Đặc san 'Nhà báo & Quê hương' với việc bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cho hội viên

Đặc san Nhà báo & Quê hương (NB & QH) là tiếng nói của Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Quảng Trị, là diễn đàn của những người làm báo và của tất cả những người quan tâm tới công tác truyền thông, tới công tác Hội của tỉnh Quảng Trị.

Đặc san Nhà báo và Quê hương là tiếng nói của Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Quảng Trị

Đặc san Nhà báo và Quê hương là tiếng nói của Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Quảng Trị

Từ năm 1997 đến nay NB & QH đã xuất bản được 71 số, trải qua hơn 22 năm hình thành và phát triển, những năm đầu đặc san mỗi năm xuất bản một số, nay định hình mỗi quý một số. Về măng - séc, những ấn phẩm của các hội nhà báo trên toàn quốc đều có tên gọi chung là Người làm báo tỉnh A, tỉnh B, tỉnh C… chỉ riêng đặc san của Hội Nhà báo Quảng Trị có tên gọi là NB & QH, do Tỉnh ủy Quảng Trị ký duyệt, Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép xuất bản.

Đặc san do Phó Chủ tịch thường trực Hội đứng tên, chịu trách nhiệm xuất bản, cùng đội ngũ những hội viên nhà báo có năng lực và uy tín nghề nghiệp tham gia biên tập, trình bày; đặc san được chế bản và in ấn tại TP. Đà Nẵng. Số lượng 400 bản/số, phát hành trên toàn quốc, trong đó có các hội nhà báo địa phương.

Đặc san NB & QH đã khẳng định được dấu ấn về một “món ăn đặc sản” thu hút sự quan tâm của đội ngũ những người làm báo trên địa bàn, sự tham gia cộng tác tích cực và có trách nhiệm của những cây bút tên tuổi trong cả nước. Đặc san từ những ngày “khởi đầu nan” ấy, giờ đây đang ở tuổi 22 tràn đầy năng lượng, sức trẻ, đã vượt qua không ít khó khăn, thử thách.

Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, đặc san luôn bám sát chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng hành với quê hương Quảng Trị trước mỗi sự kiện hay những vấn đề đáng quan tâm; phản ánh mọi thông tin liên quan đến công tác hội, nhất là về công tác chuyên môn, nghiệp vụ; góp tiếng nói đấu tranh với những hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của hội viên; nhân rộng cái hay, cái đẹp, cái tốt trong cuộc sống đời thường; góp một “kênh” quảng bá về mảnh đất và con người Quảng Trị tươi đẹp, kiên trung, nghĩa tình; trở thành một “sân chơi”, một ấn phẩm không thể thiếu của những người làm báo trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Từ khi hình thành đến nay, Ban biên tập đặc san rất chú trọng đến hai mảng quan trọng làm nên phong cách và tính hấp dẫn, hiệu quả của một tờ báo, đó là không ngừng đầu tư để cải tiến hình thức thể hiện và nâng cao chất lượng nội dung bài viết. Đặc san được trình bày trang nhã, gây ấn tượng ngay từ trang bìa. Trang bìa mỗi số luôn là hình ảnh khái quát chủ đề xuyên suốt của cả đặc san.

Đó có thể là toàn cảnh Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải hoành tráng; Thành Cổ Quảng Trị và dòng sông Thạch Hãn linh thiêng; một thị trấn phố núi Khe Sanh ngày mới hay những con người Quảng Trị đã làm rạng danh cho quê hương, đất nước như xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, Huy chương Vàng Olimpic Rio Brazil 2016, Văn Viết Đức, Phan Đăng Nhật Minh, Quán quân Đường lên đỉnh Olimpia; đó có thể là hình ảnh phóng viên Báo Quảng Trị tác nghiệp tại Trường Sa hay biên tập viên Đài PT-TH Quảng Trị dẫn hiện trường tại một sự kiện lớn…

Các bài viết thường được trình bày gọn gàng trong 2 trang liên tục, như một bức tranh nghệ thuật có phần chính, phần phụ tạo thành một thể thống nhất. Bài viết được biên tập ngắn gọn, cô đọng khoảng 1.500 chữ trở lại, phần “đất” còn lại để chuyển tải 2-3 bức ảnh minh họa. Mỗi bài viết luôn chú ý đến sapo, tít phụ, BOX - cửa sổ để làm phong phú, sinh động, thu hút bạn đọc. Nói chung NB&QH luôn hướng theo phong cách trình bày kiểu hiện đại nhất hiện nay để chuyển tải nội dung đến bạn đọc một cách hiệu quả nhất… Nhờ những nỗ lực này nên sau khi đặc san phát hành, được chia sẻ trên mạng xã hội, chúng tôi đã nhận được những lời khen về cách trình bày, ghi nhận sự đầu tư về công sức và tâm huyết của ban biên tập trong việc nâng tầm giá trị thẩm mỹ của mỗi tác phẩm báo chí.

Về nội dung: Để chuyển tải được 2 mảng chính là nhà báo và quê hương, đặc san đã duy trì các tiểu mục: Chính trị - xã hội; Công tác Hội; Gương mặt nhà báo; Phóng sự ảnh; Góc chuyện nghề; Người và đất quê hương; Trang tiếng địa phương; Góc ảnh Xưa - Nay… Nhờ những nỗ lực cố gắng của ban biên tập trong việc xây dựng đề cương, chọn chủ đề cho mỗi số đặc san, để từ đó chọn những tác giả có uy tín để đặt bài, giao những đề tài phù hợp cho hội viên thực hiện. Ban biên tập cũng khắt khe trong việc chọn bài, ưu tiên bài có tính phát hiện, đề tài mới hay là những hồi ức, câu chuyện, nhân vật đã một thời gắn bó máu thịt với người và đất quê hương Quảng Trị.

Đặc san xuất bản mỗi tháng một số

Hội Nhà báo Quảng Trị hiện có gần 150 hội viên, sinh hoạt ở 5 chi hội, ngoài ra có 4 câu lạc bộ là những tổ chức tự nguyện trực thuộc Hội Nhà báo Quảng Trị. Đây là lực lượng nòng cốt ở các chi hội, ở các cơ quan báo chí, có chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, nhiệt tình với công tác hội, tâm huyết và có trách nhiệm với tác phẩm của mình mỗi khi cộng tác với đặc san NB & QH. Điều đáng mừng là mỗi ấn phẩm xuất bản thì tỷ lệ đóng góp tác phẩm của hội viên nhà báo trong tỉnh chiếm tỷ lệ 2/3, đây là điều kiện cần và đủ để ban biên tập mạnh dạn duy trì và mở thêm các tiểu mục mới, phù hợp với thị hiếu của bạn đọc mà vẫn giữ được tôn chỉ, mục đích của đặc san.

Ngoài đội ngũ hội viên đóng vai trò nòng cốt, còn có Câu lạc bộ phóng viên thường trú và Chi hội nhà báo Văn phòng thường trú, với gần 30 phóng viên, nhà báo tham gia sinh hoạt dưới mái nhà chung của Hội Nhà báo Quảng Trị. Họ là những nhà báo tận tụy, sống và viết về quê hương, có những đóng góp xứng đáng trong các giải báo chí của tỉnh và quốc gia, và điều không thể thiếu là trong các ấn phẩm của đặc san, họ luôn đóng góp những bài “đinh” viết về Góc chuyện nghề, Phóng sự ảnh, Gương mặt nhà báo, Người và đất quê hương… đã làm phong phú và sinh động hơn cho mỗi ấn phẩm xuất bản. Đó cũng là cơ sở để ban biên tập có đủ chất liệu để chọn lựa tác phẩm tham gia Giải báo chí chất lượng cao, Giải Báo chí Quốc gia và các giải chuyên ngành khác do Trung ương và địa phương tổ chức.

Từ những tác phẩm của hội viên mỗi khi tham gia và đoạt Giải báo chí quốc gia, hay Giải báo chí tỉnh Quảng Trị, lập tức chúng tôi đặt hàng bài viết cho tiểu mục Góc chuyện nghề, bởi đằng sau đó là những góc khuất, hành trình gian nan vất vả, sự dấn thân, hay những gay cấn mà tác giả chưa có dịp tỏ bày trong tác phẩm; để khi ấn phẩm được phát hành, bạn đọc (hội viên) mới cảm nhận hết giá trị của tác phẩm, qua đó để thấy được bài học, để tự rèn mình trong hoạt động chuyên môn nghiệp vụ báo chí. Mặt khác, qua Góc chuyện nghề, trong mỗi câu chuyện, tác giả cũng đã đề cập, bày tỏ đến quá trình ấp ủ đề tài, đi cơ sở, thu thập tài liệu, đến thủ thuật chọn lọc chi tiết, bố cục bài viết… những “ngón nghề” đó phần nào đã giúp mỗi hội viên tự mình rút ra bài học cho mình; cũng là một phương cách để tự bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cho chính mình.

Điều đáng quan tâm là qua mỗi số đặc san xuất bản, mỗi hội viên đã làm tròn trách nhiệm của mình, từ việc tham gia cộng tác viết bài đến việc chia sẻ thông tin, cảm nhận thông điệp qua mỗi bài viết đã đọc, để rồi mỗi hội viên như thấy được mình trong đó mà cống hiến với hội, với nghề, học được những điều hay lẽ phải qua mỗi tác phẩm. NB & QH số 65, trong mục Gương mặt nhà báo, phóng viên NB & QH đã có cuộc trò chuyện với nhà báo Phan Quang, với tiêu đề: “Với quê hương - Thương nhớ vẫn còn”, trong tác phẩm chỉ riêng với 4 chữ: Đọc – Đi – Nghĩ – Viết thôi cũng là bài giảng không giáo án, có sức lan tỏa trong đời sống báo chí nói chung và và trong cảm nhận của mỗi hội viên nhà báo Quảng Trị nói riêng, chừng đó thôi âu cũng đã góp phần vào “việc bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cho hội viên”.

Nếu như một nhà báo đã ví giải báo chí quốc gia là “giải của nghề”, thì việc xuất bản đặc san xem như “ấn phẩm của nghề”. Đặc san NB & QH của Hội nhà báo Quảng Trị được hội viên đón đợi, được đồng nghiệp quan tâm cộng tác, được công chúng chia sẻ và đánh giá cao, tất cả bắt nguồn từ trách nhiệm, từ tình yêu và cháy hết mình với chuyện nghề để làm nghề, để phục vụ công chúng và đồng nghiệp.

Trần Đăng Mậu

Nguồn Người Làm Báo: http://nguoilambao.vn/dac-san-quot-nha-bao-amp-que-huongquot-voi-viec-boi-duong-nghiep-vu-bao-chi-cho-hoi-vien-n15546.html