Đặc sản - Ngon nhưng chưa hẳn đã an toàn

Có những món đặc sản theo mùa và gắn với từng vùng miền khác nhau làm nức lòng thực khách. Tuy vậy, với những người có cơ địa nhạy cảm với một số thành phần trong món đặc sản đó hoặc quá trình sơ chế, chế biến không chuẩn thì thức ăn lại biến thành thuốc độc.

Loại cua mặt quỷ mà bệnh nhân Ch., đã ăn khiến rơi vào tình trạng ngừng tim.

Ngừng tim sau khi ăn đặc sản

Một người phụ nữ 31 tuổi ở TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh được đưa đến BV Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) trong tình trạng mẩn đỏ toàn thân, ngứa vùng mặt, tức ngực, khó thở sau khi ăn sam biển. Ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ đã tiến hành cấp cứu cho người bệnh như rửa dạ dày, sử dụng thuốc theo phác đồ. Sau khoảng 1 giờ người bệnh ổn định.

Tương tự, một người đàn ông làm nghề đi biển ở Thanh Hóa đã bị mệt kèm buồn nôn, nôn nhiều và tê bì miệng, lưỡi, chân tay, cuối cùng là rơi vào tình trạng ngừng tim sau khi ăn “cua mặt quỷ”. Cụ thể, bệnh nhân Đỗ Văn Ch., 46 tuổi, ở Tĩnh Gia, Thanh Hóa làm nghề đi biển. Bệnh nhân có ăn 1-4 con cua (theo cách gọi của người dân địa phương là còng chữ thập) đã được luộc chín . Sau đó khoảng 2 tiếng, bệnh nhân thấy mệt kèm buồn nôn, nôn nhiều và tê bì miệng, lưỡi, chân tay. Bệnh nhân được các anh em trên thuyền đưa vào bờ và đến cấp cứu tại BV Đa khoa Hợp Lực Tĩnh Gia trong tình trạng nói khó, yếu nhẹ tứ chi.

Được các bác sĩ hồi sức, ép tim, bệnh nhân đã có mạch trở lại và được chuyển đến Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai trong tình trạng hôn mê, liệt hoàn toàn, dùng thuốc vận mạch, bóp bóng và đặt nội khí quản. Bệnh nhân được chẩn đoán sơ bộ là ngộ độc cua mặt quỷ.

Một trường hợp khác cũng gặp “tai nạn” khi thưởng thức đặc sản là chàng trai 21 tuổi ở Cao Bằng đã bị mẩn ngứa toàn thân, da nổi mẩn đỏ thành đám, mảng rải rác toàn thân kèm theo sưng nề đỏ vùng mặt và quanh mắt sau khi ăn món trứng kiến khoảng 2 giờ đồng hồ. Thanh niên đã được đưa đến BV Đa khoa tỉnh Cao Bằng điều trị. Sau 1 ngày điều trị tích cực tình trạng bệnh nhân tiến triển tốt, da đỡ mẩn đỏ, đỡ ngứa, giảm phù nề vùng mặt và quanh mắt.

Cẩn trọng khi ăn những món lạ

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai cho biết, đối với loại cua mặt biển chứa chất độc, ở Việt Nam hiện có ít nhất 3 loại cua biển độc được biết tới là cua mặt quỷ, cua hạt và cua Florida được phân bố ở các vùng biển của miền Trung, Nha Trang và một số vùng khác. Trong phần thịt và trứng của cua có chứa một vài loại độc tố khác nhau. Đáng chú ý là độc tố tetrodotoxin, gonyautoxin và saxitoxin.

Mọi người không phân biệt được sam biển với so biển hoặc sơ chế không đúng cách có thể gặp phải ngộ độc nặng.

“Đặc điểm của các độc tố này là bền vững với nhiệt, tức là vẫn giữ nguyên sau khi nấu chín. Đây là độc tố cực mạnh với hệ thần kinh, chỉ cần 0,5mg đã có thể gây tử vong cho người lớn”- TS Nguyễn Trung Nguyên nói.

Độc tố này khi xâm nhập vào cơ thể gây liệt tất cả các cơ, ban đầu có biểu hiện tê bì môi lưỡi chân tay, sau đó là liệt tất cả các cơ, đồng tử giãn, có thể co giật, tụt huyết áp, loạn nhịp tim. Phần lớn những trường hợp tử vong là suy hô hấp do liệt các cơ. Nhiều trường hợp bệnh nhân ăn ngoài biển, trên tàu, trên đảo, bị ngộ độc và khi đưa vào bờ thì không kịp cứu chữa, đã có trường hợp bị tử vong trên đường tới viện.

Đáng chú ý, cũng giống như cá nóc, những loại cua này không biết trước độc tố đến mức độ nào, có người đã từng ăn có thể không sao. Ngay cả bệnh nhân Ch. trước đây đã từng ăn loài cua này một vài lần nhưng không có hiện tường gì, đến lần này thì bị ngộ độc.

Tuy nhiên, để phòng tránh nguy cơ ngộ độc, người dân tuyệt đối không nên ăn các loại cua này. Chỉ nên ăn các loại hải sản, cua, mực, tôm, ghẹ… quen thuộc. Những loại cua lạ, kỳ dị, hình hài khác thường thì không nên ăn. Đồng thời, những người dân đi biển cũng nên dự trữ mang theo than hoạt để trong trường hợp nghi ngờ ngộ độc có thể gây nôn và uống ngay tại chỗ để giải độc. Trên tàu, thuyền đi biển cũng nên trang bị các phương tiện cấp cứu ban đầu. Các ngư dân cũng cần được tập huấn các kiến thức sơ cứu ban đầu để có thể sơ cứu tại chỗ cho bệnh nhân trước khi đưa đến cơ sở y tế gần nhất - BS Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo.

Còn với sam biển, các bác sĩ khuyến cáo, đây vốn là loại thực phẩm bổ dưỡng, giàu chất đạm và có thể chế biến nên những món ăn độc đáo, đặc sắc. Tuy nhiên, khi sơ chế và chế biến nếu không cẩn thận có thể gây nên tác hại khó lường. Nếu bắt được con sam ăn sứa thì gan và ruột của nó cực độc, có thể gây chết người. Ngoài ra, mọi người rất dễ nhầm lẫn với con so biển.

Dị ứng thức ăn có rất nhiều biểu hiện đa dạng, từ mức độ nhẹ đến nặng. Có người biểu hiện ngoài da như mẩn đỏ, ngứa, phù nề mặt mũi, chân tay, mồm miệng, với những trường hợp nặng có thể có những phỏng nước, bong trợt, loét da, có những trường hợp dị ứng biểu hiện bằng dấu hiệu rối loạn tiêu hóa. Vì vậy, người dân cũng cần thận trọng trong lựa chọn thực phẩm, đặc biệt là khi ăn những thực phẩm lạ, nhất là những người có tiền sử dị ứng thức ăn. Sau ăn nếu có cảm giác tê miệng lưỡi, đau bụng, mẩn ngứa, khó thở cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị kịp thời.

Hà Dũng

Hà Dũng

Nguồn Ngày Nay: https://ngaynay.vn/dac-san-ngon-nhung-chua-han-da-an-toan-post106310.html