Đại bàng gãy vuốt

Không phải là Black Hawk Down nổi tiếng. Và cũng khác với những hình tượng người hùng Mỹ trong hàng loạt siêu phẩm Hollywood quen thuộc.

Đây là câu chuyện về một thất bại đau đớn, đoạn kết của một kế hoạch điên rồ mà quân đội Mỹ đã phải trải qua vào ngày 25-4-1980 - kế hoạch mang tên Eagle Claw (Móng vuốt đại bàng).

Khởi nguồn từ biến động

Đó là những ngày sấm động, nối tiếp âm vang rung chuyển của cuộc Cách mạng Hồi giáo Iran - một trong những cường quốc hàng đầu của thế giới Hồi giáo.

Tháng 1-1979, quốc vương Iran Shah Mohammad Reza Pahlavi bị lật đổ, và chạy sang Mỹ lưu vong.

Ngày 4-11-1979, được sự chấp thuận của vị thủ lĩnh tinh thần tối cao - Giáo chủ Ayatollah Ruhollah Khomeini, một nhóm đông đảo sinh viên Iran đã tràn vào đại sứ quán Mỹ, bắt làm con tin 66 công dân Mỹ (các nhà ngoại giao, nhân viên sứ quán, điệp viên CIA, lính Mỹ canh gác sứ quán…) nhằm gây sức ép buộc chính phủ Mỹ phải đồng ý cho dẫn độ vị quốc vương bị phế truất trở về nước, để chịu xét xử về những tội ác mà ông bị cáo buộc đã thực hiện trong thời gian trị vì.

Chính quyền Iran mới cho rằng việc nước Mỹ đồng ý cho cựu hoàng Pahlavi được tị nạn là đồng lõa với những hành động tàn bạo từng xảy ra trong quá khứ, và đòi hỏi thay đổi hiện trạng đó. Ngược lại, dĩ nhiên, với vị thế của mình, nước Mỹ từ chối đáp ứng yêu cầu này.

Tàn tích của chiếc EC-130.

Tàn tích của chiếc EC-130.

Ông chủ Nhà trắng khi đó, tổng thống Jimmy Carter, nhấn mạnh rằng các con tin là "nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố và tình trạng vô chính phủ", đồng thời khẳng định: "Chúng ta sẽ không nhân nhượng với trò tống tiền".

Không có gì đáng ngạc nhiên khi mọi nỗ lực đàm phán ngoại giao nhằm giải cứu các con tin đều thất bại, khi cả hai phía cứng rắn đến vậy. Cũng không có gì đáng ngạc nhiên, khi Tổng thống Jimmy Carter ra lệnh cho quân đội dưới quyền mình thực hiện một nhiệm vụ giải cứu, từ lực lượng bao gồm các tàu chiến USS Nimiz và USS Coral Sea đang tuần tra trong Vịnh Oman.

Và đó chính là khởi điểm của một thất bại cay đắng, cũng là một bài học với cái giá cắt cổ để có được những cuộc tập kích như lần tiêu diệt trùm khủng bố Bin Laden sau này.

Tham vọng quá lớn. Và tổn thất cũng vậy.

Hoàng hôn ngày 25-4-1980, trong ánh mặt trời đỏ khé, 8 máy bay trực thăng CH-53D xuất kích từ hàng không mẫu hạm USS Nimitz. Điểm đến của phi đội ấy là sa mạc muối Dascht-i-Kawir, cách đó 6 giờ bay, một trong những địa điểm hoang vắng nhất thế giới.

Tại đây, từ ngày 1-4-1980, các chuyên viên Mỹ đã có mặt tại một sân bay bỏ hoang nằm trong địa phận tỉnh South Khorasan. Họ sửa chữa đường băng, lắp đèn hồng ngoại, tập kết nhiên liệu dự phòng và biến nó thành bãi đáp đầu tiên (Desert One) cho phi đội tập kích.

Điểm đến thứ hai (Desert Two) cũng được chuẩn bị song song. Đó là những hầm mỏ khai thác muối cũ nằm cách Tehran 80km. Các máy bay trực thăng sẽ được cất giấu tại đây, đợi lực lượng đặc nhiệm Delta Force hoàn thành nhiệm vụ, đón các con tin ra biển. Các phi đội tiêm kích trên hai chiến hạm sẵn sàng tiếp ứng.

Kế hoạch này, Eagle Claw, được đặt dưới sự chỉ huy của Thiếu tướng lục quân James B.Vaught; có sự tham gia của cả Delta Force lẫn Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA), trong vai trò cung cấp thông tin. Xét trên cả độ tinh nhuệ của Delta Force lẫn tiến trình chuẩn bị kỹ càng, cộng thêm sự vượt trội về khí tài quân sự, khả năng thành công của chiến dịch là hoàn toàn không nhỏ.

Vấn đề là, tất cả cũng hoàn toàn có thể "xuống sông xuống biển", chỉ bởi vài chi tiết bất ngờ.

Đầu tiên, đường băng bị cát lún phủ dày, khiến các máy bay vận tải C-130 chở nhiên liệu và thiết bị tới Desert One gặp một chút trục trặc lúc hạ cánh.

Sau đó, trong 8 chiếc trực thăng CH-53D của phi đội tấn công, một chiếc bị nứt cánh quạt, phải bỏ lại trong sa mạc. Một chiếc khác tiếp tục bị hỏng khi gặp bão cát, và buộc phải quay lại. Một chiếc nữa có vấn đề với hệ thống thủy lực, nhưng vẫn có thể cố gắng duy trì. Nghĩa là, khi đến Desert Two, phi đội chỉ còn 6 chiếc - mức tối thiểu để thực hiện nhiệm vụ, theo đánh giá của giới quân sự.

Được báo cáo, giới chức Mỹ nhận định rằng không thể mạo hiểm tiếp tục hành động. Eagle Claw xem như bị bỏ dở, và các biệt đội được lệnh quay về.

Éo le thay, khi cất cánh để trở lại, trong cuống quít, đến lượt một chiếc CH-53D nữa va vào máy bay vận tải tiếp liệu EC-130, khiến cả hai cùng nổ tung. Tám phi công Mỹ thiệt mạng cả thảy (chỉ còn duy nhất 1 người của cả hai phi hành đoàn sống sót), khi thậm chí các lực lượng phòng vệ Iran còn chưa có động tĩnh gì.

Những gì Delta Force phải bỏ lại tại Desert Two.

Chỉ sau tiếng nổ long trời lở đất đó, binh sĩ Iran mới dồn về Desert Two. Đoán được điều đó, tất cả các đội biệt kích lẫn nhân viên hậu cần của Mỹ không đợi tiếp nhiên liệu cho trực thăng, mà lên hết máy bay vận tải để trở về nhanh nhất có thể.

Họ bỏ lại những chiếc CH-53D, mà có những chiếc vẫn còn phục vụ quân đội Iran đến tận bây giờ. Họ bỏ lại cả một số tài liệu quên không tiêu hủy, để đối thủ có thêm phương tiện rêu rao và nhạo báng những kế hoạch ấy. Họ bỏ lại xác của hai chiếc máy bay cháy đen - hình ảnh mà hôm sau có mặt trên trang nhất của mọi hãng thông tấn, mọi tờ báo lớn trên thế giới, như một lời chế nhạo đầy cay đắng.

Chưa bao giờ, Không lực Hoa Kỳ và biệt kích Mỹ bị hạ nhục đến mức độ ấy, kể cả khi đối đầu lưới lửa phòng không cùng những phi công thượng thặng của quân chủng phòng không - không quân Việt Nam. Họ đã thất bại, bằng cách tự bắn vào chân mình, khi chưa kịp bắt tay vào làm bất cứ điều gì.

Mối hận xương tủy

Chẳng còn cách nào khác, Tổng thống Mỹ Jimmy Carter phải muối mặt điều đình với phía Iran. Thông qua vai trò trung gian hòa giải của Algeria (trong bối cảnh Iran cần giảm bớt kẻ thù khi vướng vào cuộc chiến tranh với Iraq, từ tháng 9-1980), cuối cùng, đến tận ngày 20-1-1981, tất cả các con tin mới được trả tự do, nhưng không phải theo cách mà Jimmy Carter mong muốn.

Uy tín xuống thấp thảm hại từ sự vụ này, Jimmy Carter thất cử cuối năm 1980, và Ronald Reegan (xuất thân là một tài tử điện ảnh) thay thế ông trong vai trò Tổng thống Mỹ. Vài phút sau khi Jimmy Carter chính thức kết thúc nhiệm kỳ, các con tin được cho phép lên đường trở về nhà.

Cuộc khủng hoảng con tin đó từng được xem là biểu tượng cho xung đột giữa các nền văn hóa. Nhưng, ở bình diện hẹp hơn, nó trở thành mối thù hận thâm căn cố đế giữa hai quốc gia.

Và cả thế giới biết đến thảm bại này, rất nhanh chóng.

Việc nước Mỹ luôn cố gắng xem Iran là kẻ thù, gắn Iran vào "trục ma quỷ", gọi Iran là "quốc gia khủng bố", gây sức ép trên mọi phương diện và không ngại ngần áp đặt các biện pháp trừng phạt… suốt những năm qua là những di chứng của một thứ vết thương không bao giờ lành miệng.

Thỏa thuận lịch sử về hạt nhân (JCPOA) tưởng chừng đã có thể xóa mờ sự thù địch ấy, thì khi thay thế cựu tổng thống Barack Obama ở Nhà trắng, đương kim tổnhg thống Mỹ Donald Trump lại khơi dậy tất cả.

Nằm giữa kỷ nguyên Chiến tranh Việt Nam với vụ 11-9-2001, Eagle Claw là một trong những điểm nhấn ấn tượng nhất, tô đậm những khía cạnh dễ tổn thương nhất, khuất lấp trong hình hài của một gã khổng lồ…

* Đội đặc nhiệm Delta Force tham gia chiến dịch lên tới 120 người, cùng 15 lái xe người Iran (hoặc người Mỹ gốc Iran). Theo kế hoạch, họ sẽ bất thần tập kích nơi giam giữ các con tin, đưa họ tới sân vận động để các trực thăng dễ dàng bốc đi.

* Sau khi bắt giữ tổng cộng 66 công dân Mỹ ngày 4-11-1979, đến ngày 17-11-1979, Giáo chủ Khomeini bày tỏ thiện chí bằng cách phóng thích các con tin nữ cũng như gốc Bắc Phi, "chỉ còn" giữ 52 người. Sau cuộc tập kích bất thành, các con tin được giam giữ phân tán khắp nơi trên lãnh thổ Iran.

Phi Hồ

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/so-tay/25-dai-bang-gay-vuot-549835/