Đặc nhiệm Mỹ có thể là mắt xích trong đường dây ma túy xuyên biên giới

Một lính đặc nhiệm Mỹ bị nghi là thành viên đường dây buôn bán ma túy trị giá hàng triệu USD từ Colombia vào Mỹ.

Binh sĩ Đơn vị đặc nhiệm số 7 tập đổ bộ hồi năm 2016. Ảnh: US Army.

Giới chức quốc phòng Mỹ cho biết lục quân nước này hồi giữa tháng 8 bắt một lính đặc nhiệm giàu thành tích vì tội vận chuyển hàng chục kg cocaine từ Colombia vào Mỹ trên một máy bay quân sự. Tuy nhiên, đây có thể chỉ là một mắt xích nhỏ trong đường dây buôn ma túy xuyên quốc gia, theo Business Insider.

Người bị bắt được xác định là trung sĩ Daniel Gould thuộc Đơn vị đặc nhiệm số 7 lục quân Mỹ, đóng quân tại căn cứ liên hợp Eglin. Đây là đơn vị tham gia nhiều chiến dịch chống ma túy tại các quốc gia Nam Mỹ. Bản thân Gould từng tham chiến tại Afghanistan và được trao Huân chương Sao bạc, phần thưởng cao quý thứ ba trong lục quân Mỹ, vì thành tích đánh trả một cuộc phục kích của phiến quân Taliban năm 2008.

Vụ bắt Gould diễn ra ngày 13/8, sau khi một lính đặc nhiệm phát hiện hai chiếc túi lạ trên chiếc máy bay quân sự chuẩn bị cất cánh từ Colombia về bang Florida, Mỹ. Cục Phòng chống Ma túy Mỹ (DEA) sau đó đã phát hiện và tịch thu hơn 40 kg cocaine trong hai chiếc túi này.

Một tuần trước đó, Gould xin nghỉ phép để du lịch tại thành phố Cali, tây nam Colombia và trở về Mỹ khi số ma túy bị phát hiện. Quan chức quốc phòng Mỹ khẳng định Gould không phải người trực tiếp mang túi lên máy bay, nhưng không tiết lộ liệu người mang túi có trực tiếp tham gia đường dây buôn lậu ma túy hay không.

Các đặc vụ DEA đang điều tra Gould làm gì tại Colombia trong một tuần nghỉ phép, ai là đồng phạm với anh ta và trung sĩ đặc nhiệm này có phải mắt xích trong đường dây vận chuyển ma túy xuyên quốc gia gồm nhiều quân nhân Mỹ hay không.

Cảnh sát Colombia kiểm tra lượng lớn ma túy bị phát hiện hồi năm 2015. Ảnh: Reuters.

DEA cũng đang xác định liệu Gould có biết mình đang vận chuyển cocaine vào lãnh thổ Mỹ hay không. Ban đầu, Gould định rời Colombia trên một chuyến bay dân sự vào ngày 12/8, qua thành phố Miami rồi đến căn cứ Walton Beach gần sân bay Eglin. Tuy nhiên, anh ta bất ngờ thay đổi lộ trình đến Pensacola, bang Florida, địa điểm cách căn cứ Walton Beach một giờ lái xe, dường như vì Gould biết số ma túy đã bị phát hiện.

Các nhà điều tra không loại trừ khả năng Gould có liên hệ tới một mạng lưới vận chuyển ma túy bị phanh phui từ năm 2011. Nó bị phát giác sau vụ bắt giữ Lemar Burton, thủy thủ hải quân Mỹ mang theo 5 kg ma túy từ Colombia đến châu Âu. Đây là mạng lưới xuyên quốc gia, chuyên đưa ma túy từ các sân bay ở thành phố Cali và Bogota đến châu Âu. Ngoài Burton, nhiều công dân Mỹ cũng bị bắt vì liên quan tới đường dây này.

Điểm chung giữa Burton và Gould là số ma túy họ vận chuyển đều có nguồn gốc từ Buenaventura và Tumaco, hai khu vực sản xuất chất gây nghiện lớn nhất tại vùng ven Thái Bình Dương của Colombia. Đây cũng là khu vực mà Đơn vị đặc nhiệm số 7 của Gould từng hỗ trợ các chiến dịch truy quét ma túy.

Nguồn tin giấu tên cho biết nhà chức trách Colombia không được cung cấp thông tin về cuộc điều tra, chiếc máy bay có liên quan cũng không cất cánh từ căn cứ quân sự của nước này.

Binh sĩ Đơn vị đặc nhiệm số 7 diễn tập tại Colombia hồi năm 2014. Ảnh: US Army.

Mike Vigil, cựu quan chức DEA, cho biết việc binh sĩ Mỹ tham gia đường dây vận chuyển ma túy không phải hiếm. "Họ có điều kiện đi đến nhiều quốc gia, tiếp xúc với nhiều người và có nhiều binh sĩ sử dụng máy bay quân sự để vận chuyển ma túy", Vigil cho hay. Ông từng điều tra nhiều vụ binh sĩ giấu ma túy trong hành lý để vận chuyển từ Đông Nam Á vào Mỹ hồi thập niên 1970.

Gould có thể dính líu đến các băng nhóm ma túy trong khi làm nhiệm vụ hoặc qua mối quan hệ cá nhân. Tuy nhiên, trung sĩ này nhiều khả năng mới tham gia buôn ma túy. "Bất kỳ ai có kinh nghiệm cũng sẽ lựa chọn phương pháp vận chuyển khác hoặc biết cách che giấu tốt hơn", Vigil nhận định.

LÃ LINH (VnExpress)

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/dac-nhiem-my-co-the-la-mat-xich-trong-duong-day-ma-tuy-xuyen-bien-gioi-post225994.html