Đặc sắc nghi lễ cầu mưa thôn Hiềng

Nghi lễ cầu mưa là hình thức sinh hoạt văn hóa không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân thôn Hiềng, xã Kỳ Tân (Bá Thước). Nghi lễ không chỉ thể hiện khát vọng ấm no, mưa thuận gió hòa, mà còn thông qua các yếu tố tâm linh để khuyên răn, nhắc nhở về bổn phận, trách nhiệm của mỗi người đối với cộng đồng.

Bà Mế cùng đội hát múa đến từng hộ gia đình thông báo thôn sẽ tổ chức Lễ hội cầu mưa. Ảnh: tư liệu

Cộng đồng dân tộc Thái thôn Hiềng sống quần cư bên những dòng suối, thung lũng. Từ xưa, do canh tác nông nghiệp chủ yếu dựa vào thiên nhiên, nên họ quan niệm vạn vật hữu linh và mọi hoạt động trong đời sống hàng ngày đều do thần linh sắp đặt. Do vậy, mỗi khi hạn hán kéo dài, người Thái ở thôn Hiềng lại tổ chức nghi lễ cầu mưa.

Theo lời kể của các cụ cao niên, nghi lễ cầu mưa của người dân thôn Hiềng diễn ra từ 1 đến 2 ngày. Chủ lễ là người phụ nữ góa bụa, có uy tín trong cộng đồng dân cư, được người dân gọi là bà Mế. Để chuẩn bị, bà Mế chọn những người phụ nữ khỏe mạnh, biết hát, biết múa cùng tham gia làm lễ. Khi màn đêm buông xuống, đoàn người thực hiện nghi lễ đi đến từng nhà trong thôn, đứng dưới chân cầu thang, cất vang lời hát cầu mưa: “Ủa lủng ơi ủa lang. Tôi đến xin đồ về làm lễ. Nhà này nhà tốt bụng. Có cái gì cũng cho. Không cho ta không đi. Không cho ta không đòi. Ngày mai ta lại tới. Ngày kia ta lại về. Về xin trời tuôn nước xuống làng bản. Về xin trời tuôn nước xuống làm ăn. Làm ruộng làm chân mạ. Làm chân mạ Nà On. Làm chân đồng nà cạn. Men gác bếp hun khói. Rồi cháy nắng cháy đen. Đàn ông đàn bà đòi đi tắm. Trời mưa đi mưa ơi"... Sau đó, gia chủ sẽ đưa sản vật sẵn có trong nhà như: gạo, rượu, gà, trứng... biếu và mang nước té vào đoàn hát.

Sau khi đi khắp lượt các nhà, đoàn người trở lại nhà bà Mế cùng mọi người trong thôn chuẩn bị đồ lễ, để đầu giờ chiều hôm sau ra suối Bo lập đàn cầu mưa. Lễ vật tế thần linh là những sản vật của các gia đình trong thôn tự nguyện quyên góp như: thủ lợn, thịt gà, xôi, rượu cần, hoa quả, 1 bát tiết canh lợn... Trước giờ làm lễ, mọi người trong thôn háo hức khoác lên mình bộ áo, váy mới cùng nhau mang lễ vật và các nhạc cụ trống, chiêng, khua luống ra bờ suối. Sau khi hoàn tất công việc chuẩn bị cho buổi lễ, bà Mế sẽ tiến hành đọc bài khấn, người đàn ông ở bên cạnh sẽ thổi nhạc theo lời bài khấn, các cô gái khấn phụ họa theo. Bài khấn gồm ba phần. Phần đầu, bà Mế sẽ mời thần linh xuống ăn cơm và nghe nỗi khổ của bà con trong thôn khi thiếu nước sinh hoạt, sản xuất: “Bởi vì bản tôi không có cái ăn. Bởi vì bản tôi đang kỳ hạn hán. Tôi đến xin nước trời làm mạ. Tôi đến xin nước trời làm mưa...”. Sau đó, bà Mế đọc lời mời thần linh uống nước, ăn trầu, cuối cùng là tiễn thần linh về trời.

Trong lúc bà Mế làm lễ, mọi người trong thôn sẽ tổ chức các trò chơi, trò diễn, như: bắt thuồng luồng, đánh cù, đánh mảng, đánh trống đất, thi vật, cưỡi ngựa tung khăn...

Những năm gần đây, Nhân dân thôn Hiềng không tổ chức nghi lễ cầu mưa nữa. Ông Hà Chuyên Cốt, thôn Hiềng cho biết: Ngoài Tết Nguyên đán, thờ cúng tổ tiên, nghi lễ cầu mưa của thôn Hiềng có từ lâu đời, là nét văn hóa truyền thống mang đặc trưng văn hóa dân tộc Thái, xã Kỳ Tân nói riêng và người Thái ở Bá Thước nói chung. Việc không tổ chức nghi lễ, khiến nhiều người cao tuổi như tôi cảm thấy tiếc nhớ.

Bà Mế cử hành các nghi thức trong Lễ hội cầu mưa. Ảnh: tư liệu

Ông Hà Văn Nguyệt, Chủ tịch UBND xã Kỳ Tân cho hay: Từ xa xưa, mỗi khi hạn hán, người Thái thôn Hiềng, xã Kỳ Tân lại tổ chức nghi lễ cầu mưa. Đây là tín ngưỡng văn hóa có từ lâu đời, nét văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc Thái xã Kỳ Tân. Gần đây nhất, năm 2014, được sự quan tâm của cơ quan chức năng, Nhân dân thôn Hiềng đã tổ chức nghi lễ cầu mưa thành lễ hội, thu hút đông đảo người dân trong xã tham gia. Tuy nhiên, những năm gần đây, hệ thống kênh mương nội đồng được xây dựng đã khắc phục tình trạng thiếu nước sản xuất, sinh hoạt, nên Nhân dân thôn Hiềng không còn tổ chức cầu mưa nữa. Vấn đề chúng tôi quan tâm là nếu không tổ chức thì các giá trị văn hóa đặc sắc sẽ bị thất truyền, giới trẻ lãng quên nét văn hóa truyền thống của ông cha. Vì vậy, trong thời gian tới, xã sẽ hỗ trợ kinh phí để thôn Hiềng tổ chức lễ hội này, nhằm mục đích giáo dục truyền thống văn hóa đối với thế hệ trẻ; thắt chặt tình đoàn kết giữa các hộ gia đình để người dân trong bản sống có trách nhiệm, cùng nhau hướng về nguồn cội và giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống.

Nghi lễ cầu mưa của người Thái, thôn Hiềng không chỉ thể hiện khát vọng cuộc sống ấm no mà còn khẳng định sự gắn kết, ràng buộc giữa con người và thiên nhiên. Nhìn ở góc độ khác, việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa của nghi lễ này còn góp phần giáo dục, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, cùng với đó, tạo sản phẩm du lịch độc đáo, góp phần thu hút du khách đến với huyện Bá Thước.

Ông Lò Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước, cho biết: Trong thời gian tới, huyện Bá Thước sẽ chỉ đạo xã Kỳ Tân căn cứ vào tình hình thực tế tổ chức Lễ hội cầu mưa. Việc tổ chức lễ hội này phải đảm bảo đúng các nghi lễ, tiết kiệm kinh phí. Huyện cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của Nhân dân trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc; tổ chức các lễ hội văn hóa truyền thống trên địa bàn... Từ đó, góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của ông cha để lại, xóa bỏ tập tục lạc hậu, nâng cao đời sống tinh thần, động viên, khích lệ người dân thi đua phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Xuân Anh

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/van-hoa/dac-sac-nghi-le-cau-mua-thon-hieng/20221.htm