Đặc tính giới với chúng tôi là một lợi thế trong công việc và cuộc sống

Tháng 3 với chủ đề 'Tháng thanh niên và phụ nữ' được chào đón với niềm hứng khởi của toàn thể đoàn viên, thanh niên, hội viên phụ nữ các cấp trong toàn lực lượng BĐBP. Đây là thời điểm để phụ nữ BĐBP tham gia tích cực nhất vào các hoạt động đoàn thể và nói lên tiếng nói của mình.

Trung tá Nguyễn Thị Thúy Hằng, Thủ kho Lữ đoàn Thông tin 21 BĐBP: Lữ đoàn Thông tin 21 có 64 hội viên phụ nữ. Hội Phụ nữ Lữ đoàn chúng tôi được coi là một hội khá mạnh, đông hội viên và thương yêu, đoàn kết, giúp đỡ nhau. Tôi là Hội trưởng Hội phụ nữ của Lữ đoàn, thâm niên hơn 30 năm nay, đến mức thuộc làu cả “chân tơ, kẽ tóc”, hoàn cảnh từng hội viên.

Đặc thù công việc của chị em làm công tác thông tin, báo vụ là làm theo ca, giờ giấc không cố định, nên sắp xếp việc công và việc chăm sóc gia đình cũng phải linh hoạt, khéo léo. Có những khi chúng tôi phải hỗ trợ nhau để hoàn thành nhiệm vụ mà gia đình cũng được vẹn tròn.

Lữ đoàn có nhiều chị em, môi trường làm việc đòi hỏi nhanh chóng, chính xác, nhịp độ cao. Chúng tôi thường phải tập hợp lại với nhau, chia sẻ và gánh đỡ cho nhau nhiều vấn đề của cuộc sống, lâu dần trở thành những người như một gia đình. Với các phong trào đoàn thể của Bộ Tư lệnh BĐBP, chúng tôi đều đạt thành tích cao, chị em tham gia rất hào hứng.

Trung tá Đinh Thúy Dung, Phòng Chính trị, BĐBP Đồng Tháp: Trong lực lượng BĐBP, tôi vinh dự là một trong số ít các nữ sĩ quan, lại có 30 năm làm công tác chính sách và công tác Hội phụ nữ. Trong chừng ấy thời gian thực hiện các phần việc rất cụ thể và quen thuộc được phân công như đền ơn đáp nghĩa, chính sách hậu phương quân đội, phong trào phụ nữ... mang lại cho tôi nhiều kinh nghiệm, nhiều tình cảm yêu mến của các đồng nghiệp, nhân dân biên giới, kể cả người dân của nước láng giềng.

Tôi nghĩ, muốn làm tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, trước hết, phụ nữ phải tự “tu thân, tề gia”, hoàn thiện bản thân và chăm sóc gia đình mình. Muốn vậy phải tự trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng cần thiết và không ngừng nâng cao trình độ mọi mặt.

Theo tôi, để thực hiện được bình đẳng giới, trước hết, phụ nữ phải nỗ lực. Nếu cuộc sống của mình bình ổn, vững chãi, sẽ sinh ra sức mạnh và niềm tin cho mình phấn đấu trong công tác, cống hiến cho xã hội, cho lực lượng.

Cũng như các đồng nghiệp nam, là một quân nhân, tôi cũng được huấn luyện để có sức khỏe, có kỷ luật, song tôi còn có trái tim nhạy cảm, kiên trì của phụ nữ. Thiên tính về giới đó giúp tôi bền bỉ, tỉ mỉ, khéo léo hơn trong công việc. Có những công việc, tôi có phần tiếp cận mềm mại hơn, dễ dàng hơn, do kết hợp những kỹ năng được rèn luyện trong chuyên môn, lại sáng tạo ra những cách thức tiếp cận xử lý theo bản tính phụ nữ của mình.

Tôi cho rằng, muốn cống hiến, phụ nữ phải có khao khát được cống hiến; dẹp bỏ tự ti của bản thân, dẹp tính tự ái, hay hờn hay dỗi, thay vào đó là lao động để lấy niềm vui; làm kinh tế gia đình để tăng thu nhập, để chủ động tài chính chi tiêu và còn để truyền cảm hứng cho các chị em khác. Mình hạnh phúc hơn khi mình lan tỏa được hạnh phúc cho các chị em, giúp chị em xây dựng gia đình hạnh phúc. Đôi khi đó còn là cầu nối để giúp nhau xây dựng cuộc sống, kỹ năng nghề nghiệp. Muốn mọi việc được “vuông tròn”, phụ nữ phải rất nỗ lực; có khi phải gấp 2, gấp 3 thời gian so với người khác giới mới hoàn thành được công việc.

Giờ đến tuổi nghỉ hưu, nhìn lại chặng đường hơn 30 năm cống hiến, tôi hạnh phúc và tự hào vì mình là một nữ quân nhân BĐBP.

Đại úy Nguyễn Thị Bích, phóng viên Báo Biên phòng: Đến thời điểm hiện tại, tôi chưa tròn 10 tuổi quân, nhưng đã có 20 năm gắn bó với nghề báo. Phụ nữ làm báo vốn đã vất vả, khó khăn, làm phóng viên Báo Biên phòng còn vất vả hơn bội phần. Bởi lẽ, địa bàn hoạt động của chúng tôi là khu vực biên giới, miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Một trong những khó khăn mà chúng tôi thường xuyên gặp phải là vấn đề giao thông, thời tiết, khí hậu và sự bất đồng ngôn ngữ. Tôi và nhiều phóng viên Báo Biên phòng khác đã từng đi trên những con đường khúc khuỷu, gồ ghề toàn đá hộc, một bên là núi, một bên là vực hay những con đường sống trâu trên các đỉnh núi chỉ vừa bánh xe. Trong điều kiện mùa đông, sương mù dày đặc, những con đường đó trở nên vô cùng nguy hiểm.

Bản thân tôi từng một lần suýt rơi xuống sông Mã đang cuộn chảy giữa mùa nước lũ, trong lần đi công tác tại Thanh Hóa. Thế nhưng, những sự cố đó không khi nào làm tôi chùn bước.

Có một thực tế là nhìn vóc dáng nhỏ bé của tôi, nhiều người cảm thấy ái ngại thay vì công việc của tôi quá vất vả. Tuy nhiên, bản thân tôi luôn hào hứng trước mỗi chuyến đi biên giới. Có cảm giác như đường đi càng khó, càng kích thích trí tò mò, quyết tâm khám phá của tôi. Tôi nghĩ rằng, niềm đam mê làm báo đã giúp tôi vượt qua những khó khăn hữu hình và thu xếp “vuông tròn” công việc gia đình, cũng như việc chăm sóc con cái để hoàn thành tốt nhiệm vụ của một phóng viên mặc áo lính.

Tôi tự hào đã đi tới hầu hết các tỉnh, thành biên giới, đặt những bước chân nhỏ bé ở những nơi chỉ có người lính Biên phòng đặt chân đến để phản ánh hơi thở cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ BĐBP và người dân vùng biên giới tới bạn đọc cả nước.

Trung úy Đào Phương Thảo, vận động viên wushu, Đoàn Thể thao BĐBP:

12 năm công tác trong lực lượng BĐBP, cũng là 12 năm tôi được khích lệ, tạo điều kiện để sống với đam mê biểu diễn wushu của mình. Là một nữ võ sĩ, trên sàn đấu thì buộc phải nhanh, mạnh, chính xác tuyệt đối. Với công tác văn thư tôi đang kiêm nhiệm hiện nay thì đòi hỏi phải tỉ mỉ, chi tiết hơn nữa.

Tôi từng có mong muốn được cấp trên giao phó chỉ một việc, không phải kiêm nhiệm để có thể hoàn thành tốt nhất và cống hiến cho đam mê của bản thân. Tuy nhiên, thời gian phải rèn luyện nhiều kỹ năng khiến tôi được tiếp xúc, cọ xát với nhiều phần việc đặc thù hơn nên lại có thêm sự kiên trì và ý chí cho bản thân và thấy mình đa năng, mạnh mẽ hơn.

Ở đơn vị gồm nhiều vận động viên thường xuyên có lịch thi đấu và tập luyện như Đoàn Thể thao BĐBP, để tập hợp và tổ chức được các hoạt động tập thể rất khó. Nhưng là một Bí thư Đoàn thanh niên, nên tôi ý thức được mình phải gương mẫu đi đầu, mạnh dạn với các ý tưởng sáng tạo và tự tin trong chuyên môn cũng như trong cuộc sống. Có như thế mới hy vọng đưa phong trào lên cao, thúc đẩy sự phát triển chung của Đoàn Thể thao BĐBP.

Việc tự tin, khả năng diễn thuyết trước đông người cũng đã mang lại nhiều thành tựu cho tôi và tập thể. Năm 2017, tôi được giải Nhất toàn lực lượng trong cuộc thi tuyên truyền viên. Đối với một thủ lĩnh Đoàn, kỹ năng cá nhân, sự tự tin là đặc biệt quan trọng. Đó là những điều mang lại sức hút để đông đảo anh chị em cùng với mình làm nên những điều tốt đẹp cho công tác, cho cuộc sống.

Trương Thúy Hằng (Thực hiện)

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/dac-tinh-gioi-voi-chung-toi-la-mot-loi-the-trong-cong-viec-va-cuoc-song/