Đại biểu đề nghị chi cho giáo dục đào tạo tối thiểu là 20% tổng chi cho ngân sách Nhà nước

Trong hơn hai ngày thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước, nhiều đại biểu đã đề cập đến vấn đề giáo dục, thi cử, và nguồn chi ngân sách cho lĩnh vực này.

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân Thu (Khánh Hòa) nhấn mạnh, trong Cương lĩnh chính trị và chiến lược phát triển đất nước, giáo dục luôn được xem là quốc sách hàng đầu. Thời gian qua, hệ thống trường lớp và quy mô giáo dục phát triển nhanh, thực hiện nền giáo dục toàn dân, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng tăng của nhân dân, nâng cao được trình độ kỹ thuật, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động, công bằng xã hội. Trong tiếp cận giáo dục có nhiều tiến bộ, nhất là đối với người dân tộc thiểu số, lao động nông thôn, đối tượng chính sách…

Tuy nhiên, đại biểu cho hay, cử tri rất băn khoăn về chất lượng giáo dục và vấn đề quản lý giáo dục hiện nay ở tất cả các cấp học, ở bậc mầm non có việc trẻ em bị bạo hành bởi chính các cô nuôi dạy trẻ, việc bỏ quên trẻ em trong xe đưa đón dẫn đến chết người, việc quản lý ở các cơ sở giáo dục gọi là chất lượng cao cho thấy có nhiều lỗ hổng về quản lý khiến cho cha mẹ học sinh hết sức bất an.

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân Thu phát biểu tại phiên họp. Ảnh: QH

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân Thu phát biểu tại phiên họp. Ảnh: QH

Theo đại biểu, mặc dù vừa qua Quốc hội đã thông qua Luật Giáo dục, tuy cơ sở vật chất đầu tư cho giáo dục tăng, phương tiện hỗ trợ giáo dục hiện đại nhưng học sinh không tiếp thu được nhiều kiến thức, học giả, thi giả vẫn được thừa nhận, thậm chí được cấp bằng tốt nghiệp xuất sắc và vẫn tìm được những chỗ làm tốt nhờ cơ chế mua bán, xin cho.

Điều này đã tác động rất lớn đến tâm lý học sinh, sinh viên và gia đình, làm mất động lực phấn đấu của các học sinh nghèo học giỏi. Học sinh học thật, thi thật, cơ hội tìm kiếm, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài của quốc gia cũng vì thế mà mất dần, chảy máu chất xám không có dấu hiệu giảm xuống dù Chính phủ có rất nhiều cơ chế thu hút nhân tài.

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân Thu cũng dẫn tuyên bố nổi tiếng của Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela: “Để phá hủy bất kỳ quốc gia nào không cần phải sử dụng đến bom nguyên tử hoặc tên lửa tầm xa, chỉ cần hạ thấp chất lượng giáo dục và cho phép gian lận trong các kỳ thi của sinh viên. Bệnh nhân sẽ chết dưới bàn tay của bác sĩ, của nền giáo dục đó, các tòa nhà sụp đổ dưới bàn tay của các kỹ sư của nền giáo dục đó. Tiền bị mất trong tay các nhà kinh tế và kế toán của nền giáo dục đó và nhân loại chết dưới bàn tay của các học giả tôn giáo của nền giáo dục đó. Công lý bị mất trong tay của các thẩm phán của nền giáo dục đó và sự sụp đổ của giáo dục là sự sụp đổ của một quốc gia”.

Đại biểu Quách Thế Tản (Hòa Bình) đề nghị Chính phủ có sự chỉ đạo sát sao việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới về biên soạn, thẩm định sách giáo khoa giáo dục phổ thông vì từ năm học 2020-2021 bắt đầu triển khai chương trình này. Đồng thời, cần sớm ban hành các văn bản dưới luật để nhanh chóng triển khai thực hiện Luật Giáo dục. “Năm 2020, dự toán chi ngân sách Nhà nước cho lĩnh vực này là 317.000 tỷ đồng, tăng 10,8% so với năm 2019, cũng chỉ bằng 18,18% dự kiến tổng chi cân đối ngân sách Nhà nước năm 2020. Do vậy, tôi đề nghị Quốc hội hết sức quan tâm và tạo điều kiện để cung cấp đủ mức kinh phí như 20% mà Quốc hội đã quyết định”, đại biểu đề nghị.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) cũng đề nghị cần đổi mới cách thức phân bổ ngân sách Nhà nước cho GD&ĐT, bảo đảm phát huy tốt nhất nguồn lực Nhà nước dành cho giáo dục.

Theo đánh giá của Ủy ban Tài chính, ngân sách thì việc thực hiện tỷ lệ chi cho giáo dục theo Nghị quyết của Quốc hội tiếp tục gặp bất cập. Có tỉnh đã chú trọng tăng chi cho giáo dục nhưng nguồn lực cho đầu tư phát triển còn rất ít. Một số địa phương cho rằng tỷ lệ chi 20% cho giáo dục là rất cao, không chi tiết.

“Tôi cho rằng Nghị quyết của Quốc hội cũng như Luật Giáo dục quy định bảo đảm ngân sách Nhà nước cho GD&ĐT tối thiểu là 20% tổng chi cho ngân sách Nhà nước là cụ thể hóa quy định của Hiến pháp.

Luật Giáo dục cũng đã xác định chi đầu tư giáo dục là chi đầu tư phát triển. Ngân sách Trung ương chi tối thiểu 20% cho giáo dục là phù hợp, nhưng ngân sách địa phương cũng bố trí tối thiểu 20% chi ngân sách địa phương là không phù hợp với các tỉnh nghèo, các tỉnh mà khả năng xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo hạn chế”, đại biểu nói.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/dai-bieu-de-nghi-chi-cho-giao-duc-dao-tao-toi-thieu-la-20-tong-chi-cho-ngan-sach-nha-nuoc-168636.html