Đặc sắc Lễ hội đánh cá Đồng Hoa

Đã trở thành thông lệ, hàng năm, cứ đến những ngày đầu tháng 5 âm lịch, người dân xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh lại háo hức chờ đón lễ hội đánh cá Đồng Hoa. Đây là ngày hội mang đậm màu sắc dân gian độc đáo, được tổ chức mỗi năm một lần, mang ý nghĩa khuyến nông, khuyến ngư, phát triển nông nghiệp, nông thôn. Lễ hội đánh cá Đồng Hoa còn được gọi là lễ hội đánh cá Vực Rào. Nơi được chọn tổ chức lễ hội là đầm Vực, có chiều dài hơn 1km với diện tích khoảng 30ha, nằm dưới chân dãy núi Hồng Lĩnh.

Người dân xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân và du khách thập phương tham gia lễ hội đánh cá Đồng Hoa. Ảnh: Hoài Thương

Người dân xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân và du khách thập phương tham gia lễ hội đánh cá Đồng Hoa. Ảnh: Hoài Thương

Ngày 5-5 âm lịch được chọn là ngày hội chính. Trong ngày này, các bậc cao niên trong làng lập bàn thờ đặt hương, hoa quả cúng tế Thành hoàng, bản thổ tại ngôi miếu cạnh đầm Vực. Sau khi làm lễ, sẽ có một hồi chiêng được đánh lên, rồi đích thân người đứng đầu làng sẽ hú một tiếng và cầm nơm xuống đầm úp cá khai mùa lễ hội. Ngay sau đó, tất cả mọi người trong làng, từ già trẻ gái trai đều ào xuống đầm để cùng nhau bắt cá. Người nơi đây quan niệm rằng, ai bắt được cá to hoặc nhiều cá thì sẽ gặp nhiều may mắn, mùa màng bội thu trong suốt năm ấy. Sau một ngày diễn ra lễ hội, người bắt được con cá to nhất sẽ được làng ban thưởng và con cá ấy được dùng làm đồ cúng dâng lên Thành hoàng làng nhân dịp tết Đoan ngọ.

Ngày nay, lễ hội đánh cá Đồng Hoa không còn giữ được nhiều tục lệ như cha ông xưa, nhưng người dân và chính quyền địa phương vẫn duy trì được những nét căn bản của nó. Cứ đến những ngày cuối tháng 4, đầu tháng 5 âm lịch, khi mùa màng đã thu hoạch xong, chính quyền địa phương cùng hàng nghìn người dân nơi đây lại nô nức vào hội. Thông thường, lễ hội được tổ chức vào ngày chủ nhật trung tuần tháng 5 âm lịch hàng năm để bà con xa quê có điều kiện về tham gia.

Hầu như nhà nào ở Xuân Viên cũng có sẵn các dụng cụ đánh bắt cá đa dạng về chủng loại: Lưới mắt to, mắt nhỏ, lưới quét, lưới thả, oi, bầu đựng cá, vó tôm, nơm, nhủi, đúa (rổ thưa mắt), gàu sòng, gàu dai... đặc biệt có những chiếc nơm với đường kính vòng miệng rộng cả mét truyền đời 3, 4 thế hệ trong gia đình và được gìn giữ như một báu vật. Những người già không còn tham gia lễ hội được thì ở nhà sửa sang ngư cụ cho con cháu và ôn lại kỷ niệm của những lễ hội năm xưa với sự hào hứng bất tận, tưởng chừng như họ đang dồn cá ào ào trên đầm Vực thuở nào.

Năm nay, Lễ hội đánh cá Đồng Hoa được tổ chức vào ngày 11-6. Từ tờ mờ sáng, hàng trăm người dân ở xã Xuân Viên đã chuẩn bị những chiếc nơm, vó, lưới đến Vực Rào để chuẩn bị đánh cá. Sau khi người dân đã tập trung khá đông, khoảng 7 giờ sáng, một cụ cao niên có uy tín trong làng hô to rồi cả làng cùng ào xuống vực đánh cá. Dòng người đánh bắt theo hàng, đi từ đầu đầm đến cuối đầm, ai cũng liên tục vung nơm, lưới, vừa đi vừa reo hò. Người dân sử dụng các dụng cụ đánh bắt cá rất đơn sơ như: Nơm, lưới, chài, vó, vợt... Tuyệt đối không ai sử dụng các dụng cụ hủy diệt như kích điện, chất nổ. Người nào bắt được cá to thì hú to lên báo hiệu cho mọi người biết; những người đi cùng đồng thanh reo hò cổ vũ, tạo nên không khí hết sức náo nhiệt.

Ông Trần Minh Quang, thôn Cát Thủy, xã Xuân Viên, hơn 60 tuổi, vẫn háo hức tham gia lễ hội cùng bà con. Ông nói: “Hôm nay, nhà tôi có 5 người có mặt ở đây từ sớm. Sau hơn 1 tiếng dầm mình dưới đầm, tôi đã bắt được 4 con cá chép nặng đến 3-4kg. Cá này rất ngon, chúng tôi sẽ chế biến món ăn, mời bà con làng xóm đến chung vui”.

Đến khoảng 10 giờ, khi mặt trời đã lên cao, cá trong oi mỗi người bắt đầu đầy, người dân mới lên bờ. Chỉ trong buổi sáng, người dân địa phương bắt được khoảng 250 con cá lớn, số cá nhỏ thì không kể hết. Năm nay cá ít hơn, nhưng bù lại, nhiều người đánh bắt được những con cá chép hay cá lóc nặng tới 4-5kg.

Đối với những người tham gia lễ hội, việc bắt được cá to hay nhỏ đối với họ dường như đã không còn quan trọng. Cái chính là họ đến đây để tận hưởng niềm vui và thỏa mãn sở nguyện được giao hòa với thiên nhiên, đồng ruộng; được tắm mình trong bầu không khí hân hoan của cộng đồng với nếp sinh hoạt thuần nông ở một vùng quê thanh bình no ấm, để sống lại những ký ức tuổi thơ bên đồng lúa, dòng sông.

Hoài Thương

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/dac-sac-le-hoi-danh-ca-dong-hoa/