Đặc trưng tư duy huyền thoại trong thơ Lý Hạ (II)

Nền văn học Trung Quốc cũng xuất phát từ những truyện thần thoại và các truyền thuyết mà họ đã có từ hơn năm mươi vạn năm.

Đặc trưng tư duy huyền thoại trong thơ Lý Hạ (I)

Có thể thấy, huyền thoại thơ Lý Hạ đó tạo nên sắc diện linh hồn của người nghệ sĩ. Huyền thoại khi được phục hưng có khả năng ươm ủ những mơ mộng nhân văn, hàm dưỡng những giấc mơ thăng hoa từ trí tưởng tượng của con người trong đời sống hiện thực.

Huyền thoại phản ánh sâu sắc bản chất người – một thực thể hữu hạn nhưng luôn khát khao hướng tới cái vô vạn. Huyền thoại thơ Lý Hạ tượng trưng cho tâm hồn đầy khát vọng của con người, tâm hồn phân đôi, nửa ở bên này, nửa ở bên kia thế giới:

“Chúng tôi là người của giấc mơ. Không xác thịt chỉ linh hồn đang mộng” (Hàn Mặc Tử). Giấc mơ huyền thoại của Lý Hạ giăng mắc giữa hai bờ vĩnh cửu và vô thường như một Urashima của Nhật Bản, Lưu Nguyễn trong điển tích Trung Hoa hay Từ Thức của Việt Nam…

Trong điển tích thơ ca Trung Quốc có chuyện người con gái vườn đào vì cảm thương trước bài thơ của Thôi Hộ mà chết đi và cũng vì những giọt nước mắt ân tình của thi nhân rồi sống lại, tuy chỉ là giai thoại nhưng cũng đủ nói lên sức mạnh ghê gớm của thơ ca.

Nghệ thuật thơ ca, xét theo một góc độ nào đó, chính là cách thế đối diện với cái chết. Đối với Lý Hạ, cái chết là một sự ám ảnh không rời trong tâm cảm, là cõi gốc của lòng khát sống.

Cái chết hằn sâu nơi tiềm thức Lý Hạ như vết máu không tẩy xóa được trên chiếc chìa khóa mở cửa vào lâu đài kinh dị trong truyện cổ tích Con yêu râu xanh. Nó tạo nên cái nhìn bi thiết về cuộc đời, chi phối đến sự lựa chọn và sáng tạo những kiểu mẫu huyền thoại. Huyền thoại mang tính chất tổng hợp, súc tích nhưng lại có khả năng tạo nên một kiểu “hiện thực không bờ bến”.

Trên tất cả màu sắc triết học và tôn giáo, bản ngã của thi nhân Lý Hạ ôm trùm lên toàn thể tác phẩm, truyền cảm xúc mê hoặc vào mỗi nhịp điệu, tạo cho con chữ một ma lực khác thường.

ý Thơ Lý Hạ nhiều khi chập chờn giữa ranh giới thơ và phạm trù siêu thơ. Cái “siêu thơ” được thai nghén trong một thời khắc xuất thần, thời khắc “duy nhất” ở độ tột cùng của cảm hứng, giữa một trạng thái siêu ý thức của nhà thơ “Bước vào phạm trù siêu nhiên, siêu thực.

Một thứ thơ hướng nội ở độ sâu thẳm nhất. Nó đi hẳn vào cõi tiềm thức, vô thức và diễn tả bằng chính ngôn ngữ mông lung vô thức” (Nguyễn Đăng Mạnh). Có thể nói, khởi nguyên cuộc hành trình thơ ca, mang ý nghĩa triết học sâu sắc nhất của người làm thơ là cuộc đi tìm cái tôi thi sĩ qua những nghiệm sinh phải trải trên đường đời thăm thẳm và cũng là nơi trở về lớn nhất, trở về bản thể thi sĩ của hồn mình.

Đào sâu vào bản thể để khai mở những vỉa mạch tâm linh là ứng xử nghệ thuật nhất quán của mỗi thi sĩ chân chính. Sự thể hiện của tính chất siêu thực ở thơ Lý Hạ là lối tư duy ảo giác, phi lôgíc, trạng thái mê ảo, những ý tưởng phi mĩ, phi thường…

Thơ Lý Hạ có sự giao lưu huyền thoại giữa vũ trụ và tâm hồn trong cõi u linh vời vợi, một cõi đẹp như vườn địa đàng mà cũng nóng cháy như địa ngục, nơi những hồn ma phách quế trôi về dưới mái Liêu Trai, những âm thanh ca hát, những màu sắc chuyện trò, những hương thơm kể chuyện…

Một thế giới lãng đãng niềm trần hòa quyện với âm huyền mờ mịt, nó có khả năng dung hòa cả thức và vô thức, hiện thực và ảo ảnh. Nếu như cái nhìn lý tính phân chia thế giới một cách rõ ràng dứt khoát thành các đối cực thì thơ siêu thực (hoặc mang phẩm chất, khuynh hướng siêu thực) là nỗ lực mạnh mẽ để đạt tới sự thống nhất hằng cửu, coi đó là hiện thực tuyệt đối nhất.

Thơ Lý Hạ tưởng như một miền xung lực tinh thần do có sự xuất hiện của thần nữ, tiên nữ đến ma trơi quỷ mị, từ thiên đường lạnh lẽo đến mộ địa tối tăm, từ cái đẹp mỏng manh thanh khiết đến cái dữ dội hoang tàn… nhưng đúng là có “sự tan hòa của hai trạng thái này, bề ngoài có vẻ rất mực xung khắc thành một thứ hiện thực tuyệt đối, thành siêu thực” (Breton)(3).

Có thể nói, thơ Lý Hạ nhìn ở góc độ tư duy thẩm mỹ, cũng là một kiểu thơ siêu thực. Và không thể phủ nhận vai trò của tư duy huyền thoại, vai trò của logíc bricolage (khái niệm của nhà thần thoại học Claude Lévi strauss) trong việc hình thành thế giới thơ siêu thực Lý Hạ.

Siêu thực với tư cách một kiểu chủ nghĩa trong văn học nghệ thuật chính thức ra đời ở nước Pháp từ trước Đại chiến thế giới lần thứ nhất với G. Apollinaire. Thuật ngữ “siêu thực” được hiểu như một hiện thực cao hơn và là mục tiêu, khát vọng chiếm lĩnh của người nghệ sĩ. Nguyễn Tôn Nhan đã khẳng định:

“Nếu mục tiêu ấy được Apollinaire đặt ra từ cuối thế kỉ XIX ë phương Tây thì theo chúng tôi, hơn mười thế kỉ trước, Lý Hạ, một thi nhân được mệnh danh là “Quỷ thi” sống ở thời Đường, Trung Quốc đã làm thơ siêu thực từ rất sớm”(4). Lý Hạ chính là nhà thơ hiện đại từ trong lòng chủ nghĩa cổ điển. Bằng cách “Đến tâm linh để báo hiệu phi thường” (Hàn Mặc Tử) thơ Lý Hạ đã mở rộng biên giới thơ ca đời Đường theo những chiều kích mới.

Mặt khác, có thể nói chính bởi sự phá cách quyết liệt này mà sản phẩm của cuộc chinh phục ấy là “vẻ đẹp quằn quại” như một đặc điểm thẩm mỹ thơ siêu thực. “Nàng đánh tôi đau quá, tôi bật lên tiếng khóc, tiếng gào, tiếng rú” (Hàn Mặc Tử). Mĩ học siêu thực là sự chiêm bái cái đẹp bi cảm, cái đẹp hoài thai từ vô thức, từ những giấc mơ giăng hoa ngập hồn thi sĩ:

“Từ sự thực đi tới bào ảnh, từ bào ảnh đi tới huyền diệu, từ huyền diệu đi tới chiêm bao. Mông lung đã trùm lên sự vật và cõi thực bị ánh sáng của chiêm bao vây riết” (Hàn Mặc Tử). Hiện thực trong thơ Lý Hạ là một thứ hiện thực đã đi qua siêu thực, còn mang trên mình các đốm lân tinh vừa rực rỡ vừa ma quái của nó.

Có thể cái siêu thực được gọi tên trực tiếp như Mộng thiên (Mộng lên trời), nơi cái đẹp thoát thai từ huyền thoại Đạo giáo về các vị thần tiên và sự cách biệt tiên cảnh – trần thế: “Loan bội tương phùng quế hương mạch – Hoàng trần thanh thủy tam sơn hạ” “Những vị tiên đeo ngọc bội hình chim loan, gặp nhau trên những con đường đẹp đẽ ngọt ngào mùi hương quế”.

Mộng lên trời chính là mộng tìm được lẽ biến thiên của vật, đường đi về của mệnh vốn cơ màu, nhiệm ảo. Hoặc có khi chính Lý Hạ thảng thốt trước linh hồn cô viễn mộng mị của mình, cứ mãi lênh đênh trong cõi trần ai sầu muộn này, xa lìa xác phàm, và cái mênh mông của nó thì không thể nào nắm bắt:

“Ngã hữu mê hồn chiêu bất đắc” (Trí tửu hành) (“Ta có một mảnh hồn mê không ai gọi được” - Bài hát bày tiệc rượu), nhà thơ tự phân thân để nghe được hồn mình, như lắng nghe tiếng nói của tha nhân: “Cơ hồn mộng trung ngữ” (Thương tâm hành) “Trong mộng, hồn nói thầm” (Bài ca đau lòng)…

(Còn tiếp)

Nguyễn Thị Thúy Hạnh (Đại học Sư phạm Hà Nội)

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/van-hoa/goc-nhin-van-hoa/dac-trung-tu-duy-huyen-thoai-trong-tho-ly-ha-ii-3428922/