Đặc xá và hậu đặc xá

Luật Đặc xá được Quốc hội khóa XII thông qua năm 2007, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2008. Từ đó đến nay, Chủ tịch nước đã 7 lần ban hành quyết định đặc xá, đặc xá cho gần 87.000 trường hợp, thể hiện rõ chính sách khoan hồng, nhân đạo, hướng con người tới chân, thiện, mỹ của Đảng và Nhà nước ta.

Số người được đặc xá lớn cho thấy hiệu quả của chính sách coi trọng giáo dục, cải tạo, thay vì đặt nặng việc trừng trị những người phạm tội; là minh chứng hiệu quả của công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân ở nước ta. Đặc xá cũng là một hình thức động viên, khuyến khích những người phạm tội, giúp họ có thêm động lực để cố gắng học tập, rèn luyện, cải tạo tốt. Điều đáng mừng là tỷ lệ người được đặc xá tái phạm rất thấp.

Tuy vậy, vẫn còn những người sau đặc xá tái diễn hành vi phạm tội. Điều đó chứng tỏ, hậu đặc xá vẫn còn những câu chuyện rất cần phải lưu tâm.

Thực tế, người được đặc xá rất khát khao được làm lại cuộc đời, được tái hòa nhập cộng đồng. Vì thế, họ mới phải cố gắng học tập, rèn luyện, cải tạo tốt để được đặc xá. Tuy nhiên, khi ra tù, việc tái hòa nhập cộng đồng với họ gặp muôn vàn khó khăn. Dấu ấn về một thời tù tội khiến họ không dễ giành được thiện cảm từ những người xung quanh và nhà tuyển dụng. Bị nhiều người xa lánh, kỳ thị, khó kiếm việc làm, đó là những thách thức không dễ vượt qua. Một số người đã vượt qua được tất cả khó khăn trong quá trình cải tạo, nhưng không thể vượt qua thách thức thời hậu đặc xá. Bởi vậy, họ gục ngã và quay trở lại với con đường phạm pháp.

Cần nhấn mạnh rằng, việc giúp đỡ một người được đặc xá không phải là việc riêng của cơ quan Nhà nước hay các đoàn thể, tổ chức chính trị, xã hội. Đó còn là trách nhiệm của cộng đồng, trên hết là của chính gia đình, người thân của người được đặc xá. Người Việt Nam có câu: “Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại”. Với nỗ lực, cố gắng và khát khao trở thành người có ích, người được đặc xá xứng đáng được cộng đồng, gia đình và người thân đón nhận, giúp đỡ trên con đường hoàn lương.

Về phía các địa phương, các cơ quan, tổ chức liên quan, việc rất cần làm là phải tổ chức thông tin về người được đặc xá, nhất là thông tin về những kết quả tích cực mà người được đặc xá đạt được trong quá trình học tập, rèn luyện, cải tạo, tới cộng đồng ngay sau khi tiếp nhận. Hoạt động này có thể lồng ghép trong những buổi họp cộng đồng dân cư hoặc trong các buổi họp cơ quan, tổ chức. Khi cả cộng đồng biết được nỗ lực, khát khao trở thành người có ích của người được đặc xá, thì tâm lý kỳ thị, xa lánh sẽ bị đẩy lùi, con đường hoàn lương của người được đặc xá sẽ bớt gập ghềnh hơn.

Ngày 7/11/2018, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đặc xá (sửa đổi) và sẽ biểu quyết thông qua tại kỳ họp này.

Dự thảo luật mới nhất đã bổ sung giao Chính phủ quy định chi tiết về trách nhiệm của UBND các cấp, các cơ quan, tổ chức liên quan trong việc tiếp nhận, tạo điều kiện, giúp đỡ người được đặc xá trở về hòa nhập với gia đình và cộng đồng, tạo công ăn việc làm, ổn định cuộc sống và trở thành người có ích cho xã hội.

Hy vọng, sau khi Luật Đặc xá (sửa đổi) được thông qua và sau khi Chính phủ ban hành văn bản quy định chi tiết, việc giúp đỡ người được đặc xá sẽ được thực hiện tốt hơn. Như thế, chính sách đặc xá mới phát huy hết tác dụng./.

Chiến Thắng (qdnd.vn)

Nguồn Tuyên Giáo: http://www.tuyengiao.vn/dien-dan/van-de-quan-tam/dac-xa-va-hau-dac-xa-116257