'Đại bàng tấn công' F-15I Không quân Israel vì sao không có đối thủ?

Mặc dù hiện nay, Không quân Israel đã được trang bị F-35, nhưng họ vẫn đặt niềm tin vào phi đội máy bay chiến đấu F-15I của mình. Những chiếc F-15I đã chiến đấu trong nhiều trận chiến và giành nhiều chiến thắng.

Một trong những loại máy bay chiến đấu gắn bó lâu nhất với Không quân Israel là F-15 Eagle. Chiếc F-15 đầu tiên biên chế cho Không quân Israel vào năm 1976 và suốt 44 năm qua, những chiếc F-15 đã hoạt động liên tục trong lực lượng Không quân Israel và chưa một lần bị đánh bại.

Một trong những loại máy bay chiến đấu gắn bó lâu nhất với Không quân Israel là F-15 Eagle. Chiếc F-15 đầu tiên biên chế cho Không quân Israel vào năm 1976 và suốt 44 năm qua, những chiếc F-15 đã hoạt động liên tục trong lực lượng Không quân Israel và chưa một lần bị đánh bại.

Năm 1998, Không quân Israel đưa vào sử dụng một phiên bản mới của F-15, một phiên bản được thiết kế đa nhiệm vụ, đó là F-15I Ra'am (Thunder), đóng vai trò là máy bay tấn công tầm xa của Không quân Israel; bổ sung cho máy bay chiến đấu F-16, nhằm đảm bảo ưu thế trên không của Israel hiện tại và trong tương lai gần.

Các phiên bản đầu tiên của F-15 Eagle là máy bay chiến đấu không đối không thuần túy, một chỗ ngồi, buồng lái kính bong bóng cho tầm nhìn tuyệt vời, radar APG-63 mạnh mẽ; vũ khí gồm 4 tên lửa dẫn đường bằng radar AIM-7 Sparrow và 4 tên lửa dẫn đường hồng ngoại AIM-9 Sidewinder, một pháo hàng không M61 Gatling, dùng trong chiến đấu tầm gần.

F-15 đủ lớn và linh hoạt để các kỹ sư coi đó là một mẫu máy bay chiến đấu đa nhiệm; ngoài nhiệm vụ đối không, F-15 có thể mang các vũ khí tiến công mặt đất. Điều này dẫn đến sự phát triển của phiên bản F-15E Strike Eagle, được đưa vào biên chế Không quân Mỹ năm 1989 và sử dụng trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991.

Màn trình diễn của Strike Eagle trong Chiến tranh vùng Vịnh đã khuấy động sự quan tâm của Israel. Trong bối cảnh "tứ bề thọ địch", Israel cần những máy bay tiến công tầm xa như F-15E, để có thể tiến công đến các quốc gia thù địch ở cách xa Israel như Iraq hoặc Iran. Đây sẽ là một vũ khí cần thiết để ngăn chặn, tiêu diệt các mối đe dọa từ trong trứng nước.

Để đáp ứng yêu cầu trên, vào tháng 5/1994, Không quân Israel đã ký hợp đồng mua của Mỹ 25 chiếc F-15I. Các kỹ sư Israel có rất nhiều ý tưởng về sửa đổi loại chiến đấu cơ này. Công ty Hàng không Vũ trụ Israel (AIA), đã làm việc với nhà sản xuất Boeing, để đóng góp nhiều thiết bị điện tử hàng không do chính Israel phát triển.

Chiếc F-15I Đại bàng tiến công đã có những nâng cấp lớn như các thùng chứa nhiên liệu mới của F-15I làm tăng thêm phạm vi hoạt động để tấn công các mục tiêu tầm xa. Khả năng đối không/đối đất được nâng cao, ngoài khả năng tiến công mặt đất mạnh mẽ, F-15I có thể tự hộ tống khi cần thiết.

F-15I có một số tính năng mang đặc trưng của người Israel, máy bay sử dụng máy tính trung tâm, hệ thống dẫn đường quán tính/GPS, màn hình hiển thị và mũ ngắm Elbit (DASH) do Israel sản xuất; ngoài ra F-15I còn sử dụng Hệ thống tác chiến điện tử tích hợp Elisra SPS-2110 của Israel.

F-15I có thể mang theo tất cả các loại vũ khí mà F-15A mà Israel đang trang bị và sau đó là một số loại vũ khí mới do Israel tự phát triển. Ra'am ban đầu mang tên lửa tầm ngắn, dẫn đường bằng tia hồng ngoại AIM-9L Sidewinder của Mỹ và Python của Israel, nhưng sau đó chỉ dùng Python. F-15I cũng sử dụng được cả tên lửa tầm trung dẫn đường bằng radar AIM-7 Sparrow và AIM-120 AMRAAM mới hơn.

Nhờ khung máy bay được sửa đổi, F-15I có có thể chở tới 8,1 tấn nhiên liệu và vũ khí. Không quân Israel ban đầu cho biết tải trọng của F-15I là 36 quả bom chùm Rockeye hoặc 6 tên lửa không đối đất Maverick.

Hiện nay vũ khí không đối đất của F-15I đã được mở rộng, bao gồm bom dẫn đường bằng laser Paveway, bom dẫn đường vệ tinh Joint Direct Attack (JDAM), bom xuyên phá hầm ngầm BLU-109, bom dẫn đường chính xác SPICE và tên lửa chống radar AGM-88 HARM.

Chiếc F-15I đầu tiên được biên chế chính thức vào lực lượng Không quân Israel năm 1997 và đơn hàng được hoàn thành vào năm 1999 và đã phục vụ liên tục trong Không quân Israel hai mươi năm qua, không chỉ trong các cuộc tập trận mà trong các cuộc chiến tranh như Chiến tranh Liban 2006, cuộc chiến tại dải Gaza, không kích các mục tiêu của Iran trên lãnh thổ Syria.

Việc IAF tiếp nhận tiêm kích tàng hình F-35I “Adir” không hạ thấp giá trị của số F-15I. IAF vẫn gọi loại máy bay này là "máy bay chiến lược"; người đứng đầu Lực lượng Không quân Israel tuyên bố "F-15I vẫn là phương tiện tiến công tầm xa chủ yếu, với số lượng cần ít và F-15I vẫn là Đại bàng bất bại của người Israel".

Vào năm 2016, Israel tuyên bố bắt đầu chương trình nâng cấp, nhằm giữ cho F-15I luôn là phương tiện chiến đấu đứng đầu khu vực; nhưng nâng cấp bao gồm trang bị radar mảng pha quét điện tử chủ động thế hệ mới, cập nhật hệ thống điện tử hàng không để có thể chiến đấu tốt với loại máy bay tàng hình F-35 mà Israel mới trang bị.

Rất có khả năng Israel sẽ tiếp tục mua thêm một số F-15I mới, nếu điều đó trở thành hiện thực, thì số máy bay mới này sẽ hoạt động đến năm 2070. Và như vậy, Israel sẽ là quốc gia khai thác liên tục loại máy bay này trong vòng một thế kỷ; đó thực sự là kỷ lục cho một chiếc máy bay ra đời từ đầu thập niên 1970.

Video Máy bay tiêm kích F-15 Eagle

Tiến Minh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/dai-bang-tan-cong-f-15i-khong-quan-israel-vi-sao-khong-co-doi-thu-1448141.html