Đại án VNCB: Phạm Công Danh đổ lỗi cho Hứa Thị Phấn, xin khắc phục hậu quả

Sáng nay (1/8), phiên xử Phạm Công Danh và đồng phạm tiếp tục diễn ra với phần đối đáp của đại diện Viện kiểm sát (VKS).

Hôm nay, phiên tòa xét xử Phạm Công Danh (53 tuổi), nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng - VNCB, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh và Trầm Bê (59 tuổi), nguyên Phó chủ tịch thường trực HĐQT Sacombank cùng 44 đồng phạm cùng về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng tiếp tục diễn ra.

Tại phiên tòa này, xét thấy các vấn đề đã được làm rõ, HĐXX đã kết thúc phần tranh luận, bước vào phần nghị án. Trước khi tòa nghị án, các bị cáo được nói lời sau cùng.

VKS cho rằng, đối với bị cáo Trầm Bê, dù biết rằng mình sai nhưng hiểu biết về mặt pháp luật hạn chế, do đó bị cáo thực hiện trái quy định, cho ông Phạm Công Danh vay, gây thiệt hại cho VNCB. Thái độ thành khẩn này được VKS ghi nhận, mong HĐXX xem xét. Trước đó, VKS đề nghị mức án 4 - 5 năm tù với bị cáo này.

Bị cáo Trầm Bê. Ảnh: Ngọc Hoa

Còn bị cáo Phạm Công Danh một lần nữa đề nghị HĐXX ghi nhận nguyên nhân, bối cảnh xảy ra vụ án. Một lần nữa bị cáo khẳng định Hứa Thị Phấn là nguyên nhân của vụ án, gây thất thoát cho VNCB. Ngoài ra việc xảy ra vụ án này là do đề án tái cơ cấu và do bà Hứa Thị Phấn gây ra, lừa gạt tất cả các cơ quan nhà nước, chính phủ.

"Bị cáo mong HĐXX quan tâm, tạo thêm tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo. Tôi không xin cho bản thân tôi mà tôi xin cho tất cả những người có mặt tại đây, vì họ tin bị cáo mới rơi vào trường hợp này. Họ tin vào đề án tái cơ cấu, tin ngân hàng vượt qua được nhưng tôi đã không làm được.

Bị cáo không có ý kiến về việc thu hồi hơn 6.100 tỷ đồng từ 3 ngân hàng đồng thời tái khẳng định khoản tiền này không sử dụng cho mục đích cá nhân. Bị cáo bỏ rất nhiều tiền, hơn 4.500 tỷ đồng tăng vốn điều lệ, bị cáo không sử dụng 1 đồng nào cho cá nhân mà chỉ cho ngân hàng...

Tất cả các số tiền của 3 ngân hàng, trong đó có Sacombank và TP bank hoàn toàn còn ở ngân hàng. Nếu được sử dụng thì chỉ sử dụng cho ngân hàng và có chứng từ rõ ràng, VietNamNet trích lời bị cáo Danh. Đồng thời, bị cáo xin được khắc phục hậu quả.

Nói lời sau cùng, bị cáo Phan Huy Khang, cựu tổng giám đốc Sacombank nghẹn ngào: "Hôm nay đúng 1 năm bị cáo bị tạm giam, đây là thời gian dài đối với bị cáo. Bị cáo hiểu ra nhiều điều, được răn đe… Bản thân bị cáo cũng không làm gì nguy hại cho xã hội, mong HĐXX xem xét cho bị cáo hưởng án treo sớm trở về với gia đình, làm việc có ích cho xã hội".

Các bị cáo khác cũng tỏ ra ân hận trước hành vi phạm tội của mình và mong HĐXX xem xét giảm án cho các bị cáo để sớm được trở về chăm lo cho gia đình.

Trước đó ở phiên xử ngày 30/7, VKS đề nghị lần lượt các mức án với các bị cáo.

Bị cáo Phạm Công Danh bị đề nghị mức án 20 năm tù. Bị cáo Trầm Bê bị đề nghị mức án 4 đến 5 năm tù.

Các bị cáo Phan Thành Mai (nguyên Phó tổng giám đốc VNCB) bị đề nghị mức án từ 12 đến 14 năm tù. Bị cáo Phan Huy Khang (nguyên Tổng giám đốc Sacombank) bị đề nghị từ 3 đến 4 năm tù.

Với 36 bị cáo khác là giám đốc các công ty "ma", giám đốc, phó giám đốc các ngân hàng, đại diện VKSND giữ quyền công tố tại tòa đề nghị mức án từ 2 đến 5 năm tù.

Về phần trách nhiệm dân sự, đại diện VKSND đề nghị thu hồi số tiền hơn 6.000 tỷ đồng là tang vật vụ án từ các ngân hàng Sacombank, TPBank và BIDV.

Chiều 31/7, đại diện của 3 ngân hàng cùng đề nghị HĐXX không chấp thuận việc đề nghị thu hồi khoản tiền trên từ 3 ngân hàng.

Dự kiến, vào lúc 9h ngày 6/8, tòa sẽ tuyên án.

Nội dung cáo trạng thể hiện, Phạm Công Danh nhận chuyển nhượng Ngân hàng Đại Tín từ bà Hứa Thị Phấn, ngân hàng này làm ăn thua lỗ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sau đó đã đặt Đại Tín (sau này là VNCB) vào tình trạng kiểm soát đặc biệt.

Phạm Công Danh đã chỉ đạo nhân viên thuộc Tập đoàn Thiên Thanh dùng 6.630 tỷ của VNCB gửi vào Sacombank, BIDV, TPBank để bảo lãnh khoản vay thông qua 29 lượt công ty do ông Danh thành lập hoặc mượn pháp nhân rồi chuyển tiền về cho Phạm Công Danh sử dụng. Sau đó bị 3 ngân hàng thu hồi nợ từ tiền gửi của VNCB, tổng số tiền là 6.126 tỷ đồng.

Do các công ty làm hồ sơ vay khống, không thực hiện kinh doanh theo phương án đã cam kết trong hợp đồng tín dụng nên không có tiền trả nợ, Ngân hàng VNCB thực hiện bảo lãnh nhưng không yêu cầu cầm cố, thế chấp tài sản nên không thu lại được tiền bảo lãnh, dẫn đến VNCB bị thiệt hại hơn 6.126 tỷ đồng.

Còn Trầm Bê đã giới thiệu Phạm Công Danh với nguyên Tổng giám đốc Phan Huy Khang, sau đó chỉ đạo nhân viên dưới quyền hợp pháp hóa thủ tục giải ngân cho các công ty của Danh vay 1.800 tỷ đồng bằng các hồ sơ khống, gây thiệt hại cho VNCB 1.840 tỷ đồng.

Bảo Khánh (T/h)

Nguồn ANTT: http://antt.vn/dai-an-vncb-pham-cong-danh-do-loi-cho-hua-thi-phan-xin-khac-phuc-hau-qua-248688.htm