Đại án Phạm Công Danh và đồng phạm: Diễn biến mới liên quan đến khoản tiền 4.500 tỷ đồng

Trái với bản án cấp sơ thẩm yêu cầu Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB, nay là CBbank) hoàn trả lại khoản tiền 4.500 tỷ đồng cho ông Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB, nguyên Tổng GĐ Tập đoàn Thiên Thanh) thì vào ngày 17/12 đại diện Viện KSND Cấp cao tại TP HCM giữ quyền công tố tại phiên tòa phúc thẩm vụ án, đã trình bày quan điểm cho rằng không có cơ sở thu hồi khoản tiền này….

Cơ quan công tố bác yêu cầu chuyển 4.500 tỷ của CBbank cho ông Phạm Công Danh.

Cơ quan công tố bác yêu cầu chuyển 4.500 tỷ của CBbank cho ông Phạm Công Danh.

Đại diện cơ quan công tố lập luận, mặc dù ông Danh có chuyển khoản tiền 4.500 tỷ đồng về VNCB để tăng vốn điều lệ theo kế hoạch của HĐQT ngân hàng, nhưng thực chất đây là khoản tiền bất hợp pháp mà có. Hơn nữa, quá trình sau đó ông Danh đã chỉ đạo thuộc cấp sử dụng hết nên không có cơ sở thu hồi. Hơn nữa, NHNN chưa chấp nhận tăng vốn điều lệ cũng như hạch toán nợ phải trả của VNCB, thực tế ông Danh đã sử dụng hết. Do đó, không có cơ sở thu hồi và không buộc CBbank trả lại cho ông Danh.

Như vậy, đối với kháng cáo của CBbank không đồng ý trả số tiền 4.500 tỷ đồng, quan điểm của cơ quan công tố cấp sơ thẩm đã nêu quan điểm bất ngờ, đảo ngược với bản án sơ thẩm đã tuyên.

Cụ thể, đại diện Viện KSND nhận định, bị cáo Danh đã chỉ đạo cấp dưới lập khống hồ sơ, qua đó tạo điều kiện cho bị cáo sử dụng số tiền hơn 6.126 tỷ đồng. Ngoài ra, tại tòa phúc thẩm cả bị cáo Danh và bị cáo Phan Thành Mai (nguyên Tổng GĐ của VNCB) đều kháng cáo về việc bản án sơ thẩm chưa xem xét vai trò của bà Hứa Thị Phấn (nguyên Cố vấn cấp cao của Ngân hàng Đại Tín), do đó dẫn đến nhìn nhận vai trò nặng nề đối với cả hai bị cáo này.

Tuy nhiên, đại diện Viện KSND cũng bác kháng cáo này, và cho rằng không có cơ sở cho rằng đây là nguyên nhân dẫn đến các cáo buộc đối với bị cáo Danh và bị cáo Mai. “Đây là các vụ án độc lập, xử lý các hành vi độc lập với nhau, không phải từ 1 quyết định khởi tố tách ra thành 2 vụ án khác nhau nên không làm tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo” - đại diện Viện KS nêu quan điểm.

Với những lý do trên, hành vi của bị cáo Danh và các đồng phạm, đã được cấp sơ thẩm tuyên án là đã căn cứ trên các cơ sở pháp luật hiện hành. Ngoài ra, đại diện Viện KSND nhận xét một số bị cáo trong khung hình phạt từ 7-10 năm nhưng cấp sơ thẩm cũng đã xem xét tình tiết giảm nhẹ và chỉ tuyên 3-5 năm tù là đã thể hiện sự khoan hồng của pháp luật, nên đề nghị bác kháng cáo của nhóm các bị cáo này. Riêng đối với bị cáo Trần Hiệp (án sơ thẩm xử phạt 3 năm tù) đang điều trị ung thư giai đoạn cuối nên đề nghị HĐXX cấp phúc thẩm xem xét giảm án.

Đối với nhóm bị cáo thuộc các công ty “ma” của bị cáo Phạm Công Danh, đại diện cơ quan công tố cho rằng áp dụng án treo là vi phạm Nghị quyết 02/2018 của Hội đồng Thẩm phán nên đề nghị không cho nhóm bị cáo này hưởng án treo, mà tăng nặng hình phạt. Theo đó, cơ quan công tố đã dẫn lại Điều 3 của Nghị quyết này, về qui định những trường hợp không cho hưởng án treo đối với: “Người đang được hưởng án treo mà bị xét xử về một tội phạm khác thực hiện trước khi được hưởng án treo”.

Hôm nay (18/12), HĐXX cấp phúc thẩm vụ án tiếp tục làm việc.

Lê Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/vu-an/xet-xu-phuc-tham-dai-an-pham-cong-danh-va-dong-pham-giai-doan-2-dien-bien-moi-lien-quan-den-khoan-ti-tintuc425559