Đặc sản Hải Dương hễ nhắc tới là thèm

Những đặc sản Hải Dương tuy giản dị nhưng mang một hương vị đặc trưng riêng mà không nơi nào có được khiến cho thực khách thấy nao lòng khi thử qua.

Gà Mạnh Hoạch: Gà tươi Mạnh Hoạch của Hải Dương nổi tiếng khắp cả nước nhiều năm nay. Đây là một thương hiệu xuất phát từ ông “vua gà” đến từ Hải Dương – Phạm Hồng Hoạch. Từ một quán nhỏ do ông Phạm Hồng Hoạch làm chủ đến nay đã trở thành một thương hiệu có hệ thống nhà hàng trên khắp cả nước thu hút nhiều thực khách gần xa. Ảnh: Foody.

Gà Mạnh Hoạch: Gà tươi Mạnh Hoạch của Hải Dương nổi tiếng khắp cả nước nhiều năm nay. Đây là một thương hiệu xuất phát từ ông “vua gà” đến từ Hải Dương – Phạm Hồng Hoạch. Từ một quán nhỏ do ông Phạm Hồng Hoạch làm chủ đến nay đã trở thành một thương hiệu có hệ thống nhà hàng trên khắp cả nước thu hút nhiều thực khách gần xa. Ảnh: Foody.

Bánh dày Gia Lộc: Khách qua đường lỡ bữa dừng chân tại thị trấn Gia Lộc (Hải Dương) ăn chiếc bánh dày, uống chén trà hoặc mua vài gói bánh về làm quà cho người thân, chỉ một lần rồi nhớ mãi hương vị. Chiếc bánh dày trắng mịn, dẻo thơm đã trở thành một trong những đặc sản Hải Dương mà du khách đã nếm qua đều khó quên. Ảnh: Vietnamnet.

Bánh cuốn Hải Dương: Về thành phố Hải Dương, tìm tới con phố Bắc Sơn, con phố với món bánh cuốn nổi tiếng đã được đưa vào từ điển Wikipedia. Ở đó có quán bánh cuốn bà Thấu gắn liền với thương hiệu bánh cuốn Hải Dương. Nếu ai đã thử, sẽ chẳng thể nào quên những tấm bánh mỏng mướt như giấy pơ-luya, thanh mát, trong suốt mà vẫn béo ngậy. Từ một thương hiệu bánh cuốn bà Thấu, hàng loạt hàng bánh cuốn cũng mọc lên ở thành phố Hải Dương. Ảnh: Foody.

Bánh đậu xanh: Bánh đậu xanh có thể nói là đặc sản nổi tiếng nhất của Hải Dương. Bánh đậu xanh Hải Dương có mùi rất thơm, vị bùi bùi, ngọt tan trong miệng, có chút beo béo mà không ngán của mỡ lợn cùng với tinh dầu man mát hương hoa bưởi. Tùy mỗi loại bánh mà có độ ngọt khác nhau. Ngày nay, người ta cho thêm vào nhân hạt sen, đậu đỏ, đậu phộng đáp ứng hết tất cả nhu cầu của thực khách. Ảnh: Internet.

Bánh gai Ninh Giang: Mặc dù công thức làm bánh gai không quá cầu kỳ nhưng để làm ra chiếc bánh ngon phụ thuộc rất nhiều vào tỷ lệ trộn, phân chia nguyên liệu, chọn nếp, chọn lá gai, thời gian hấp bánh... Chọn kỹ những thành phần ngon nhất thì khi bánh chín sẽ dẻo dai, mềm mại, thơm ngon khiến bao thực khách phải ngỡ ngàng. Ảnh: Internet.

Rươi Tứ Kỳ: Mùa rươi ở Tứ Kỳ, Hải Dương, bắt đầu vào tháng 8 âm lịch, rươi có thể được chế biến thành nhiều món ngon nhưng chả rươi là món được hầu hết mọi người yêu thích. Miếng chả rươi thơm lừng đầy đủ vị chua cay mặn ngọt, có thể “đánh gục” những người có khẩu vị khó tính nhất. Vị ngậy ngậy, ngọt đậm của thịt rươi trộn với trứng gà và mùi thơm thanh thanh của vỏ quýt cộng với húng thơm hấp dẫn, lưu lại hương vị khó quên. Ảnh: Internet.

Bánh lòng Kinh Môn: Bánh lòng từ lâu đã trở thành thứ bánh đặc sản truyền thống ở Hải Dương. Bánh lòng khác biệt với những loại bánh làm từ gạo khác như bánh cáy, chè lam,... bởi vị ngọt dẻo bùi thơm, cay nhẹ của gừng, bỏng gạo nếp cái hoa vàng, lạc rang và đường quyện lại. Sản vật của vùng đất núi dù chưa được nhiều người biết đến nhưng chỉ cần thử một lần cũng khó có thể quên được. Ảnh: Quaque.

Vải thiều Thanh Hà: Vải thiều Thanh Hà được mệnh danh là “bà hoàng” của các loại vải. Vải thiều hạt nhỏ, màu nâu đen, cây vải tuổi càng cao thì hạt càng nhỏ, có nhiều trái gần như không có hạt và lớp cùi dày mọng nước. Ảnh: Vải thiều Thanh Hà.

Bún cá rô đồng: Bún cá rô đồng thì có thể tìm thấy khắp mọi nơi nhưng để thưởng thức món bún cá rô vừa thơm, vừa hấp dẫn vừa đậm đà hương vị thì bạn phải về đất Hải Dương. Bún cá rô đồng Hải Dương ngon hơn nhiều nơi khác bởi cách chế biến nước dùng và thịt cá thơm ngon. Bát nước dùng ngọt đậm, thịt cá mềm, ngon trộn lẫn cùng những sợi bún trắng đều tăm tắp khiến thực khách nhớ mãi. Ảnh: Internet.

Bánh đa gấc Kẻ Sặt: Bánh đa gấc Kẻ Sặt là một đặc sản không thể bỏ qua khi đến Hải Dương. Nguyên liệu làm bánh gồm những nguyên liệu giản dị như gạo, đường, vừng, lạc, dừa thái mỏng và hương vị gừng tươi. Bánh đa gấc gia truyền có màu vàng óng, ngày nay được cho thêm gấc vào nên có màu đỏ au bắt mắt. Bánh có vị bùi của gạo xen lẫn với mùi thơm của vừng, dừa nên cực kỳ kích thích. Ảnh: Saigonamthuc.

Thảo Nguyên (TH)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/khoe-dep/dac-san-hai-duong-he-nhac-toi-la-them-937353.html