Đác Lắc vẫn chưa khống chế được bệnh sốt rét

Theo Trung tâm phòng chống sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng tỉnh Đác Lắc, tình hình bệnh sốt rét trên địa bàn tỉnh Đác Lắc hiện nay vẫn diễn biến phức tạp; thời gian qua, công tác phòng, chống bệnh sốt rét ở địa phương gặp nhiều khó khăn nên số bệnh nhân mắc sốt rét tiếp tục tăng cao.

Vận động người dân xử lý vật dụng chứa nước tù đọng ngăn chặn muỗi sinh sôi để phòng chống sốt rét.

Qua thống kê của Trung tâm phòng chống sốt rét - ký sinh trùng, côn trùng tỉnh Đác Lắc, từ đầu năm đến ngày 30-10, trên địa bàn toàn tỉnh ghi nhận có 456 trường hợp mắc sốt rét với 445 trường hợp có ký sinh trùng sốt rét. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, số bệnh nhân mắc sốt rét tiếp tục tăng cao.

Cụ thể, từ ngày 24-9 đến 29-10, trên địa bàn huyện Ea Kar ghi nhận 129 trường hợp mắc sốt rét; huyện Krông Năng ghi nhận 63 trường hợp mắc sốt rét; huyện Ea Súp ghi nhận 45 trường hợp mắc sốt rét và huyện Buôn Đôn ghi nhận 41 trường hợp mắc sốt rét. Bệnh nhân mắc sốt rét chủ yếu ở nam giới, nhóm tuổi thanh niên, trung niên, đây là các đối tượng thường xuyên đi rừng, ngủ rẫy, giao lưu giữa các vùng sốt rét lưu hành, nhưng việc bảo vệ cá nhân phòng chống muỗi đốt chưa được chú trọng khiến nhiều người mắc sốt rét.

Trước tình hình bệnh nhân sốt rét ngày càng gia tăng, đặc biệt hiện nay Đác Lắc đang bước vào vụ thu hoạch cà-phê, người lao động từ các tỉnh đến Đác Lắc làm thuê hái cà-phê cho người dân địa phương với số lượng lớn, trong đó có khá đông lao động ở lại các chòi, nhà tạm ngoài nương rẫy cho đến hết vụ thu hoạch cà-phê nên nguy cơ mắc sốt rét càng cao.

Mới đây, Trung tâm phòng chống sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng tỉnh Đác Lắc phối hợp các huyện Ea Kar và Krông Năng triển khai nhiều biện pháp phòng chống, như: giám sát dịch tễ, lấy lam máu xét nghiệm cho tất cả các đối tượng đi rừng, ngủ rẫy có biểu hiện sốt, điều tra véc-tơ truyền bệnh và truyền thông trực tiếp về phòng chống sốt rét tại cộng đồng. Kết quả giám sát đã phát hiện 32 bệnh nhân trong số 447 người được xét nghiệm có ký sinh trùng sốt rét và được điều trị tại chỗ. Đặc biệt, đã phát hiện được sự có mặt của véc-tơ truyền bệnh sốt rét Anopheles dirus là véc-tơ chính truyền bệnh sốt rét.

Ths, BS Hoàng Hải Phúc, Giám đốc Trung tâm phòng, chống sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng tỉnh Đác Lắc khuyến cáo, để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống bệnh sốt rét trên địa bàn, nhất là trong thời điểm giao mùa hiện nay, mọi người dân cần nâng cao ý thức trong phòng chống sốt rét, đặc biệt với người đi rừng, ngủ rẫy: đi ngủ nằm màn, mặc quần áo dài và sử dụng các biện pháp dân gian như hun khói xua muỗi; vệ sinh môi sinh trường sạch sẽ chung quanh nhà ở và khu dân cư như khơi thông cống rãnh, xử lý vật dụng chứa nước tù đọng. Đối với trường hợp bị sốt sau khi đi rừng, ngủ rẫy cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, tránh trường hợp xấu có thể xảy ra.

NGUYỄN CÔNG LÝ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/suckhoe/item/38397002-dac-lac-van-chua-khong-che-duoc-benh-sot-ret.html