Đặc sắc Lễ hội Okphansa tại Thái Lan

Đất nước Thái Lan tươi đẹp luôn tràn ngập các ngày lễ Phật giáo trong năm. 95% dân số Thái Lan theo đạo Phật và có hơn 300.000 nhà sư đang sinh sống tại Thái Lan. Vì vậy, Lễ hội Okphansa (hay còn gọi là 'Mãn mùa chay') là một trong những lễ hội lớn nhất của người Thái.

Nhà sư Thái Lan thả đèn trong những ngày Lễ hội Okphansa. Ảnh: BT

Nhà sư Thái Lan thả đèn trong những ngày Lễ hội Okphansa. Ảnh: BT

Lễ hội Okphansa thường diễn ra vào những ngày đầu tháng 10, đánh dấu sự kết thúc của 3 tháng “kiêng” ra ngoài của giới tăng lữ. Theo đó, trong suốt 3 tháng mùa mưa tại Thái Lan, các nhà sư được yêu cầu phải ở lại trong chùa, hằng ngày thiền định, nghiên cứu giáo lý của Phật, cầu nguyện và dạy học. Vào thời xa xưa, trong những ngày này, các nhà sư không được phép rời khỏi đền chùa, tuy nhiên, ngày nay, hầu hết các nhà sư chỉ cần tránh không di chuyển xa trong thời gian này. Ngoài ra, các phật tử cũng được khuyến khích cầu nguyện, làm việc thiện nguyện...

Theo tích để lại, các nhà sư không đi lại trong 3 tháng mùa chay là bởi để tránh ảnh hưởng đến sinh vật, cỏ cây xung quanh. Do khi di chuyển qua các cánh đồng, rất có thể sẽ ảnh hưởng đến mùa màng của dân làng và nông dân, làm tổn thương côn trùng hoặc tổn hại đến sức khỏe của các nhà sư trong mùa mưa. Trong mùa chay, người dân sẽ thường xuyên đến thăm đền chùa trên khắp Thái Lan để tặng nến cho các nhà sư. Việc tặng nến nhằm giúp các nhà sư học tập, nghiên cứu khi tối trời và cũng là dịp để người dân tin rằng, tặng nến sẽ giúp họ có tương lai tốt đẹp, nhiều sức khỏe và tuổi thọ.

Cũng trong 3 tháng mùa chay, người dân sẽ tặng áo choàng cà sa lớn màu vàng cho các nhà sư. Đây cũng là thời gian để các thanh niên và đàn ông Thái Lan làm thủ tục xuất gia. Rượu bia sẽ không được phục vụ hoặc bán trong các nhà hàng, cửa hiệu trong thời gian này. Để thể hiện cam kết trong Phật giáo, một số người Thái Lan kiêng rượu bia hoàn toàn trong thời gian 3 tháng, những người khác kiêng thuốc lá hoặc ăn thịt.

Người dân Thái Lan mừng Lễ hội Okphansa với các món ăn ngon và tổ chức viếng thăm chùa chiền. Lễ hội còn diễn ra nhiều sự kiện, hoạt động truyền thống tại các tỉnh, thành phố trên khắp Thái Lan. Một số đền chùa đóng thuyền tre và trang trí bằng đèn, hoa và nến. Những chiếc thuyền chứa đầy lễ vật được thả trôi sông khi mặt trời lặn để cảm tạ thần sông đã cung cấp nước cho cuộc sống. Người dân còn tổ chức các cuộc đua thuyền sôi nổi tại các tỉnh thuộc vùng Đông Bắc Thái Lan.

Tại tỉnh Nong Khai, người dân được chứng kiến Lễ hội cầu lửa Naga với các quả cầu lửa xuất hiện từ dưới làn nước sâu bên bờ sông Mê Kông. Tỉnh Nakhon Phanom thu hút du khách gần xa nhờ lễ rước thuyền rực rỡ. Tỉnh Samut Prakan có lễ thả hoa sen xuống chiếc thuyền mang hình ảnh Phật để thể hiện sự tôn kính Phật giáo.

Đặc biệt, tỉnh Chonburi tổ chức hội đua trâu nổi tiếng “độc nhất vô nhị” trên thế giới vào dịp này. Vào buổi sáng sớm của ngày hội, người đua trâu sẽ diễu hành trên đường phố, sau đó cuộc đua bắt đầu vào khoảng 10 giờ sáng. Ngày hội đua trâu đã được tổ chức trong hơn 140 năm qua, đây được coi là di sản văn hóa nổi tiếng nhất của tỉnh ven biển Chonburi. Ngày hội được khởi xướng để bày tỏ lòng biết ơn đối với những con trâu đã vất vả cùng người nông dân làm việc đồng áng trong suốt cả năm.

Hà Thu

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/dac-sac-le-hoi-okphansa-tai-thai-lan/