Đặc khu kinh tế (Bài 1): Cần có nhiều đột phá 'đặc biệt'

Tuần qua, Ban chỉ đạo quốc gia về xây dựng các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đã chính thức ra mắt để giải quyết những vấn đề đang đặt ra. Có rất nhiều việc phải làm cho một sự khởi đầu mới và chưa có tiền lệ, nhiều câu hỏi được đặt ra trong lúc này, nhưng khó nhất vẫn là câu hỏi 'có gì đặc biệt?'.

Ban Chỉ đạo quốc gia về xây dựng các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt họp phiên thứ nhất. (Ảnh: HH)

Mạnh dạn xây dựng một thể chế đột phá

Trong phiên họp đầu tiên, Ban chỉ đạo đã xem xét tiến độ xây dựng dự Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (gọi tắt là đặc khu) và các đề án triển khai. Đây cũng là dự thảo Luật đang nhận được nhiều sự góp ý từ phía các chuyên gia, các vị đại biểu Quốc hội và các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương cũng như các tỉnh có liên quan.

Tại cuộc họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo, nhiệm vụ lớn nhất được trưởng ban chỉ đạo là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật đặc khu để có thể trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp vào tháng 5 tới với tinh thần là không cầu toàn, đồng thời phải khẳng định quyết tâm cao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ với tư duy thống nhất, mạnh dạn xây dựng một thể chế đột phá, tạo động lực phát triển cho 3 đơn vị, lan tỏa đến các vùng kinh tế và cả nước, góp phần phát triển kinh tế đất nước nhanh và bền vững.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến yêu cầu xây dựng thể chế chính sách pháp luật cho các đặc khu hành chính - kinh tế phải “có sự khác biệt hơn so với các tỉnh, thành phố khác trong cả nước để tạo sức thu hút mạnh mẽ cho đầu tư”. Thủ tướng nêu rõ việc xây dựng Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt phải bảo đảm nguyên tắc không trái quy định của Hiến pháp, nhưng có tính vượt trội để có thể cạnh tranh, thu hút đầu tư. Cùng với đó, việc hình thành bộ máy chính quyền tại các đơn vị này phải theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm cân bằng 3 lợi ích giữa Nhà nước, nhân dân và doanh nghiệp.

Theo đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về xây dựng các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt cho rằng, ta phải thống nhất các quan điểm, cái gì không trái với Hiến pháp, cái gì luật pháp điều chỉnh, chúng ta rà soát theo tinh thần này và nguyên tắc này để chúng ta tránh xung đột và tránh ý kiến chủ quan của cơ quan đơn vị nào đấy.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định, phải tiếp thu giải trình và thông qua được luật tại kì họp thứ 5 này và nhanh chóng đưa Luật vào cuộc sống. Đây là cái mục tiêu tối cao của Đảng, của Nhà nước, của Chính phủ, Quốc hội, nhưng mà để đại biểu quốc hội yên tâm bấm nút thông qua thì cũng còn phải làm nhiều việc, cho nên Thường vụ Quốc hội đã có văn bản đề nghị Chính phủ cung cấp thông tin để Đại biểu quốc hội yên tâm.

Trước đó, tại phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đã khẳng định định tinh thần chung là phải cân nhắc, xem xét kỹ lưỡng với quyết tâm phải xây dựng bằng được Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, chúng ta quyết tâm làm Luật này, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Chúng ta thành lập 3 đặc khu để thu hút nguồn lực để chúng ta tạo 3 động lực làm đầu tầu kinh tế chứ không phải lập ra 3 vùng để mất đi 1 triệu tỷ.

Phải có sự “đặc biệt”

Sự thành công của các đặc khu được đo đếm một phần bởi các chính sách ưu đãi vượt trội để tạo nên được sức hút các nhà đầu tư cũng như thu hút được các nguồn lực vào phát triển các đặc khu này. Nhưng muốn vậy, các đặc khu sẽ cần điều gì? Chính sách ưu đãi hay những cơ chế vượt trội về thể chế kinh tế và hành chính.

Theo đồng chí Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khi nghiên cứu mô hình các đặc khu thành công trên thế giới thì các môi trường kinh doanh thuận lợi là yếu tố quan trọng nhất để nhà đầu tư đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài quyết định đầu tư. Và hiện nay trong dự thảo Luật cũng xác định rất rõ điều này.

Cùng với môi trường kinh doanh thuận lợi, theo các nhà nghiên cứu, việc cần phải có các chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư ban đầu là rất quan trọng đối với một nước đi sau nhiều năm như Việt Nam. Ông Hoàng Văn Cương, Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội cho rằng, các nhà đầu tư người ta đang có chỗ đầu tư rồi, nhiều người đang đầu tư ở các đặc khu khác đang có chính sách ưu đãi lớn cho nên giờ đây phải làm thế nào người ta thấy chúng ta có ưu đãi nhiều hơn tiềm lực nhiều hơn để sẵn sàng rời bỏ nơi người ta đang hoạt động để chuyển sang Việt Nam và rõ ràng chúng ta phải có ưu đãi vượt trội hơn hẳn. Xây dựng đặc khu cũng cần tính đến phương án cạnh tranh với các đặc khu khác, do đó, cái quan trọng hơn mà tôi quan tâm là mức độ tự do dịch chuyển của các nguồn lực đến đâu và thể chế thực thi và xử lý tranh chấp như thế nào…

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, , dự Luật đặc khu đã hướng đến mục tiêu tạo ra một thể chế vượt trội, trong đó, môi trường đầu tư kinh doanh là yếu tố quyết định chứ không phải là những ưu đãi hữu hình. 25/85 điều của Dự thảo luật chỉ quy định để nói về Đầu tư kinh doanh mà không phải chính sách thuế hay ưu đãi. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, chỉ ưu đãi một số ngành nghề chứ không phải tất cả và chỉ trong một thời gian thôi chứ không phải mãi mãi. Nội dung này đã được tiếp thu nghiêm túc từ các đại biểu quốc hội và đã chỉnh lý.

Theo đồng chí Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ quản lý khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngành nghề kinh doanh có điều kiện giảm tối đa so với quy định hiện hành. Hiện chỉ có 130 ngành kinh doanh có điều kiện thôi nhưng cũng giảm rất nhiều so với trước đây 234 áp dụng chung. Chủ tịch UBND đặc khu có thể trình Thủ tướng để có thể quy định một số ngành nghề ưu tiên trong đặc khu…Thủ tục kinh doanh minh bạch hồ sơ và rút gọn hơn nhiều, bổ sung quy trình đánh giá hồ sơ theo thủ tục rút gọn.

Muốn nhà đầu tư đến với mình thì các chính sách phải cập nhật với những xu hướng mới. Đi sau thế giới hàng chục năm, các đặc khu trong tương lai của Việt Nam sẽ lấy gì để cạnh tranh với những đặc khu đã có cả quá trình phát triển thành công. Câu hỏi này ngay từ ban đầu đã phải xác định rất rõ trong dự thảo Luật. TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, cái quan trọng hơn cả ưu đãi là tính ổn định của một thế chế vượt trội, pháp luật công khai minh bạch, nghiêm minh rõ ràng, hệ thống thông tin chuẩn, những cam kết rất đầy đủ, quyền tài sản được bảo vệ rất rõ ràng.

Cũng có những ý kiến cho rằng, cần phải quan tâm chúng ta sử dụng ngôn ngữ gì, người ra vào có phải sử dụng visa riêng không; các vấn đề liên quan đến sở hữu đất đai, tòa nhà, công ty ... Theo bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng Giám đốc PwC Việt Nam, nếu nhìn từ góc độ vượt trội chúng tôi sẽ nhìn ở góc độ thể chế. Nếu nói nó vượt trội thì nó phải vượt lên khung pháp lý bình thường những gì luật hiện nay cho phép thì trong đặc khu được áp dụng cơ chế quy định mà khuôn khổ pháp luật hiện nay của chúng ta chưa cho phép, có như vậy mới là vượt trội.

Đặc khu không chỉ đặc biệt về cơ chế kinh tế, mà quan trọng không kém là sự đặc biệt về thể chế hành chính. Trong đó, sự trao quyền tự quyết mạnh mẽ sẽ là nền tảng cho sự đột phá về hành chính tại đây.

Từ góc độ của địa phương, ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Quảng Ninh cho rằng, nếu có cơ chế trao quyền phân cấp mạnh cho đặc khu thì điều đầu tiên là tính chủ động của địa phương sẽ được nâng cao. Đây là nền tảng để thực hiện nhiều chính sách khác…

Đặc khu kinh tế Vân Đồn đang chuyển mình từng ngày. (Ảnh: Minh Thành)

Đồng chí Phạm Minh Chính, ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về xây dựng các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đã nhấn mạnh, về ngành nghề và chính sách ưu đãi, các cơ quan, đơn vị, địa phương phối hợp rà soát theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Thông báo số 21-TB/TW, ngày 22/3/2017: Phát triển những ngành, nghề, lĩnh vực chủ đạo phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới, tiềm năng, lợi thế so sánh và điều kiện thực tế của từng địa phương. Như vậy, cần nghiên cứu theo hướng phát triển có công nghệ cao kinh tế số, kinh tế tri thức, chống biến đổi khí hậu, ngân hàng, tài chính, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí...

Đồng chí Phạm Minh Chính cũng yêu cầu chính sách ưu đãi về kinh tế - xã hội phải được quy định trong luật và bảo đảm tính vượt trội, đủ sức cạnh tranh với khu vực và quốc tế. Nghĩa là, các cơ quan, đơn vị chức năng và các địa phương cần rà soát theo hướng những ngành nghề cần ưu tiên thì chính sách ưu đãi phải bằng hoặc cao hơn so với các nước trong khu vực.

Đồng chí Phạm Minh Chính đề nghị các cơ quan có liên quan ở Trung ương và địa phương cần phải có quyết tâm cao hơn nữa, nỗ lực lớn hơn nữa, hành động quyết liệt hơn nữa và phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa để hoàn thành tiến độ dự thảo Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 tới đây với chất lượng cao như chỉ đạo của Bộ Chính trị.

Đồng chí cũng yêu cầu, khi nghiên cứu và tổ chức thực hiện cần bám sát những vấn đề có tính quan điểm, nguyên tắc đã được nêu trong các chủ trương, chính sách, nghị quyết của Đảng, các nội dung đã được Bộ Chính trị kết luận để rà soát, thẩm định và thực hiện theo tiến độ, có chất lượng.

Trong 2 thập kỷ qua, thế giới chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ của các đặc khu kinh tế. Mặc dù việc thành lập các đặc khu được nhiều nước coi là chính sách đột phá phát triển, song thực tế cho thấy, chỉ khoảng một nửa số đặc khu trên thế giới thành công, còn một nửa thất bại, không đạt mục tiêu đề ra hoặc có tương lai không rõ ràng. Việt Nam đã nghiên cứu và đề xuất mô hình đặc khu hành chính kinh tế dựa trên kinh nghiệm tổng hợp của các mô hình đặc khu hành chính, đặc khu kinh tế, khu kinh tế tự do và các mô hình tương tự khác ở hơn 10 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có nhiều mô hình đặc khu thành công. Hy vọng rằng, từ những kinh nghiệm thực tế ấy cùng với những quyết tâm của Đảng, Nhà nước, các đặc khu kinh tế của chúng ta sẽ sớm trở thành hiện thực, xứng đáng với những kỳ vọng về những điều “đặc biệt”./.

Hoa Hiền

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/xay-dung-dang/dac-khu-kinh-te-bai-1-can-co-nhieu-dot-pha-dac-biet-481668.html