Đại án OceanBank: Luật sư của bà Hứa Thị Phấn lật lại nghi vấn 'đánh tráo hồ sơ'

Vấn đề này đã được bà Trương Thị Minh Thơ đề cập đến trong ngày đầu xét xử 28/08, nhưng HĐXX khi đó đã khẳng định bà Thơ “nhầm lẫn” với hồ sơ vụ án Phạm Công Danh xảy ra VNCB.

Ngày xét xử thứ 19, phiên tòa xét xử đại án OceanBank sáng 23/09, mở đầu phần đối đáp của mình với đại diện Viện Kiểm sát (VKS), Luật sư Trương Thị Minh Thơ, luật sư bào chữa cho bị cáo Hứa Thị Phấn, lật lại nghi vấn về 81 bút lục trong hồ sơ đại án OceanBank đã được “đánh tráo”. Vấn đề này đã được bà Trương Thị Minh Thơ đề cập đến trong ngày đầu xét xử 28/08, nhưng HĐXX khi đó đã khẳng định bà Thơ “nhầm lẫn” với hồ sơ vụ án Phạm Công Danh xảy ra VNCB. Đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội xác định đã xem xét kỹ hồ sơ và khẳng định quan điểm của HĐXX trả lời về kiến nghị của luật sư Thơ là hoàn toàn chính xác.

“Một lần nữa, xin HĐXX cho chúng tôi trình bày lại để xác định ý kiến của VKS khẳng định điều đó có đúng hay không.”, luật sư Trương Thị Minh Thơ mở đầu phần tranh luận của mình.

Tuy nhiên, Chủ tọa phiên tòa, Thẩm Phán Trần Nam Hà đã ngắt lời bà Thơ khi cho rằng đại diện VKS và HĐXX đã trả lời vấn đề luật sư đã nêu, những vấn đề còn khiến luật sư Thơ thắc mắc liên quan đến thủ tục tố tụng đối với 81 bút lục này, yêu cầu luật sư gửi đến Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.

Tuy nhiên, luật sư Trương Thị Minh Thơ vẫn tiếp tục trình bày về vấn đề này khiến một lần nữa Chủ tọa Trần Nam Hà phải thay mặt HĐXX yêu cầu “không tranh luận về vấn đề này nữa”.

Luật sư Trương Thị Minh Thơ vẫn tiếp tục: “Nếu HĐXX không cho phép chúng tôi trình bày, rõ ràng HĐXX đã cho thấy không phù hợp với tinh thần cải cách tư pháp. Bởi vì đại diện VKS phát biểu khẳng định rằng chúng tôi cần gửi luận cứ, nhưng có lẽ VKS đã không đọc những gì chúng tôi gửi lên. Vì nếu VKS đọc thì có lẽ không bao giờ có những phát biểu như vậy, và các bút lục phải được đóng dấu và đóng dấu dập mới được đưa vào hồ sơ.

Trong 81 bút lục đó, có bút lục ghi ngày 8/12/2014 nhưng không hiểu lý do vì sao không được cho vào hồ sơ vụ án. Còn một số bút lục không được đóng dấu dập nhưng được viết tay, cụ thể như lời tường trình của một số người….”

Nói đến đây, Luật sư Thơ một lần nữa lại bị Chủ tọa ngắt lời và yêu cầu dừng nói về nội dung này khi cho rằng đại diện VKS đã phát biểu làm rõ.

"Ngay từ giai đoạn đầu khi hồ sơ được chuyển sang VKS, đã có ít nhất 50 luật sư ngồi đây được đọc hồ sơ.

Ngoài ra còn có những lý do khác nữa, HĐXX đã trả lời rõ ràng rồi. Không tranh luận vấn đề này nữa. HĐXX yêu cầu luật sư không nêu lại vấn đề này” - Chủ tọa Trần Nam Hà  nói.

Luật sư Trương Thị Minh Thơ (đi đầu) và nhóm các Luật sư bào chữa cho bị cáo Hứa Thị Phấn.

Đáp lại lời của Chủ tọa, Luật sư Trương Thị Minh Thơ nói: “Chúng tôi xin đặt lại vấn đề nữa, VKS cho rằng các bút lục này được chúng tôi lấy từ vụ án Phạm Công Danh. Chúng tôi đề nghị VKS chứng minh về vấn đề này. Nếu như không cho tôi trình bày, đề nghị HĐXX cho phép tôi nêu từ bút lục số 1 đến bút lục số 81, và Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, Lệnh bắt tạm giam,… từ bút lục số 1 đến số 81 là không phải vụ án Phạm Công Danh. Không có một lời khai nào của Phạm Công Danh trong số 81 bút lục này. Tôi khẳng định 81 bút lục này liên quan đến Hà Văn Thắm, không liên quan đến Phạm Công Danh.”

Trước sự “cứng rắn” của Luật sư Thơ, Thẩm phán Trương Việt Toàn đã thay lời Chủ tọa ngắt lời luật sư Thơ, đồng thời đề nghị VKS chứng minh 81 bút lục này nằm trong hồ sơ vụ án Phạm Công Danh:

“Vấn đề này đại diện VKS không cần phải giải thích nữa vì đây đang trong phần đối đáp. Việc luật sư Thơ đòi đặt lại vấn đề, HĐXX thấy rằng việc này đã được VKS Nhân dân Tối cao và Chủ tọa phiên tòa giải thích cho Luật sư Thơ. Theo chúng tôi thì nên dừng lại ở đây.”

Trước đó, chiều 22/08 Luật sư Trương Thị Minh Thơ cho rằng việc VKS công bố bà đã “nhầm lẫn” sang hồ sơ vụ án Phạm Công Danh khiến dư luận hiểu sai, làm mất uy tín nghề nghiệp của bà.

Bị cáo Hứa Thị Phấn, đại diện nhóm cổ đông ngân hàng Đại Tín bị đề nghi từ  17-18 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Cũng theo Luật sư Thơ, trong phần tranh luận của VKS chiều 22/09, VKS đã không chứng minh 7 vấn đề được nhóm luật sư của bà Hứa Thị Phấn nêu ra.

“Nếu bà Phấn là người thụ hưởng số tiền 500 tỷ đồng mà Công ty Trung Dung của Phạm Công Danh đã vay của OceanBank, vậy Phạm Công Danh thời điểm đó đã quản lý NH Đại Tín, tài sản đảm bảo liên quan đến 5 người trong nhóm bà Phấn gồm 6 sổ đỏ đã phong tỏa. Số tài sản bị kê biên này liên quan đến VNBC chứ không liên quan đến bà Phấn”, luật sư Trương Thị Minh Thơ nói.

“Nếu như VKS và OceanBank cho rằng bà Phấn là người thụ hưởng cuối cùng thì bà Phấn phải nhận 6 sổ đỏ đó đề trả lại số tiền 500 tỷ đồng này. Xin thưa bà Phấn hoàn toàn không hề làm thủ tụ đi vay, việc làm hợp đồng là do Công ty Trung Dung, còn chúng tôi thừa nhận bên phía bà Phấn ký hợp đồng thế chấp cho mượn tài sản.  Chúng tôi xin chịu trách nhiệm với số tài sản của chúng tôi nếu bên đi vay không thực hiện, nhưng nếu trực tiếp buộc chúng tôi phải có trách nhiệm hoàn toàn về khoản vay này thì vô lý”

Bổ sung cho ý kiến trên, luật sư Nguyễn Thị Thanh Thảo cho rằng, khi trích dẫn dòng tiền đã không trích dẫn đầy đủ từ gốc đến ngọn mà cắt khúc ra, ảnh hưởng đến việc quy trách nhiệm bà Phấn là người thụ hưởng cuối cùng đối với khoản vay 500 tỷ đồng.

PV

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/dai-an-oceanbank-luat-su-cua-ba-hua-thi-phan-lat-lai-nghi-van-danh-trao-ho-so-post237716.info