Đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng nhiều vấn đề 'nóng'

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn ngày 30/10, các đại biểu đã chất vấn nhiều vấn đề 'nóng' của ngành xây dựng đối với Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà trả lời chất vấn. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Giải pháp cho nhà ở đối với công nhân

Đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Xây dựng, đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) chất vấn: “Chính phủ đã có nhiều nỗ lực và đạt kết quả quan trọng trong việc giải quyết vấn đề nhà ở cho các đối tượng có công với cách mạng và nhà ở đối với các hộ nghèo.

Tuy nhiên, nhà ở đối với công nhân thì hiện nay đạt kết quả còn rất khiêm tốn. Đề nghị Chính phủ cho biết những chính sách và giải pháp mới hiệu quả để khắc phục tình trạng nêu trên…?”

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết: Nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp và nhà ở đô thị luôn được quan tâm, coi đây là trọng tâm trong chính sách phát triển nhà ở quốc gia.

Thời gian qua, các cấp, các ngành, các địa phương nỗ lực cố gắng và thực hiện được 3,8 triệu m2 nhà ở cho công nhân và nhà ở xã hội, trong đó có khoảng 1,8 triệu m2 nhà ở cho các hộ nghèo đô thị, khoảng 2 triệu m2 cho nhà ở công nhân.

Tuy đã có cố gắng, nhưng so với yêu cầu còn rất thấp. "Hiện nay, cung - cầu cho nhà ở này chúng ta đang mất cân đối gay gắt”, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết.

Để giải quyết được vấn đề này, theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 03 năm 2017 về một số giải pháp để thúc đẩy phát triển nhà ở, trọng tâm là nhà ở cho công nhân của khu công nghiệp và nhà ở đô thị.

“Chúng tôi nghĩ rằng, nếu các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt các chỉ thị với các nhiệm vụ, giải pháp rất cụ thể, chúng ta sẽ có chuyển biến mới trong vấn đề đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp”, theo Bộ trưởng.

Người đứng đầu ngành xây dựng cho rằng, có một giải pháp đột phá là bố trí đủ vốn ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Nhà ở để hỗ trợ những người mua nhà vay để thuê mua nhà ở, trong đó có công nhân của các khu công nghiệp.

Trong kế hoạch đầu tư trung hạn 5 năm, mặc dù Quốc hội, Chính phủ quan tâm nhưng mới bố trí được chưa đầy 1,2 nghìn tỷ đồng cho nhu cầu này, trong khi đó nhu cầu thực tế khoảng 9 nghìn tỷ đồng.

“Hiện nay, các đối tượng mua nhà xã hội, đặc biệt là công nhân khu công nghiệp cũng rất mong muốn có khoản này để hỗ trợ nâng cao khả năng thanh toán cho việc mua và thuê mua nhà ở của họ. Mong rằng Quốc hội quan tâm vấn đề này, Chính phủ đã dự kiến bố trí khoảng 2-3 nghìn tỷ đồng, xử lý vốn dự phòng của kế hoạch trung hạn 5 năm”, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nói.

Nhiều công trình xây dựng không phép

Tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) nêu vấn đề: Nhiều công trình xây dựng không giấy phép, sai giấy phép mọc lên như Tòa nhà ở phố Lê Trực, Hà Nội, đang thách thức sự kiên nhẫn của cử tri. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết lộ trình giải quyết dứt điểm các vi phạm ở chung cư như hiện nay.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết: Trong những năm qua, hoạt động xây dựng dần đi vào nền nếp, trật tự; số vụ vi phạm giảm dần. Tính bình quân 3 năm từ năm 2016 tới 9 tháng năm 2018, số vụ vi phạm hoạt động xây dựng đã giảm, bình quân là 13,2% tương đương với 1.100 vụ/năm.

Tuy nhiên, tình trạng vi phạm trong hoạt động xây dựng vẫn còn diễn ra khá phổ biến và diễn biến phức tạp. Một số vụ việc vi phạm chưa được phát hiện kịp thời, một số vụ việc chưa được xử lý một cách dứt điểm, nghiêm minh.

Ví dụ, 9 tháng năm 2018 có đến 10.881 công trình vi phạm, trong đó xây dựng không phép là 3.060 vụ, sai phép là 5.481 vụ và các vi phạm khác là 2.340 vụ. Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc này là còn thiếu một số quy định pháp luật hoặc một số các quy định pháp luật đã có nhưng chưa đủ rõ dẫn tới các sai phạm.

Bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật về hoạt động xây dựng của một số chủ thể tham gia như các nhà thầu, chủ đầu tư, thậm chí cơ quan quản lý nhà nước, một bộ phận nhân dân còn chưa tốt. Công tác kiểm tra, phát hiện sớm vi phạm ngay từ lúc đầu và xử lý các vi phạm chưa dứt điểm, nghiêm minh. Quá trình cưỡng chế, phá dỡ, khôi phục nguyên trạng ban đầu ở một số công trình hết sức phức tạp, kéo dài.

Về giải pháp khắc phục tình hình trong thời gian tới, theo Bộ trưởng, trước hết tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật về hoạt động xây dựng, quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng, định mức xây dựng và các quy định xử phạt hành chính trong hoạt động xây dựng.

Đồng thời, tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động xây dựng nói chung, cũng như công tác xử lý vi phạm, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm; tăng cường công tác tuyên truyền để các chủ thể tham gia, người dân am hiểu các quy định về hoạt động xây dựng, tránh vi phạm.

“Về phần mình, Bộ Xây dựng và tôi với tư cách là Bộ trưởng Bộ Xây dựng xin hứa với Quốc hội sẽ làm hết sức mình. Tôi không dám hứa và không dám cam kết về một lộ trình cũng như thời điểm có thể chấm dứt vi phạm trong hoạt động xây dựng, nhưng tôi xin nhắc lại, tôi xin hứa sẽ nỗ lực hết sức mình”, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nói.

Không hài lòng với câu trả lời này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh) tranh luận, những vi phạm trong lĩnh vực xây dựng ngày càng lan tỏa và rất dai dẳng, đặc biệt những vi phạm trong xây dựng rất nghiêm trọng với đặc trưng là công khai, kéo dài, khi phát hiện, xử lý rất phức tạp và có những người vi phạm rất ngoan cố.

“Không chỉ trong lĩnh vực xây dựng nhà ở, kể cả trong vấn đề giao thông, tài nguyên môi trường, Bộ Xây dựng đều có trách nhiệm ở trong đó, nhưng Bộ trưởng trả lời do luật pháp chưa đầy đủ... tôi e rằng với câu trả lời này sẽ không khắc phục được. Ví dụ Bộ trưởng đã làm gì để kiến nghị sửa đổi pháp luật, Bộ trưởng đã báo cáo Thủ tướng về các địa phương không chấp hành những yêu cầu của Bộ trưởng chưa. Bộ trưởng phải báo cáo mình đã làm cái gì để khắc phục tình hình vi phạm trong lĩnh vực xây dựng hết sức bức xúc”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói, đồng thời đề nghị Bộ trưởng trả lời về giải pháp cụ thể.

Chuyển đến Bộ trưởng Bộ Xây dựng câu hỏi của mình về trách nhiệm của Bộ trong việc quản lý xây dựng từ khâu thiết kế cho đến thi công, đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) nêu ví dụ cụ thể với dự án xây dựng tòa nhà trước cửa Big C Hà Nội của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, là tòa chung cư khi quảng cáo với công dân là chỉ có 14 căn/sàn, bây giờ xây thành 22 căn. Diện tích hành lang trước đây quảng cáo là 2,7m, bây giờ chỉ còn 1,7m và cá biệt trong nhà tắm chỉ còn chiều rộng 90 cm.

Trước chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết: Bộ Xây dựng đã hoàn thiện thể chế, quy định của pháp luật. Theo đó, Bộ đã được giao và đang trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội một số luật liên quan như sửa đổi 4 luật về xây dựng, nhà ở, quy hoạch đô thị, kinh doanh bất động sản; đang xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị, Luật Kiến trúc.

Bộ Xây dựng cũng đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý phê duyệt 2 đề án rất quan trọng về đổi mới hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn và hệ thống định mức đơn giá trong hoạt động xây dựng. Đặc biệt, với việc Chính phủ ban hành Nghị định 139/NĐ-CP năm 2017 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, công tác kiểm tra trong lĩnh vực này đã được tăng cường.

Theo đó, trong năm 2017 - 2018, Bộ Xây dựng đã tiến hành tổng kiểm tra trên toàn quốc về tình hình thực hiện quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị; về hoạt động xây dựng và cấp phép xây dựng ở một số đô thị. Bộ Xây dựng đã có báo cáo Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc này.

Hàng năm, Bộ Xây dựng thực hiện khoảng 80-90 cuộc thanh tra với khoảng 200 công trình; qua đó đã xử lý vi phạm cũng như rút kinh nghiệm để hoàn thiện công tác thể chế. Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nhắc lại: “Chúng tôi chịu trách nhiệm về những hạn chế, tồn tại trong công việc quản lý nhà nước của mình. Chúng tôi hết sức cố gắng và xin hứa sẽ nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Xin đại biểu hết sức thông cảm, tôi chỉ hứa, chỉ cam kết những việc gì đủ căn cứ và chỉ do tôi quyết định thôi”.

Đối với tình hình quản lý nhà chung cư, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết đã tăng cường công tác quản lý, xây dựng, vận hành, sử dụng các tòa chung cư đã được xây dựng và có một số tiến bộ. Tuy nhiên, những sai phạm và tranh chấp trong việc quản lý, sử dụng nhà chung cư hiện nay cũng nổi lên là một vấn đề khá gay gắt.

Theo số liệu tổng hợp nhanh, có khoảng 200 khiếu nại, tranh chấp liên quan đến tình hình quản lý và sử dụng nhà chung cư. Nội dung tranh chấp, sai phạm về: Diện tích sở hữu chung, tư, diện tích căn hộ; tranh chấp về kinh phí bảo trì, chiếm hữu kinh phí bảo trì; tranh chấp về kinh phí quản lý vận hành, chất lượng công trình, các tranh chấp liên quan đến hợp đồng mua bán căn hộ ...

Nguyên nhân của các sai phạm, tranh chấp thường liên quan đến những quy định về pháp lý, quản lý sử dụng nhà chung cư như cách tính diện tích căn hộ, diện tích nhô ra, hộp kĩ thuật chung, riêng, các chế tài xử phạt chưa phù hợp với quản lý.

Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư chưa đủ năng lực thực hiện dự án, chuyển nhượng dự án không đúng quy định, vi phạm các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng, nhà ở và kinh doanh bất động sản, về phòng cháy chữa cháy và các pháp luật khác có liên quan, chưa quan tâm thích đáng tới nghĩa vụ bán hàng của mình. Một số ban quản trị nhà chung cư không đủ năng lực hoạt động và không thực hiện tốt nhiệm vụ được giao theo quy định.

Người dân khi mua nhà ở cũng không xem xét kỹ hợp đồng, một số nội dung đã thỏa thuận trong hợp đồng. Trước tình hình đó, Bộ Xây dựng đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 29 ngày 9/10/2018, trong đó quy định trách nhiệm cụ thể và các nhiệm vụ của Bộ Xây dựng, Bộ Công an, UBND các tỉnh, thành phố.

Thu Phương - Phúc Hằng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/chinh-tri/dai-bieu-chat-van-bo-truong-bo-xay-dung-nhieu-van-de-nong-20181030210723383.htm