'Đặc thù thì phải tổ chức HĐND thành phố theo cách khác'

Cũng trong buổi sáng 23-5, Quốc hội đã thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng và một số cơ chế, chính sách đặc thù khác.

Phiên họp toàn thể tại hội trường sáng 23-5, Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV

Phiên họp toàn thể tại hội trường sáng 23-5, Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV

Bày tỏ ủng hộ thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị một cấp tại Đà Nẵng, khắc phục những bất cập trong quản lý, điều hành đô thị, song ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) lo ngại về việc “mỗi đô thị lại đề xuất một nghị quyết đặc thù sẽ phá vỡ tính thống nhất của hệ thống chính quyền”. Do đó, theo ĐB, những chính sách cho Đà Nẵng cần được nghiên cứu trong mối quan hệ tổng thể với TPHCM, Hà Nội và các đô thị khác.

Bên cạnh đó, ĐB Mai Hoa nhận xét, trong khi HĐND TP được bổ sung khá nhiều nhiệm vụ quyền hạn thì cơ cấu, tổ chức được điều chỉnh như thế nào vẫn còn chưa rõ. “Có tăng thêm số lượng ĐB HĐND không? Các ban của HĐND sẽ như thế nào? Số ĐB HĐND chuyên trách có tăng thêm hay không?” – nữ ĐB đặt ra hàng loạt câu hỏi. ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa cũng cho rằng, với mô hình mới, yêu cầu kiểm soát quyền lực của chính quyền đô thị cần đặt ra chặt chẽ hơn, trong khi dự thảo lại chưa thể hiện được yêu cầu tăng cường vai trò kiểm soát của cấp ủy, Mặt trận Tổ quốc so với những nơi không thí điểm.

Trong khi đó, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) nhận định: “Bỏ HĐND quận, phường thì phải tổ chức HĐND TP theo cách khác thì nhân dân và ĐBQH mới yên tâm”. Cụ thể, theo ĐB, cần tăng số lượng ĐB HĐND, tăng cường hoạt động tiếp xúc nhân dân, cử tri, làm sao để thiết lập cơ chế sinh hoạt, liên lạc thường xuyên giữa nhân dân với ĐB HĐND TP. ĐB Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh: “Qua tiếp xúc cử tri, khi được hỏi tại sao không phản ánh vướng mắc đến HĐND quận, phường, có người dân nói 10 năm qua chúng tôi “kêu” tới HĐND quận, phường rồi, nhưng không hiệu quả. Tới đây, những chuyện như thế đặt lên vai HĐND TP, nghĩa là HĐND TP sẽ thêm việc và cần được bầu thực chất hơn”. Bên cạnh đó, ĐB Trương Trọng Nghĩa cũng cho rằng, nếu áp dụng mô hình này thì hoạt động của UBND cũng phải thay đổi theo hướng tăng cường kỷ luật hành chính, vì trước hết phải kiểm soát quyền lực bằng kỷ luật, kỷ cương hành chính; đồng thời với việc giám sát, giải quyết kiến nghị của cử tri, nhân dân.

Cẩn thận với hội chứng “xin cơ chế đặc thù” – đó là quan điểm của ĐB Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu). Ông Tạ Văn Hạ nêu vấn đề: “Vì sao Đà Nẵng phải xin cơ chế riêng về quy hoạch và ngân sách khi Luật Quy hoạch vừa ban hành xong, Luật Ngân sách Nhà nước cũng vậy? Liệu có phải những quy định của Luật đang gây vướng cho tất cả các địa phương không, hay chỉ vướng mắc với Đà Nẵng thôi?”. ĐB đề nghị Chính phủ báo cáo rõ vấn đề này và còn băn khoăn về việc sử dụng một nghị quyết của Quốc hội để sửa Luật.

Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm, nguyên Chủ tịch HĐND TP HCM khẳng định, ủng hộ việc Quốc hội ban hành nghị quyết về vấn đề này. Tuy nhiên để hoàn thiện nghị quyết, ĐB Quyết Tâm đề nghị dự thảo nghị quyết nói rõ về tỷ lệ điều tiết ngân sách Trung ương cho địa phương theo hướng tăng, chứ không phải chung chung là “phù hợp”. Theo ĐB, tỷ lệ điều tiết như hiện nay chưa tạo điều kiện cho các địa phương có thế mạnh, có tiềm năng đẩy mạnh phát triển kinh tế, từ đó tăng thu cho ngân sách. “Dù vẫn biết yêu cầu đảm bảo cân đối ngân sách quốc gia là số 1, nhưng có tăng tỷ lệ điều tiết cho những địa phương này thì mới nuôi được nguồn thu, từ đó điều tiết lại cho những địa phương khó khăn hơn”, ĐB Quyết Tâm nêu quan điểm.

Từ lập luận này, ĐB Quyết Tâm đề nghị HĐND TP Đà Nẵng cần tăng số lượng ĐB HĐND chuyên trách, làm sao mỗi quận huyện đều có đại diện của mình, hoạt động thường xuyên ở các ban của HĐND, nâng cao năng lực của các ban HĐND.

ANH PHƯƠNG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/dac-thu-thi-phai-to-chuc-hdnd-thanh-pho-theo-cach-khac-663794.html