Đặc sắc Lễ hội Katê của người Chăm

Katê là lễ hội hàng năm của đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn diễn ra vào tháng 7 theo lịch Chăm (khoảng tháng 10 dương lịch) để tưởng nhớ các vị thần mà cũng là những anh hùng dân tộc như Pô Klong Garai, Pô Pôme… và dâng lễ cúng tổ tiên với lòng thành kính cầu mong quốc thái dân an, mùa màng bội thu, gia đình bình an.

Cộng đồng người Chăm theo đạo Bàlamôn tại Ninh Thuận bước vào lễ hội Katê. Ảnh: Nam Anh

Cộng đồng người Chăm theo đạo Bàlamôn tại Ninh Thuận bước vào lễ hội Katê. Ảnh: Nam Anh

Lễ hội Katê năm nay được tổ chức từ ngày 8 đến ngày 10-10 tại thôn Hữu Đức, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Đây là lễ hội đặc sắc trong hàng chục lễ hội thường niên của đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn. Lễ hội không chỉ gắn với đền tháp cổ kính - nơi lưu giữ những giá trị kỹ thuật và mỹ thuật cao nhất của nền văn hóa Chăm mà còn gắn với lĩnh vực khác của văn hóa: đồ cúng tế, y phục, nhạc cụ; những bài thánh ca, ca ngợi các vị vua hiền có công với nước, với dân.

Mặc dù cộng đồng người Chăm chịu nhiều ảnh hưởng từ nền văn hóa Ấn Độ song lễ hội Katê lại biểu hiện một lối đi riêng, một thái độ tiếp thu văn hóa gắn với truyền thống văn hóa bản địa. Vì vậy mà các tháp Chăm - nơi hành lễ Katê đều gắn liền với tên của một ông vua có nhiều công lao với thần dân và được mọi người phong thành Thần như tháp: Pô Klong Garai, Pôrômê, Po Inư Nagar...

Lễ hội Katê diễn ra theo trình tự các bước đã có truyền thống từ xa xưa bao gồm các lễ: rước y trang, mở cửa tháp, tắm tượng thần, mặc y phục cho tượng thần và sau cùng là đại lễ. Lễ hội tại đền tháp do Ban tế lễ là các chức sắc đạo Bàlamôn gồm: thầy cả sư (Pô Dhia) làm chủ lễ, thầy kéo đàn Kanhi - hay còn gọi là thầy cò ke (Ôn Kadhar), bà bóng (Muk Payâu) dâng lễ và ông từ (Camưnay). Lễ vật dâng cúng gồm: 1 con dê, 3 con gà làm lễ tẩy uế đất tháp, 5 mâm cơm cúng có thịt dê, 1 mâm cơm với muối vừng, 3 ổ bánh gạo và hoa quả.

Các cổ vật trưng bày tại Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Chăm, Ninh Thuận. Ảnh: Nam Anh

Lễ hội Katê ở các làng Chăm diễn ra 1 hoặc vài ngày sau khi kết thúc lễ hội ở các tháp. Tại ngày hội Katê làng, khi đã chuẩn bị xong lễ vật, vào buổi sáng, người dân làm lễ cúng Katê ở Nhà Làng để cầu mong thần phù hộ cho dân làng bình an, khỏe mạnh và làm ăn phát đạt.

Khi lễ Katê làng kết thúc thì lễ Katê gia đình mới được bắt đầu. Mỗi gia đình, tùy theo điều kiện của mình mà mua sắm các vật phẩm và ăn mặc như Tết nguyên đán của người Kinh. Đây cũng là dịp ông bà, cha mẹ giáo dục con cháu nhớ ơn công lao sinh thành, giáo dưỡng của ông bà, tổ tiên... Lễ hội Katê là hình thức sinh hoạt đặc sắc nhất của đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn, thu hút tất cả mọi thành viên trong thôn làng ở mọi tầng lớp, lứa tuổi, không một người nào bị lãng quên. Mọi người tham gia với khả năng của mình vào các hoạt động của cộng đồng.

Cũng trong ngày 8-10, tại TP Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận), Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Chăm (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận) tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề Lễ hội Katê năm 2018 và ra mắt hiện vật của đồng bào dân tộc Chăm do các nhà sưu tầm cổ vật trong nước hiến tặng để bảo tồn và trưng bày tại Trung tâm từ nay đến cuối năm 2018.

Chuyên đề Lễ hội Katê năm 2018 tập trung giới thiệu các hiện vật như: Mẫu tượng thờ Mukha Linga, Pô Klong Girai; bò thần Nandin, Patil, Banal; mâm bồng; lư trầm; ống nhổ; hộp đựng trầu; trang phục các chức sắc; bộ nhạc cụ sử dụng trong lễ hội… Nhiều hình ảnh và hiện vật trưng bày gắn liền với lễ hội Katê, đồng thời có sự liên kết với đời sống văn hóa của đồng bào Chăm. Qua đó, phần nào tái hiện lại nét văn hóa đặc trưng của đồng bào để mọi người biết đến, cùng gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc. Từ năm 2010 đến nay, Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Chăm tỉnh Ninh Thuận được các nhà sưu tầm cổ vật hiến tặng trên 900 hiện vật quý mang nhiều chất liệu, nội dung khác nhau để lưu giữ và trưng bày.

Lễ hội Katê 2018 tại Bình Thuận đã chính thức bắt đầu bằng lễ Tống ôn tại di tích Tháp Chăm Pô Sah Inư Phú Hài. Ảnh: Nam Anh

Cùng với cộng đồng người Chăm ở Ninh Thuận, cộng đồng người Chăm theo đạo Bàlamôn ở Bình Thuận cũng đã bước vào Lễ hội Katê 2018 bằng lễ Tống ôn tại di tích Tháp Chăm Pô Sah Inư Phú Hài. Trong những ngày tiếp theo, cộng đồng người Chăm ở đây sẽ thực hiện các nghi lễ cúng Cầu an, nghinh rước trang phục nữ Thần Pô Sha Inư lên tháp chính; mở cửa Tháp, tắm bệ thờ Linga-Yoni, mặc trang phục và cúng mừng đại lễ.

Phần hội, giao lưu văn nghệ, biểu diễn nghề dệt, làm gốm truyền thống, tổ chức các trò chơi dân gian, thi đội nước vượt chướng ngại vật, ngậm chanh về đích, nhảy bao bố, thi cướp cờ, thổi kèn Saranai, đánh trống Paranưng... Tại Bình Thuận cộng đồng người Chăm với hơn 41.000 người; trong đó, đồng bào Chăm theo Bàlamôn giáo hiện có hơn 25.000 người, phân bố chủ yếu tại các huyện Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh...

Nam Anh

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/dac-sac-le-hoi-kate-cua-nguoi-cham/