Đặc sắc Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc thiểu số Việt Nam - Lào

Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc thiểu số các tỉnh vùng biên giới Việt Nam - Lào khu vực miền trung và Tây Nguyên năm 2019 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT và DL) và UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp tổ chức đã chính thức khai mạc tối 17-5, tại Quảng trường huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên - Huế).

Màn trình diễn hát múa Hà Nội - Viêng Chăn.

Màn trình diễn hát múa Hà Nội - Viêng Chăn.

NDĐT- Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc thiểu số các tỉnh vùng biên giới Việt Nam - Lào khu vực miền trung và Tây Nguyên năm 2019 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT và DL) và UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp tổ chức đã chính thức khai mạc tối 17-5, tại Quảng trường huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên - Huế).

Tham dự có các đồng chí: Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng VH, TT và DL; Bua-ngân Xa-phu-vông, Thứ trưởng Thông tin, Văn hóa và Du lịch CHDCND Lào; Bùi Thanh Hà, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy và Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu QH tỉnh cùng đại diện các cơ quan quốc tế, lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong khu vực và hàng nghìn người dân, du khách thập phương.

Ngày hội có sự tham gia diễn xuất của hơn 600 nghệ sĩ, nghệ nhân, diễn viên đến từ các đoàn nghệ thuật tại năm tỉnh Kon Tum, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế, cùng các đoàn nghệ thuật của bốn tỉnh: Át-ta-pư, Sê-kông, Sa-va-na-khẹt và Sa-la-van (Lào). Hàng vạn khán giả, khách du lịch trong và ngoài nước đã đến thưởng thức những tiếc mục âm nhạc đặc sắc, giàu truyền thống dân tộc, thấm đẩm tình hữu nghị Việt Nam - Lào.

Những điệu múa truyền thống của các nghệ sĩ đến từ đoàn nghệ thuật của nước bạn Lào.

“Việt Nam - Lào hai nước chúng ta/Tình sâu hơn nước Hồng Hà Cửu Long”. Chương trình mở đầu bằng bài hát “Tình ca Việt - Lào”, một lần nữa khẳng định mối quan hệ đoàn kết, gắn bó thủy chung giữa hai dân tộc Việt Nam - Lào. Trải qua các cuộc kháng chiến, đồng bào các dân tộc hai nước sống dọc dãy Trường Sơn đã viết nên những trang sử vẻ vang về truyền thống đấu tranh giữ nước.

Các nhạc phẩm trình bày tại lễ khai mạc như: “Bác Hồ một tình yêu bao la”, “Hát múa: Hà Nội - Viêng Chăn”,“Cô gái Sầm Nưa; “Bác Hồ một tình yêu bao la”, “Người con gái Pa-Cô”, “Mừng lúa mới”… đã đưa nhân dân hai nước Việt Nam - Lào ôn lại truyền thống cách mạng, tình đoàn kết hữu nghị keo sơn thắm thiết. Hình ảnh cô gái dân tộc ở vùng núi rừng Trường Sơn anh hùng trong thời chiến, hăng say lao động trong thời bình; những điệu múa hát truyền thống đặc sắc của các nghệ sĩ đến từ nước bạn Lào... cùng những bộ sưu tập thời trang từ chất liệu Dèng của nhà thiết kế Minh Hạnh được các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng trình diễn khá sôi động với những sắc màu văn hóa truyền thống độc đáo.

Ấn tượng vẫn là những điệu múa của các nghệ sĩ, diễn viên của các đoàn nghệ thuật đến từ hai nước Viêt Nam - Lào.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Thứ trưởng VH, TT và DL Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh: “Ngày hội nhằm tôn vinh, giới thiệu và quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của cộng đồng các dân tộc. Đồng thời, tăng cường tình hữu nghị, đoàn kết, hợp tác và giao lưu văn hóa giữa các tỉnh vùng biên giới hai nước Việt Nam - Lào trong công cuộc hội nhập và phát triển”.

“Đến với ngày hội, chúng ta được cảm nhận những giai điệu dân ca, dân vũ và được chiêm ngưỡng nét đẹp của những bộ trang phục truyền thống, được chung vui, hòa mình vào những trích đoạn lễ cưới truyền thống, được trải nghiệm với không gian trình diễn dệt thổ cẩm, cùng hào hứng cổ vũ cho các môn thể thao truyền thống và nhiều hoạt động du lịch phong phú, hấp dẫn”, bà Trịnh Thị Thúy cho biết.

Thứ trưởng VH, TT và DL Trịnh Thị Thủy phát biểu tại lễ khai mạc.

Ông Buangan Xaphuvong, Thứ trưởng Thông tin, Văn hóa và Du lịch nước CHDCND Lào khẳng định: Mối quan hệ truyền thống vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Lào - Việt Nam thật hiếm có trên thế giới. Mối quan hệ giữa nhân dân hai nước được Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và Chủ tịch Kaysone Phomvihane, Chủ tịch Souphanouvong kính mến gây dựng, cùng các thế hệ lãnh đạo dày công vun đắp. Nhân dân hai nước chúng ta đã kề vai sát cánh bên nhau, cùng chung một chiến hào chiến đấu với kẻ thù chung trước đây và trong công cuộc bảo vệ và xây dụng phát triển đất nước hiện nay.

“Chúng tôi tin tưởng rằng, việc tổ chức Ngày hội lần này sẽ phát huy và tăng cường hơn nữa việc trao đổi văn hóa nghệ thuật giữa hai nước Lào - Việt Nam; vừa tăng cường thắt chặt hơn nữa tình đồng chí, anh em giữa hai dân tộc Lào - Việt Nam nói chung và giữa nhân dân khu vực có chung đường biên giới nói riêng”, ông Bua-ngân Xa-phu-vông nói.

Trình diễn các sản phẩm nghề dệt Zèng kết hợp biểu diễn thời trang từ những sản phẩm mới lạ độc đáo này.

Diễn ra từ 17 đến 19-5 với chủ đề "Đoàn kết, hữu nghị và phát triển", Ngày hội giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc thiểu số các tỉnh vùng biên giới Việt Nam - Lào khu vực miền trung - Tây Nguyên năm 2019 là hoạt động nhằm tôn vinh, giới thiệu, quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của cộng đồng các dân tộc; đồng thời tăng cường tình đoàn kết hữu nghị, hợp tác và giao lưu văn hóa giữa các tỉnh vùng biên giới của hai nước Việt Nam - Lào trong công cuộc hội nhập và phát triển.

Trong khuôn khổ ngày hội còn có các hoạt động trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa, du lịch và di sản của các dân tộc vùng biên giới hai nước Việt Nam - Lào. Hàng loạt chương trình hấp dẫn sẽ diễn ra như: Trình diễn dệt vải thổ cẩm; các hoạt động thi đấu thể dục, thể thao, bắn nỏ, kéo co, bóng chuyền; trích đoạn lễ cưới truyền thống của đồng bào Pa-Cô (huyện A Lưới); Chương trình famtrip tham quan các địa điểm du lịch A Lưới; Liên hoan văn nghệ quần chúng và trình diễn trang phục truyền thống dân tộc; Không gian ẩm thực Huế và ẩm thực truyền thống các dân tộc huyện A Lưới; trình diễn Bộ sưu tập Dèng của nhà thiết kế Minh Hạnh...

CÔNG HẬU - ANH VIỆT

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/dong-chay/item/40232902-dac-sac-ngay-hoi-van-hoa-the-thao-va-du-lich-cac-dan-toc-thieu-so-viet-nam-lao.html