Đặc sắc đám cưới của người Bố Y

Lễ cưới của người Bố Y thường được tổ chức vào ba tháng cuối năm, khi mà mùa màng, ruộng nương đã thu hoạch xong. Việc hỏi, mối qua lại phải đủ sáu lần và thời gian chuẩn bị cho đám cưới khá dài. Lễ cưới được diễn ra trong vòng bốn ngày, ngày thứ ba là ngày đại lễ đón cô dâu về nhà.

Tái hiện lễ cưới của đồng bào dân tộc Bố Y tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Tái hiện lễ cưới của đồng bào dân tộc Bố Y tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Quá trình mối hỏi (Khừ nầu)

Lễ cưới của người Bố Y được trải qua nhiều giai đoạn. Khi hỏi vợ cho con, cha mẹ nhờ hai bà có tư cách trong làng làm mối. Quá trình mối hỏi diễn ra trước đám cưới bao giờ cũng phải qua 6 lần.

Lần thứ nhất, nhà trai nhờ bà mối sang hỏi ý kiến nhà gái. Nếu gia đình nhà gái tỏ ý bằng lòng và nhận lời thì bà mối có trách nhiệm về thông báo cho gia đình nhà trai được biết để chuẩn bị cho lần gặp gỡ tiếp theo.

Lần thứ hai, sau khi nhận được tin về gia đình họ nhà gái do bà mối thông báo có ý tốt đồng ý việc gả con gái về làm dâu nhà mình. Gia đình nhà trai sẽ nhờ thêm một bà mối nữa để hỏi ý kiến chính thức của cô gái.

Lần thứ ba, nhà trai chọn một ngày tốt rồi cũng mời hai bà mối đến uống rượu và nhờ đến nhà gái hỏi xem họ lấy bao nhiêu lễ vật. Khi đến nhà gái, họ mổ gà để tiếp hai bà mối - nhà gái gồm bố mẹ, cô dâu và mời thêm một số ông bác, bà cô đến tham dự việc thách cưới.

Lần thứ tư (lần đến nhà gái để xin giảm lễ vật). Nếu nhà trai khó khăn thì hai bà mối thay mặt họ nhà trai xin giảm số lượng lễ vật mà nhà gái yêu cầu. Sau khi nhà gái đồng ý giảm bớt số lễ vật, hai bà mối sẽ về báo cáo với nhà trai để chuẩn bị cho lần gặp sau.

Lần thứ năm, nhà trai vẫn nhờ hai bà mối đại diện họ nhà trai để sang nhà gái xin lá số bản mệnh của cô dâu. Khi đi hai bà mối đem theo lễ vật mà nhà trai chuẩn bị bao gồm: Một con gà trống đỏ cho vào lồng dán giấy đỏ bên ngoài, một chai rượu trắng cũng dán giấy đỏ. Lễ vật này thể hiện mọi việc giữa nhà trai và nhà gái tiến triển tốt đẹp. Đây còn là lễ vật của nhà trai đem đến để báo cáo với tổ tiên bên nhà gái về việc xin lá số của cô dâu.

Đoàn rước dâu trong đám cưới.

Lần thứ sáu, cũng do hai bà mối đảm nhiệm, nhưng cùng đi còn có ông bố hoặc mẹ của chú rể. Lần này vừa thông báo ngày cưới, vừa để gặp gỡ giữa hai bên thông gia. Hai bên thống nhất giờ đại lễ, đồng thời nhắc lại về những lễ vật cần thiết với nhau.

Trong sáu lần đến nhà gái thì từ lần thứ hai đến lần thứ sáu hai bà mối đều được mời rượu trước lúc đi, đến nhà gái cũng được nhà gái mời rượu và trở lại nhà trai để thông báo ý kiến của nhà gái lại được nhà trai thết cơm rượu để cảm ơn. Nếu thiếu những bữa cơm rượu này, theo quan niệm của người Bố Y thì công việc sẽ không được thuận, trôi chảy.

Lễ cưới của người Bố Y

Hiện nay các nghi thức trong đám cưới của người Bố Y đã được lược giảm và tập trung vào ngày thứ ba. Chuẩn bị đón dâu, nhà trai phải chuẩn bị hai con ngựa tắm rửa sạch sẽ. Một con được trang trí đeo chuông đồng, vải đỏ, hoa đỏ ở đầu, dải vải đỏ từ đuôi đến yên ngựa, đeo gương và hoa ở trước trán ngựa, một chiếc gương ở phía sau. Trên yên ngựa đặt một chiếc chăn bông làm đệm và buộc vắt chéo hai mẩu gậy tre. Con ngựa này sẽ để cô dâu cưỡi trên đường từ nhà mẹ đẻ về nhà chồng, hai chiếc gương sẽ là bùa hộ mệnh bảo vệ cho ngựa khỏe mạnh để phục vụ cho đám cưới một cách an toàn. Con ngựa còn lại dùng để thồ hai chiếc hòm gỗ đựng đồ đạc, trang phục của cô dâu.

Đoàn nhà gái đưa dâu gồm tám người, hai người có phúc lộc, có tuổi tương đương với hai bà mối, anh trai của cô dâu để bế cô dâu lên và xuống ngựa, chị gái của cô dâu đi mang theo cơm nắm, bánh kẹo cho em, em gái của cô dâu để che ô cho chị cùng với hai bạn cùng lứa tuổi của cô dâu. Trên đường đưa dâu, nếu về gần đến nhà trai mà vẫn chưa đến giờ tốt thì đoàn phải nghỉ trên đường. Trong lúc nghỉ họ sẽ hát đối với nhau để chờ đến giờ vào nhà.

Trong đám cưới, nhà trai phải chuẩn bị hai con ngựa, 1 con để chở cô dâu về nhà chồng và 1 con để thồ đồ đạc, trang phục của cô dâu.

Khi dâu về đến cổng nhà chồng, bố mẹ, anh, chị, em ruột của chú rể phải tránh mặt không ai được nhìn cô dâu. Theo họ nếu mà nhìn cô dâu ngay lúc mới về thì sau này sẽ không gặp may. Cô dâu đứng trước bàn lễ vật. Thầy cúng đọc bài cúng “thùy thớ ma” và để cỏ ngô ra sau vạt áo của cô dâu và cho ngựa ăn luôn ở đó. Điều này vừa mang ý nghĩa cảm ơn công sức của nó đã phục vụ cô dâu, vừa mang ý nghĩa ăn mọi thứ bụi trần làm cho linh hồn cô dâu sạch sẽ khi về nhà chồng lại cũng có ý nghĩa diệt ma theo gấu áo cô dâu.

Sau nghi lễ này bà mối sẽ dẫn cô dâu vào nhà để lễ tổ tiên nhà chồng. Trong nhà, bàn thờ đã được thắp hương, nến, đèn và đồ cúng như buổi tối hôm trước chú rể tập cúng. Hai người lại quỳ vái ba lần trước bàn thờ như ban đầu với ý nghĩa cảm ơn tổ tiên, thần đất và tất cả các thần, ma tốt… đã về dự tiệc cưới của hai người.

Chỉnh trang lại trang phục cho cô dâu trước khi làm lễ ngoài sân để vào trong nhà lễ tổ tiên nhà chồng.

Sau khi lễ xong, chú rể sẽ bỏ chạy trốn cô dâu, vì không bỏ trốn thì sẽ bị bạn bè kéo nhốt vào buồng cùng vợ, như vậy sẽ không tốt cho cuộc sống sau này của hai vợ chồng. Cô dâu sẽ được bà mối đưa vào trong buồng và từ lúc này cho đến sáng hôm sau cô dâu không được ra ngoài. Nếu vi phạm điều này cô dâu sẽ không được về nhà mẹ đẻ vào ngày hôm sau.

Tối đó, cô dâu cùng em gái, chị gái ở trong buồng và ăn cơm nắm được mang đi từ nhà do mẹ đẻ của cô dâu nắm cho. Theo phong tục thì cô dâu không được ra ngoài và không được ăn cơm nhà chồng ngày hôm đó. Khi mang theo cơm cô dâu nhất định phải ăn gói cơm này, nếu quên mà không ăn sẽ bị coi là bất hiếu, không quý trọng bố mẹ đẻ.

Lễ lại mặt “Khử khé lênh”

Hết thời gian ba ngày cô dâu ở nhà mẹ đẻ, chú rể sẽ phải làm một mâm cơm thết để nhờ người đi đón cô dâu về. Việc phân công người đi lại mặt xảy ra ba trường hợp: Hai bà mối hoặc một bà mối, một chị gái họ của chú rể. Cũng có thể là một chị họ của chú rể và một bạn gái cùng tuổi cô dâu.

Chú rể không đi lại mặt, nhưng phải chuẩn bị một ít bánh kẹo để người đi đón cô dâu làm quà. Nhà gái sẽ mổ gà cúng tổ tiên báo chính thức việc cháu gái đi ở với chồng. Sau khi uống rượu người đại diện họ nhà trai xin phép đón cô dâu về với chồng.

Ths. Hoàng Tố Oanh

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/%C4%91%E1%BA%B7c%20s%E1%BA%AFc%20%C4%91%C3%A1m%20c%C6%B0%E1%BB%9Bi%20c%E1%BB%A7a%20ng%C6%B0%E1%BB%9Di%20b%E1%BB%91%20y-60955