Đặc sản đất chi lăng

Ông Bành Thanh Hải, ngụ khóm 1, thị trấn Chi Lăng, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang kể với chúng tôi về cơ duyên đến với 2 loại rượu độc đáo chỉ có ở huyện nầy, đó là rượu chiết xuất từ trái Hồng Quân và Cà na : ' 2 loại trái có rất nhiều trên vùng đất đồi núi An Giang và phát triển rất tốt bởi phù hợp với thổ nhưỡng tại đây.

Tuy nhiên chúng là loại cây mọc hoang, giá trị không cao nên giá bán không đáng kể. Từ đó người dân không quan tâm đến giá trị của chúng. Không để lãng phí, tôi đã tự mày mò học hỏi, nghiên cứu cách chế biến chúng thành rượu “ đặc chủng” và đã rất thành công”.

Năm 2012, anh Hải bắt đầu sản xuất rượu Hồng Quân với những ưu điểm : giúp người dùng mát gan, mật, khí huyết thông suốt và điều trị một số bệnh về xương khớp khác. Muốn có nguyên liệu, anh Hải đã tự đi mua từ các huyện miền núi như : Tri Tôn, Tịnh Biên, Thoại Sơn, Tp Châu Đốc…Bình quân mỗi ngày thu gom được từ 70 đến 90 ký trái. Điều đáng nói là loại trái cây nầy chỉ có được 1 mùa trong năm ( từ tháng 4 đến tháng 8 âm lịch hàng năm). Giá mua cũng giao động từ 10 đến 20.000 đồng/ký trái tươi. Sau khi rửa sạch cắt nhỏ bằng máy, trái Hồng Quân sẽ được cho vào các bồn có chứa rượu gạo ngon có dung tích với tỉ lệ 1.000 lít rượu ngâm với 1.500 ký trái Hồng Quân. Sau 6 tháng cho chúng lên men, anh bắt đầu thu hoạch rượu Hồng Quân với số lượng xấp xỉ 6.000 lít rượu thành phẩm với giá bán 50.000 đồng/chai 500 ml; 100.000 với loại 700 ml.

Ông, Mại Hồng Nhật, 69 tuổi một cư dân sống lâu đời trên miền núi xã An Hảo ( còn gọi là núi Cấm, An Giang) cho biết : “Trái Hồng quân vùng Bảy Núi An giang có vị ngọt thanh rất đặc biệt không nơi nào có được bởi chúng đòi hỏi với vùng đất cao ráo, khí hậu mát mẻ, ban đêm có nhiều sương…Trái nầy có nhiều ở núi Dài, núi Cấm, núi Cô Tô…Nhờ vậy khi mang chúng đi làm rượu có vị ngọt, chát nhẹ, mùi thơm, người dân địa phương rất chuộng loại rượu nầy”.

Nhiều nhà nghiên cứu về loại trái cây hoang dã nầy cho biết: Hồng quân còn có tên là Bồ quân, Mùng quân, tên khoa học là Flacourtia jangomas. Hồng quân có nhiều ở Đông Nam Á. Tại miền Tây Nam Bộ của Việt Nam, Hồng quân có nhiều nhất tại vùng Bảy Núi ( An Giang). Đây là loài cây bụi, cao trung bình khoảng 5 đến 8 mét, lá nhỏ, bông tím, trái lúc còn sống có màu xanh, khi già chuyển dần sang màu nâu và lúc chín mộng có màu tím trông rất bắt mắt. Hồng quân có mùi thơm nhẹ, vị ngọt lẫn hơi chua. Năng suất bình quân mỗi cây khoãng 150 ký/năm. Loại trái nầy không cần đến các loại phân bón, thuốc trừ sâu mà vẫn phát triển xanh tốt.

Từ thành công của đặc sản rượu Hồng Quân, anh Bành Thanh Hải bắt đầu nghĩ đến việc chế biến rượu cà na từ năm 2016 đến nay.Anh Hải chia xẻ : “ Vùng Bảy Núi nầy cũng có khá nhiều cây cà na bỏ hoang trên các khu đồi trọc hay được người dân trồng với tỉ lệ rất ít để chế biến thức ăn, làm mứt khi vào vụ thu hoạch rộ. Tuy nhiên mức độ tiêu thụ không cao dẫn đến lãng phí rất lớn. Thành phần dinh dưỡng và khả năng điều trị một số bệnh thông thường cũng rất cao. Cạnh đó nguồn cà na để chế biến có rất nhiều tại các tỉnh lân cận như Đồng Tháp, Kiên Giang nên không sợ “ hụt hàng”. Vậy là tôi quyết định chế biến rượu cà na. Hiện tại mỗi năm tôi cung ứng ra thị trường trên 3.000 chai rượu cà na nhưng không thấm vào đâu với nhu cầu của thương lái đặt hàng”.

Trái cà na chỉ xuất hiện rộ trong một thời gian ngắn ( khoảng tháng 7 đến tháng 8 âm lịch). Giá thu mua tại vườn những năm trước chỉ khoản 10.000 đến 12.000 đồng nhưng hiện nay đã lên đến 25.000 đồng/ký, cao nhất từ trước đến nay.

Bà Võ Thị Hoa, ngụ huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp phấn khởi nói : “ lúc trước nhà có 10 cây cà na mọc hoang cạnh mé sông, mỗi năm chỉ bán cho thương lái khoản 5 triệu đồng. Từ khi bán cho ông Hải về làm rượu cà na, mỗi năm thu nhập trên 20 triệu đồng. Với đà nầy nhiều người dân sẽ trồng nhiều hơn nữa vì nghe nói có nhiều người cũng đang chuẩn bị làm rượu cà na, từ đó giá sẽ tăng hơn”.

Với cách làm nầy, không những mang lại cho gia đình ông Bành Thanh Hải nguồn lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm mà còn tăng thu nhập đáng kể cho nhiều hộ trồng Hồng Quân, Cà Na. Đây còn là sản phẩm đã đạt tiêu chí sản phẩm công nghiệp nông thôn tỉnh An Giang năm 2015.

Anh Hải mong muốn: “ Các ngành hữu quan giúp tôi nhiều hơn về vốn vay, mở rộng thị trường quảng bá, tiếp cận khách hàng kể cả ngoài nước để sản phẩm Hồng Quân, Cà na có mặt tại các thương trường để giới thiệu sản phẩm kỳ tửu Chi Lăng mang tên Thiên Cấm Sơn đến với người tiêu dùng.

TRƯƠNG THANH LIÊM

Nguồn TH&PL: http://thuonghieuvaphapluat.vn/dac-san-dat-chi-lang-101678