Đặc sắc triển lãm mỹ thuật 'Than và đá'

'Than và đá' là tên triển lãm mỹ thuật của 2 họa sĩ Lê Quảng Cương và Nguyễn Viết Quang, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, đang diễn ra tại tầng 1 trụ sở Hội VHNT Quảng Ninh (số 90, Lê Thánh Tông, TP Hạ Long). Triển lãm đã đem đến cho người xem cái nhìn mới mẻ về mỹ thuật và ghi dấu những sáng tác mới của 2 họa sĩ về đề tài Quảng Ninh và chất liệu Quảng Ninh.

Lãnh đạo Hội Văn học nghệ thuật Quảng Ninh và các tác giả cắt băng khai mạc triển lãm.

Lãnh đạo Hội Văn học nghệ thuật Quảng Ninh và các tác giả cắt băng khai mạc triển lãm.

Họa sĩ Phạm Hùng Cường, Trưởng Ban Sáng tác và công bố tác phẩm, Hội VHNT Quảng Ninh, cho biết: Triển lãm là hoạt động chào mừng thành công Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, kỷ niệm 57 năm Ngày thành lập tỉnh, 30/10 (1963 - 2020). Đây cũng là cơ hội để giới mỹ thuật có dịp tụ về không gian triển lãm của Hội để cùng nhau tổ chức một sự kiện rất có ý nghĩa; cũng là dịp để giới họa sĩ gặp gỡ, trao đổi tổ chức nhiều hoạt động sáng tạo.

"Bác Hồ về thăm công nhân mỏ"- Phù điêu than của họa sĩ Nguyễn Viết Quang.

Đây là triển lãm nhóm lần thứ hai của nhà điêu khắc Nguyễn Viết Quang. Ông sinh ra trong một gia đình có nghề truyền thống làm điêu khắc than đá mỹ nghệ. Cả gia đình ông gồm bố mẹ và các anh đều từng công tác tại Công ty Mỹ nghệ - Mỹ thuật Quảng Ninh.

Cha của ông là nhà điêu khắc Nguyễn Viết Vĩnh, được anh em hoạt động nghệ thuật Quảng Ninh biết đến với những tác phẩm điêu khắc than xuất sắc ở các kỳ triển lãm.

Vốn ham mê điêu khắc từ nhỏ, lại được sự dạy bảo ân cần từ người cha nên Nguyễn Viết Quang đã làm quen với điêu khắc than đá từ rất sớm. Nhà điêu khắc Nguyễn Viết Quang đã có một số tác phẩm được đánh giá cao. Nổi bật là tác phẩm “Chợ phiên”.

Bức tượng lấy hình tượng người mẹ đang địu con nhỏ đi chợ. Các mảng khối của tượng được thể hiện hài hòa, tình cảm mẹ con được tác giả diễn tả thông qua cách địu con phía trước ngực, tạo được sự ấm áp của tình mẹ con trên đường đi chợ vùng cao.

Hay như bức tượng “Trở về”, qua hình tượng người mẹ đón nhận người con trở về sau cuộc chiến khốc liệt của chiến tranh, nay về trong vòng tay yêu thương của người mẹ, tác giả đã lột tả được vẻ đẹp bình dị của tình mẹ thông qua cách thổi hồn vào từng chi tiết của tượng.

Năm 2008, nhà điêu khắc Nguyễn Viết Quang cùng họa sĩ Hoàng Minh Giám tổ chức triển lãm mỹ thuật chung tại Hội VHNT Quảng Ninh. Tại cuộc triển lãm này, riêng nhà điêu khắc Nguyễn Viết Quang có 35 tác phẩm tượng, đều là những tác phẩm được sáng tác mới trong khoảng thời gian đó. Triển lãm đã tạo tiếng vang trong dư luận, được giới mỹ thuật đánh giá cao là có sự tìm tòi mới.

Sau đó, 2 tác phẩm “Trở về” và "Chợ phiên” đã được giới thiệu tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc. Tiếp đến, ông có tác phẩm “Gieo hạt” chất liệu than đá thể hiện một cô gái dân tộc đang vung tay gieo những hạt ngô được để trong chiếc gùi khoác bên mình. Đây là tác phẩm được lọt vào triển lãm 10 năm điêu khắc toàn quốc năm 2013.

Một số tác phẩm của nhà điêu khắc Lê Quảng Cương.

Không chỉ sáng tác với chất liệu than đá như Nguyễn Viết Quang, nhà điêu khắc Lê Quảng Cương sáng tác đa dạng hơn. Ông sinh năm 1950, tại TP Móng Cái. Khi đi chiến đấu ở mặt trận phía Nam, ông đã bước vào làng mỹ thuật Việt Nam bằng nhiều tranh ký họa. Tốt nghiệp hệ trung cấp Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp năm 1982, Lê Quảng Cương về Quảng Ninh công tác.

Nhà điêu khắc Lê Quảng Cương giới thiệu một số tác phẩm của mình.

Ông đã được kết nạp vào Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 2013. Các tác phẩm chính của Lê Quảng Cương gồm: “Đua thuyền” (triển lãm ở Cộng hòa Dân chủ Đức), “Khát vọng” (chất liệu đá, được chọn treo tại Triển lãm kỷ niệm 5 năm Mỹ thuật toàn quốc), “Chợ tình” (đá), “Trường tồn” (chất liệu đá), “Gieo hạt” (chất liệu tổng hợp, được triển lãm kỷ niệm 10 năm chuyên ngành điêu khắc toàn quốc), “Sướng và khổ” (chất liệu đá xanh), “Đẩy gậy” (chất liệu tổng hợp) v.v..

Triển lãm mỹ thuật “Than và đá” là triển lãm nhóm đầu tiên của nhà điêu khắc Lê Quảng Cương. Triển lãm đã giới thiệu đến người xem 88 tác phẩm tranh và tượng được 2 họa sĩ sáng tác bằng tâm huyết và cảm xúc của mình về hình sông, dáng núi, con người Quảng Ninh. Trong số những tác phẩm này, có nhiều bức đã được trao giải, được triển lãm tại các cuộc thi, liên hoan mỹ thuật ở khu vực đồng bằng sông Hồng và toàn quốc.

Các tác phẩm đều phong phú về đề tài nội dung và chất liệu thể hiện, đặc biệt là các đề tài nông thôn, về gia đình, về đồng bào các dân tộc Quảng Ninh. Trong đó, 44 tượng được sáng tác từ chất liệu than đá đã tạo ra nhiều ấn tượng tốt đẹp cho người xem.

Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng, tác giả công trình cầu Rồng ở Đà Nẵng, nhận định: Đây là một triển lãm hết sức đặc biệt khi tập trung vào những đề tài Quảng Ninh bằng chất liệu than đá độc đáo ở Quảng Ninh. Tôi đã đi xem nhiều triển lãm trong nước nhưng chưa thấy ở đâu mà Hội VHNT cấp tỉnh lại tổ chức được một triển lãm ấn tượng trong một không gian trưng bày đẹp như thế này.

Phạm Học

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/van-hoa/202011/dac-sac-trien-lam-my-thuat-than-va-da-2509199/