Đặc sắc những ngôi đền thờ danh tướng Trần Khát Chân ở xứ Thanh

Thượng tướng Trần Khát Chân là người làng Hà Lãng, huyện Vĩnh Ninh (nay là huyện Vĩnh Lộc), được lịch sử ghi nhận có công dẹp giặc Chiêm Thành, giữ yên bờ cõi. Tuy nhiên, cuộc đời ông gắn liền với giai đoạn lịch sử có nhiều biến động, Nhà Trần suy vi, quyền lực rơi vào tay Hồ Quý Ly. Ông cùng với một số người đã lên kế hoạch mưu sát Hồ Quý Ly, nhưng mưu sự bất thành, 370 người, trong đó có ông đã bị giết hại. Ông được mai táng dưới chân núi Đốn (Đún), Vĩnh Lộc. Ngưỡng mộ tài đức của ông, nhiều nơi trên địa bàn Thanh Hóa đã lập đền thờ.

Di tích lịch sử - văn hóa và kiến trúc nghệ thuật Đền thờ Trần Khát Chân (xã Vĩnh Thịnh, Vĩnh Lộc).

Những ngôi đền thờ Trần Khát Chân trên vùng đất Tây Đô

Di tích lịch sử - văn hóa và kiến trúc nghệ thuật Đền thờ Trần Khát Chân (xã Vĩnh Thịnh, Vĩnh Lộc) được xây dựng từ thời Lê, khoảng thế kỷ XVII - XVIII, có kiến trúc bao gồm: Hậu điện, trung đường, tiền đường.

Ngoài giá trị về mặt lịch sử - văn hóa, Đền còn mang đậm giá trị về mặt kiến trúc, nghệ thuật, được bảo tồn tương đối nguyên vẹn với với nhiều đường nét chạm trổ, họa tiết, hoa văn đẹp, sắc nét.

Trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, đến nay đền vẫn lưu giữ được nhiều hiện vật cổ như lư hương, chân đèn, chân nến, hương án, các đạo sắc phong, tượng gỗ, nghê gỗ…

Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia đền thờ Trần Khát Chân tại xã Vĩnh Thành (nay là thị trấn Vĩnh Lộc)

Trên địa bàn xã Vĩnh Thành (nay là thị trấn Vĩnh Lộc), cách Thành Nhà Hồ về phía Đông Nam khoảng hơn 2 km, Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia đền thờ Trần Khát Chân yên bình nép mình dưới tán cây xanh mướt mát.

Ngôi đền thiêng có kiến trúc bao gồm: Nghinh môn, tiền đường, trung đường và hậu cung; ngoài ra còn các công trình phụ khác… Trong đó, hậu cung được xây dựng theo kiến trúc “thượng sàng hạ mộ”.

Không chỉ thu hút, hấp dẫn du khách từ nét đẹp trong nghệ thuật kiến trúc, hàm chứa giá trị lịch sử, văn hóa, đền thờ nơi đây còn rợp bóng mát từ cây cổ thụ, trong đó có 7 cây cổ thụ đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản Việt Nam.

Đền thờ Tô Hiến Thành, Trần Khát Chân (thường gọi là nghè Vĩnh Gia) trên đất chèo Hoằng Phượng, Hoằng Hóa

Đền thờ Tô Hiến Thành, Trần Khát Chân (thường gọi là nghè Vĩnh Gia, xã Hoằng Phượng, Hoằng Hóa) được xây dựng từ thế kỷ XVI trên gò đất hình đầu rồng, thường gọi là cồn Tai Long. Trong đền thờ ba vị là: Đức thánh cả Tiên Hiền Thiên Tôn, Thái sư Tô Hiến Thành và Kim Ngô Long Hổ Lưỡng vệ thượng tướng quân Trần Khát Chân.

Đền thờ Tô Hiến Thành, Trần Khát Chân (thường gọi là nghè Vĩnh Gia, xã Hoằng Phượng, Hoằng Hóa)

Đặc sắc nhất của Đền thờ Tô Hiến Thành, Trần Khát Chân (thường gọi là nghè Vĩnh Gia) trên đất chèo Hoằng Phượng chính là việc lưu giữ được 29 đạo sắc phong của các triều đại phong kiến phong tặng cho các vị thần được thờ tự tại nơi này. Đây là di tích lịch sử, văn hóa quý, nguồn tư liệu nghiên cứu về lĩnh vực Hán - Nôm khá phong phú.

Việc được thờ tự tại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã thể hiện tình cảm yêu mến, kính trọng, tri ân sâu sắc mà người dân dành cho Thượng tướng quân Trần Khát Chân.

Không chỉ là các địa điểm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, tham quan, du lịch tiêu biểu của địa phương, những ngôi đền thờ này góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ trẻ.

Hoàng Linh

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/diem-den-xu-thanh/dac-sac-nhung-ngoi-den-tho-danh-tuong-tran-khat-chan-o-xu-thanh/19805.htm