Đặc sắc phiên chợ miền biên viễn xứ Thanh

Khi đêm còn đậm đặc, cả vùng biên giới Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa vẫn chìm đắm trong màn sương thì người dân khắp các bản đã thức dậy sửa soạn đi chợ. Chợ biên giới Nhi Sơn cả tháng chỉ họp một phiên duy nhất vào ngày 15 âm lịch và kéo dài hết ngày. Bởi vậy, ai ai cũng háo hức trông chờ.

Chợ Nhi Sơn.

Chợ phiên Nhi Sơnkhông có cổng, cũng chẳng có tường rào, chợ họp ngay bên đường, trên khoảnh đất rộng chừng dăm bảy trăm mét, bám lấy mặt đường và nhìn xuống vực sâu. Dù địa thế của khu chợ có vẻ chông chênh, nhưng đối với những người dân vùng biên cương, đây vẫn là địa điểm lý tưởng để họ họp chợ, trao đổi và mua bán mọi thứ. Khu chợ biên giới Nhi Sơn chắc chắn không thể sánh với chợ vùng biên Na Mèo vốn đã nổi tiếng khắp vùng nhờ lượng hàng hóa phong phú và sự giao thương sầm uất, thân tình giữa các bản Việt - Lào dọc hai bên biên giới. Nhưng chợ Nhi Sơn vẫn có cái thú và sự đặc sắc riêng.

Chúng tôi lên tới chợ thì đã non trưa, chợ ken kín người và vô cùng náo nhiệt. Dù chợ không lớn, nhưng quan sát một lượt cũng thấy đủ các loại hàng hóa thiết yếu được bày bán. Lúi húi sắp xếp lại sạp rau củ xanh mởn, những người phụ nữ trong trang phục các dân tộc tươi cười khi tôi hỏi mua hàng. Họ mang những thứ rau củ do nhà trồng trong vườn và trên nương đem ra chợ bán. Vì chợ chỉ họp mỗi tháng một lần nên có bao nhiêu sản phẩm làm ra, họ đều dành chờ ngày xuống chợ, vừa bán kiếm thêm tiền, vừa để gặp gỡ, trò chuyện với mọi người.

Tôi đặc biệt chú ý đến các loại nông sản của vùng sơn cước. Khắp cả khu chợ người ta bày bán đủ loại rau củ khác nhau như rau rừng, măng, rau cải, hạt mắc khén... Một chị bán hàng người Tày cầm lên mấy củ khoai mán còn lấm lem đất khoe với tôi: “Khoai nhà trồng đấy, mới đào chiều qua thôi, cứ mang cái này về xuôi mà ăn, không có thuốc đâu”. Còn anh con trai bán dao thì cứ dúi con dao vào tay tôi mà rằng: "Dao này của mình rèn, sắc lắm đấy, cắt rau, cắt thịt đều đứt hết, nó còn cắt được cả củi nữa đấy, mua thì mình bán cho, thật mà..."

Khu bán hàng ăn chiếm một phần diện tích khu chợ và luôn đông khách, phần lớn là đàn ông. Có lẽ chơi chợ là cái cớ phù hợp để đàn ông nơi đây cùng nhau ngất ngây bên chén rượu và những món ăn bốc khói nóng hôi hổi. Thịt ngựa, thịt trâu và cả thịt lợn sôi sùng sục trên các chảo, và món chân gà ướp gia vị nướng trên than hồng thơm dậy cả một góc chợ. Rồi thì các loại bánh, bún, cháo, cá nướng... thu hút rất nhiều khách ăn. Ở phiên chợ này, nếu khu bán hàng ăn luôn đông thực khách là đàn ông, thì những gian bán quần áo, đồ trang sức lại đặc biệt thu hút phụ nữ, trẻ em và nhất là các cô gái trẻ. Không chỉ có các bộ váy Mông sặc sỡ màu sắc hay những tấm vải dệt hoa văn của dân tộc Thái, chợ còn hàng chục gian hàng quần áo trẻ em, người lớn và chăn, ga, gối, đệm đặc trưng của người Kinh. Sự bắt mắt của các loại hàng hóa này không chỉ bởi màu sắc, kiểu dáng đa dạng, mà còn ở giá tiền khá rẻ. Những cô gái trẻ vừa địu con trên lưng, vừa hăm hở ngắm nghía, lựa chọn, nâng lên đặt xuống các loại quần áo trẻ em được dệt bằng sợi tổng hợp. Hỏi họ vì sao lại chọn mặt hàng này, đa phần đều đưa ra lý do là rẻ, đẹp và dễ mặc.

Có điều đáng chú ý là bên cạnh nhiều chàng trai, cô gái dân tộc diện quần áo phổ thông, thì đa số các bà vẫn xuống chợ với trang phục truyền thống sặc sỡ và đẹp mắt. Đó cũng có thể là thói quen khó bỏ hoặc tuân theo cách ăn mặc truyền thống. Nhưng dưới góc độ một tín hiệu văn hóa để phân biệt giữa các tộc người, thì trang phục truyền thống vẫn là một nét đẹp văn hóa rất cần được bảo lưu, gìn giữ.

Ở một góc chợ người ta để dành một bãi đất trống khá rộng, là nơi trai gái chơi trò ném còn. Đứng đối diện nhau hai bên cây cột là đám đông con trai con gái, thi nhau ném qua ném lại quả còn có cái đuôi ngũ sắc bay phấp phới. Mỗi lần quả còn được ném qua vòng tròn là cả người chơi và khán giả lại hò reo mừng rỡ.

Cứ thế, niềm vui của họ lan cả sang những kẻ “ngoại đạo” là chúng tôi, dù chẳng thể hiểu được ý nghĩa hay giá trị hàm xúc nào được giấu sau thành quả ấy. Chỉ biết rằng, khi niềm vui được lan tỏa thì những người xa lạ dường như cũng dễ gần nhau hơn. Bỗng nhiên tôi cảm thấy thêm yêu mến cảnh vật nơi đây, yêu mến cái khu chợ xa xôi miền biên giới xứ Thanh và cảm thấy rất đỗi gần gũi với những con người chất phác đôn hậu nơi đây. Bước chân ra về, tôi thầm hẹn sẽ có ngày gặp lại cái khu chợ lạ kỳ đã bắt đầu thấy thân quen.

Đào Nguyên

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/dac-sac-phien-cho-mien-bien-vien-xu-thanh-d125951.html