Đại biểu đề nghị cho học sinh mua bảo hiểm y tế theo hộ gia đình để được hỗ trợ nhiều hơn

'Hiện nay, theo quy định, mua tại trường được hỗ trợ 30%, còn nếu mua tại hộ gia đình có thể giảm tới 50% theo thứ tự số người trong hộ', đây là phát biểu của đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) trong phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế xã hội, ngân sách nhà nước ngày 27-10.

Đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng, qua giám sát thực hiện chính sách bảo hiểm y tế tại địa phương, nhóm đối tượng do ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ chiếm trên 70%. Trong khi đó nhóm đối tượng lao động và người sử dụng lao động, hộ gia đình đóng chỉ chiếm khoảng 30%.

Điều này gây áp lực đối với ngân sách nhà nước và cho thấy tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế chủ yếu do ngân sách nhà nước đảm bảo nên dài hạn là không bền vững trong trường hợp nhà nước thay đổi chính sách và bảo hiểm y tế. Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo có giải pháp khuyến khích người dân và doanh nghiệp tham gia bảo hiểm y tế theo quy định.

“Bà con đề nghị Chính phủ chỉ đạo các ngành chức năng xem xét, điều chỉnh quy định cho học sinh, sinh viên được tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình thay vì mua tại nhà trường như hiện nay, bởi vì khi tham gia theo hộ gia đình sẽ có lợi hơn. Hiện nay, theo quy định, mua tại trường được hỗ trợ 30%, còn nếu mua tại hộ gia đình có thể giảm tới 50% theo thứ tự số người trong hộ”, đại biểu nói.

Đại biểu Thạch Phước Bình kiến nghị cho HSSV mua BHYT theo hộ gia đình, thay vì mua ở nhà trường (ảnh QH)

Trong những năm qua, tỷ lệ người dân mua bảo hiểm y tế tự nguyện tăng hàng năm và đến nay đạt khoảng 243 ngàn người. Tuy nhiên, con số này chỉ khoảng 30% là tham gia mới, còn lại khoảng 70% là người đã tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, đóng bảo hiểm tự nguyện tiếp để đủ điều kiện hưởng lương hưu và việc thu hút người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện hiện nay là chậm và khó khăn.

Nguyên nhân khó khăn thu hút đối tượng tham gia chính là do mức đóng còn cao so với thu nhập của đa số người dân trong khi mức hưởng chưa tương xứng, người lao động phải duy trì khoản đóng hàng tháng trong khi khoảng thời gian ít nhất là 20 năm như vậy rất khó để người dân thực hiện khi thu nhập của họ luôn bấp bênh.

“Do đó, kiến nghị Chính phủ nghiên cứu, tăng mức hỗ trợ đóng cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện so với mức hiện nay. Hiện nay, hỗ trợ 30% đối với hộ nghèo, 25% đối với hộ cận nghèo và 10% đối với các đối tượng còn lại. Như vậy, tôi đề nghị tăng mức này lên nhằm khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện”, đại biểu Thạch Phước Bình kiến nghị.

Đại biểu Thạch Phương Bình cũng đánh giá, y tế cơ sở được coi là nền tảng, xương sống của hệ thống y tế, đồng thời là tuyến đầu, người gác cổng của hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu, trực tiếp gần dân nhất, là nơi trực, dễ tiếp cận với chi phí thấp, công bằng xã hội, giảm quá tải bệnh viện tuyến trên.

Tuy nhiên, hiện nay, hầu hết các trạm y tế chưa tạo được niềm tin với người dân, nhiều trạm y tế chưa làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, chưa quan tâm đến công tác dự phòng, phần lớn trạm y tế chưa quản lý tốt bệnh mãn tính, số lượng, chất lượng dịch vụ còn hạn chế, danh mục thuốc còn ít, hầu hết trạm y tế xã, phường chỉ thực hiện 50-70% số dịch vụ kỹ thuật, khoảng 40% danh mục thuốc theo phân tuyến.

Nguyên nhân chủ yếu là do nguồn lực thiếu, yếu, chế độ đãi ngộ chưa thỏa đáng, kinh phí đầu tư chưa bảo đảm, một số ít địa phương chưa thực sự quan tâm đối với hoạt động của trạm y tế. Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế cần có giải pháp có tính chất lâu dài để thu hút nguồn lực nâng cao chất lượng y tế cơ sở nhằm đáp ứng tốt nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân.

H.L

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/dai-bieu-de-nghi-cho-hoc-sinh-mua-bao-hiem-y-te-theo-ho-gia-dinh-de-duoc-ho-tro-nhieu-hon-125562.html