Đặc sản mực một nắng Nghệ An 'hút' khách

Trong quá trình khai thác, đánh bắt trên biển, ngư dân Quỳnh Lưu (Nghệ An) đã dành riêng hàng tấn mực tươi ngon để chế biến thành mực một nắng. Nhờ chế biến công phu nên loại đặc sản này hiện có giá bán tương đối cao và đang 'hút' khách trong mùa du lịch.

Để chế biến mực một nắng, sau khi rửa sạch để ráo nước, anh Nguyễn Văn Phương ở xã Sơn Hải (Quỳnh Lưu) phơi mực trên tấm lưới; nếu trời nắng ráo chỉ cần phơi 1 buổi rồi cấp đông. Ảnh: Việt Hùng

Để chế biến mực một nắng, sau khi rửa sạch để ráo nước, anh Nguyễn Văn Phương ở xã Sơn Hải (Quỳnh Lưu) phơi mực trên tấm lưới; nếu trời nắng ráo chỉ cần phơi 1 buổi rồi cấp đông. Ảnh: Việt Hùng

Làm nghề khai thác hải sản trên biển, mỗi khi đánh bắt được mực tươi, anh Nguyễn Văn Phương ở xã Sơn Hải đều dự trữ trên tàu để mang về nhà chế biến thành một nắng. Sau khoảng 7 - 10 ngày đánh bắt trên biển, nhiều khay mực tươi đã được gom lại vận chuyển xuống bờ để chuẩn bị cho công đoạn chế ra mực một nắng.

Anh Phương chia sẻ, tàu anh đang khai thác được chung vốn cùng với anh em xã Quỳnh Long. Lúc nào tàu khai thác được nhiều mực, anh lựa chọn những con to để mang về nhà chế biến thành một nắng; còn loại nhỏ sẽ được vận chuyển về bán cho thương lái. Thời gian này, mực khó đánh bắt nên anh phải mua thêm hàng từ tàu khác về chế biến thêm.

Mực một nắng phải là loại tươi ngon, con to mình dài và đặc biệt phải là mực ống. Ảnh: Việt Hùng

"Mực một nắng là đặc sản rất được khách hàng ưa chuộng, do vậy gia đình luôn chế biến từ 1 - 2 tạ mực một nắng/ngày để phục vụ người dân". Anh Phương nói.

Để chế biến ra mực một nắng, ngư dân phải chọn những con mực tươi ngon, mực to thì chất lượng mực càng giá trị. Trước tiên mực được xẻ ra, rửa sạch, sau đó để ráo nước. Công đoạn tiếp theo là phơi sấy mực bằng 2 cách: phơi dưới nắng hoặc sấy trong than củi. Tùy vào nhiệt độ, con mực khi đã đạt yêu cầu, người dân sẽ thu gom, đóng gói cấp đông.

Chị Nguyễn Thị Đào, chủ cơ sở chế biến mực một nắng ở xã Quỳnh Nghĩa cho biết, vào mùa du lịch, du khách về tắm biển, thưởng thức đặc sản và họ thường ghé đến cơ sở để mua mực một nắng về làm quà. Từ nay đến hôm khai trương du lịch biển Quỳnh còn khoảng gần 1 tuần nữa nên gia đình đang thu mua mực tươi về chế biến một nắng để phục vụ du khách. Bình quân, mỗi ngày cơ sở của chị chế biến khoảng 2 tạ mực.

Mực một nắng trước khi đem phơi được rửa sạch, để ráo nước. Ảnh: Việt Hùng

"Để đạt yêu cầu, mực sau khi chế biến sẽ được phơi dưới nắng trong khoảng 1 buổi. Nếu phơi lâu, mực sẽ khô dần và không giữ được độ ngọt, ăn sẽ không dai bùi. Còn thời tiết mát mẻ, người dân phải sấy khô bằng than củi, thường thì khoảng 1 ngày mới đạt yêu cầu", chị Đào cho hay.

Theo các cơ sở chế biến, do được chế biến công phu nên giá trị tương đối cao; bình quân 1kg mực một nắng có giá 500.000 đồng, cao gấp 2 - 3 lần so với mực tươi. Đặc biệt, mực một nắng nhờ chế biến công phu, cấp đông nên thời gian sử dụng rất dài.

Do chế biến công phu, mực một nắng hiện có giá bán 500.000 đồng/kg, cao gấp 2 - 3 lần so với mực tươi. Ảnh: Việt Hùng

Quỳnh Lưu là huyện có số phương tiện tàu thuyền lớn, với gần 1.300 chiếc; mỗi năm, sản lượng khai thác được hơn 4.000 tấn mực, trong đó khoảng gần 1.000 tấn được bà con ngư dân chế biến thành mực một nắng. Hiện đặc sản mực một nắng thường xuất hiện nhiều trên mâm cỗ cưới, trong các buổi tiệc liên hoan. Ngoài ra, sản phẩm này còn được bà con vận chuyển đi tiêu thụ khắp nơi, thậm chí xuất khẩu sang các nước Lào, Hàn Quốc.

Món mực một nắng sốt me. Ảnh tư liệu

Mực một nắng có thể chế biến ra nhiều món ngon, hấp dẫn như mực nướng, mực hấp hành, gừng; mực chiên nước mắm, chiên xù, chiên giòn hay mực một nắng xào, sốt me...

Việt Hùng

Nguồn Nghệ An: http://www.baonghean.vn/dac-san-muc-mot-nang-nghe-an-hut-khach-194057.html