, nghĩa là người đó vẫn còn chức vụ, nhưng nếu luật không qui định thì không có căn cứ để áp dụng”, đại biểu Đào Tú Hoa nói.

Về Luật Viên chức quy định chế độ hợp đồng với viên chức tuyển dụng mới Dự thảo với 2 phương án, đại biểu Đào Tú Hoa đồng tình phương án 1, theo đó tất cả các viên chức được tuyển dụng mới sau khi luật này có hiệu lực sẽ thực hiện ký hợp đồng có thời hạn, không áp dụng chế độ hợp đồng không thời hạn, kể cả sau khi kết thúc hợp đồng xác định thời hạn 2 lần.

Vì, áp dụng phương án này để khắc phục được hạn chế trong quản lý viên chức hiện nay, tâm lý viên chức thì dễ, nhưng chấm dứt hợp đồng thì khó, tạo động lực để viên chức phải hoàn thành tốt nhiệm vụ, nỗ lực phấn đấu, tạo cơ chế, tránh sức ỳ.

Còn theo đại biểu Ngọ Duy Hiểu, Điều 25 Dự thảo sửa đổi Luật Viên chức qui định về thực hiện ký hợp đồng với viên chức chưa thỏa đáng, vì sẽ giải quyết như thế nào với những viên chức đang làm việc, khi trong cùng 1 hệ thống phát sinh 2 vấn đề: Những người đang làm việc rồi thì đương nhiên là ký hợp đồng không xác định thời hạn, còn người mới tuyển dụng thì sẽ ký hợp đồng có thời hạn.

“Cần nghiên cứu, tránh phân biệt giữa viên chức đang trong hệ thống và viên chức mới tuyển vào. Còn để đưa người không đủ tiêu chuẩn, trình độ, năng lực ra khỏi bộ máy thì không thuần túy bằng việc ký hợp đồng có thời hạn hay không, còn giải pháp đánh giá, sát hạch, giao nhiệm vụ có những yêu cầu cụ thể để đánh giá, tránh nể nang, tạo điều kiện cho thủ trưởng đơn vị quyền lựa chọn”, đại biểu Ngọ Duy Hiểu nói.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/dai-bieu-de-nghi-giu-hinh-thuc-ky-luat-giang-chuc-de-tranh-lang-phi-ve-chuyen-mon-149440.html