'Đại bàng già nua' EP-3 Mỹ va chạm trực tiếp, làm đứt đôi chiến đấu cơ Trung Quốc

EP-3 là loại máy bay trinh sát điện tử hiện đại hàng đầu của Mỹ. Tuy to lớn, chậm chạp nhưng những chiếc EP-3 của Mỹ lại khiến chiến đấu cơ Trung Quốc thất kinh, xuất phát từ một vụ va chạm trực tiếp trên không.

EP-3 là loại máy bay trinh sát điện tử hiện đại, được trang bị những thiết bị tiên tiến nhất. Hiện có 12 chiếc EP-3E (phiên bản nâng cấp) đang phục vụ trong Hải quân Mỹ.

Máy bay trinh sát điện tử EP-3E được trang bị 1 đĩa radar quét nhảy tầng APS-15 tròn dưới bụng, đây là điểm khác biệt so với với máy bay săn ngầm P-3 Orion.

Chức năng chính của máy bay trinh sát điện tử EP-3E là giám sát, khống chế các động thái trên biển của đối phương, thu thập tin tình báo điện tử, thu quét mục tiêu tầm xa và tuần tra bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế.

Ngoài chức năng trinh sát, khi cần thiết EP-3E vẫn có thể mang theo ngư lôi, bom chìm, tên lửa Harpoon để diệt hạm hay tên lửa không đối không tầm ngắn Sidewinder để tự vệ.

Máy bay EP-3E

Máy bay EP-3E

Máy bay EP-3E còn rất nổi tiếng nhờ sự kiện đảo Hải Nam xảy ra ngày 1/4/2001, khi đó chiếc EP-3E của Hải quân Mỹ đang trên đường trở về căn cứ trên đảo Okinawa sau khi kết thúc 6 giờ hoạt động trên không thì bị 2 chiếc tiêm kích J-8II của Trung Quốc chặn đường.

Một vụ va chạm đã xảy ra, phần đầu chiếc EP-3E đâm vào đuôi chiếc J-8II khiến mũi máy bay bị thủng, một cánh quạt rơi ra và 2 trong số 4 động cơ hỏng nặng nhưng vẫn hạ cánh an toàn.

Mỹ sau đó khẳng định họ hoàn toàn đang hoạt động trong không phận quốc tế. Và rằng, hai máy bay tiêm kích J-8II của Trung Quốc xuất hiện để ngăn chặn máy bay Mỹ một cách không chuyên nghiệp. Cụ thể chiếc máy bay đánh chặn này đã thực hiện ba đường bay cắt mặt qua EP-3E và vô tình va chạm trên đường vòng thứ ba.

Máy bay đánh chặn J-8II của không quân Trung Quốc

Cú va chạm làm đứt đôi máy bay Trung Quốc, một phi công thiệt mạng. Trong khi đó, sau khi vượt qua cơn choáng váng, phi hành đoàn của máy bay hải quân Mỹ đã cố gắng phá hủy tất cả các thiết bị nhạy cảm trên máy bay.

Sau đó, họ đã tiến hành hạ cánh khẩn cấp trên sân bay Lingshui của đảo Hải Nam và bị quân đội Trung Quốc bắt giữ. Họ bị thẩm vấn và bị giữ trong 10 ngày khi Mỹ đàm phán trả tự do cho họ.

Từ sự kiện trên, mỗi khi máy bay tiêm kích Trung Quốc được điều lên để chặn EP-3E đều rất cảnh giác không dám bay quá gần, tránh để xảy ra thảm họa tương tự.

Theo Việt Hùng/An ninh Thủ đô

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/quoc-te/-dai-bang-gia-nua-ep-3-my-va-cham-truc-tiep-lam-dut-doi-chien-dau-co-trung-quoc/20200407092914654