'Đặc sản' chè cổ thụ Shan tuyết hàng trăm năm tuổi

Ngày 16-2-2016, 400 cây chè Shan tuyết cổ thụ tại xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn (Yên Bái) được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam trao bằng công nhận là Cây di sản Việt Nam. Đây không chỉ là sự tôn vinh giá trị độc đáo của chè Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng, mà còn hứa hẹn một tiềm năng, mở ra một hướng đi mới cho người dân địa phương.

"Đặc sản" chè cổ thụ Shan tuyết hàng trăm năm tuổi.

Sáu thôn bản của xã Suối Giàng như: Giàng A, Giàng B, Giàng Cao, Suối Lóp, Păng Cáng, Can Kỷ, Tập Lăng, đâu cũng bạt ngàn chè cổ thụ và chất lượng đều rất tuyệt. Từ những năm 60 của thế kỷ trước đã thống kê được có tới trên 80.000 cây chè từ 200 tuổi trở lên, còn những cây trăm tuổi thì nhiều vô kể. Viện sĩ K.M. Djemmukhatze, Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô, khi đến Suối Giàng nghiên cứu vào những năm 60 của thế kỷ XX đã phải thốt lên: "Tôi đã đi qua 120 nước có chè trên thế giới, nhưng chưa thấy ở đâu có nhiều cây chè lâu năm như ở Suối Giàng (!). Phải chăng đây là Tổ quốc của cây chè? Chè ở đây thật độc đáo, trong nước chè xanh có đủ 18 vị đầu đẳng của chè trên thế giới" (lời ghi trong sổ lưu niệm của xã Suối Giàng).

Nhiều nhà nghiên cứu khẳng định: "Chè Suối Giàng không có biểu hiện của sự di thực", điều đó càng củng cố thêm luận cứ: "Suối Giàng là Tổ quốc của chè thế giới". Chè cổ thụ Suối Giàng còn là "mẹ đẻ" 50% diện tích chè của cao nguyên Châu Mộc, góp phần quan trọng làm nên thương hiệu nổi tiếng chè Mộc Châu. Bây giờ, tuy nhiều cây chè cổ thụ không còn tồn tại nhưng hàng năm, sản lượng chè ở đây vẫn đạt con số không nhỏ: Hơn 500 tấn chè búp tươi. Trong thời gian tới, nếu huyện Văn Chấn có chiến lược phát triển bền vững và lâu dài thì chắc chắn Suối Giàng sẽ khởi sắc hơn nhiều.

Việc đầu tiên có lẽ là quảng bá thương hiệu chè Suối Giàng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Công việc này hoàn toàn khả thi và phù hợp với chiến lược phát triển cây chè Suối Giàng, bởi trước đó, tháng 5-2013, chè Suối Giàng đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp giấy chứng nhận theo Quyết định số 62700/QĐ/SHTT ngày 1-11-2012 và tỉnh Yên Bái đã xây dựng Dự án "Phát triển chè vùng cao giai đoạn 2016 - 2020", đồng thời được Hội đồng tỉnh Val de Marne (Cộng hòa Pháp) chấp nhận Dự án Hỗ trợ phát triển bền vững và gia tăng giá trị kinh tế thương hiệu chè Suối Giàng. Mục tiêu là cải tiến hệ thống quản lý và canh tác của nông hộ, đáp ứng các tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp hữu cơ và được tổ chức có uy tín trên thế giới cấp giấy chứng nhận "sản phẩm chè hữu cơ" và chứng nhận "thương mại bình đẳng" cho sản phẩm chè Suối Giàng.

Chè Suối Giàng từ lâu đã được giới sành trà bình phẩm là tuyệt hảo, bởi người sành trà đều thừa nhận, hương vị chè Suối Giàng rất độc đáo, không lẫn với bất kỳ loại chè nào. Bây giờ chỉ có một số cơ sở tư nhân quảng bá sản phẩm nhưng chưa đủ sức thu hút dư luận, dù có cả những cái tên tạo sự tò mò như: "Chè năm cực" (Cực khổ, cực ngon, cực đẹp, cực sạch và cực đắt) của Lê Quang Tùng. Khi các sản phẩm chè được tiêu thụ rộng khắp, đem lại nguồn thu nhập ổn định, phù hợp với giá trị của chè Suối Giàng và công sức của người dân thì người dân sẽ không quay lưng lại với cây chè. Việc phát triển vùng chè sẽ góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc của địa phương và có tác dụng bảo vệ rừng đầu nguồn.

Chè Shan tuyết cổ thụ ở Suối Giàng mọc tản mát, tự nhiên trong rừng, trên độ cao 1.400m so với mặt nước biển, sương mù bao phủ từ sáng đến trưa mới tan. Du khách bất ngờ khi được chiêm ngưỡng những cây chè cổ thụ to lớn, có nhiều cây, người ôm không kín được thân cây. Ngoài yếu tố giống, chất đất, tiểu vùng khí hậu, còn do dao động biên độ nhiệt trong ngày cùng độ ẩm tự nhiên, làm cho chè Suối Giàng có chất lượng tuyệt hảo.

Suối Giàng còn được gọi là Cổng Trời. Nơi đây có khí hậu trong lành, mát mẻ được ví như Sa Pa, Tam Đảo, chủ yếu là địa bàn sinh sống của đồng bào dân tộc Mông. Đường lên xã tuy ngoằn ngoèo, hiểm trở, nhưng đã được trải nhựa cho các loại xe lên tới trung tâm. Cảnh vật nơi đây vô cùng thơ mộng với hệ thống núi non ẩn hiện trong mây và vô số cây chè Shan tuyết cổ thụ, cùng với những thác nước hùng vĩ tạo nên, rất giàu tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và du lịch mạo hiểm...

Chè Shan tuyết cổ thụ tại xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn (Yên Bái) được công nhận là Cây di sản Việt Nam còn mở ra hướng đi mới cho hoạt động du lịch. Bên cạnh những hoạt động du lịch đã có như "Tuần văn hóa du lịch Suối Giàng" với nhiều hoạt động như: Lễ cúng cây chè tổ, nẩy pao, múa khèn... cần nghiên cứu mở ra hướng mới như: Du lịch cộng đồng, tham quan những cây chè cổ thụ, thưởng thức hương vị chè cổ thụ Suối Giàng ngay trên quê hương của chè...

Muốn làm được những điều đó một cách có hiệu quả nhất cần xây dựng những điều kiện thích hợp: Đường đi tới thôn bản, không gian văn hóa dân tộc và không gian văn hóa chè, ứng xử của người dân với cây chè và hoạt động du lịch, cùng những kỹ năng tổ chức và tham gia hoạt động du lịch.

Trần Vân Hạc

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/dac-san-che-co-thu-shan-tuyet-hang-tram-nam-tuoi/