'Đặc khu ảo' có chắp cánh cho các doanh nghiệp Internet Việt Nam?

Khái niệm 'đặc khu ảo' vừa được kiến nghị nhằm tháo gỡ rào cản cho sự phát triển của các doanh nghiệp Internet.

Trong chuỗi sự kiện nhân ngày Internet Việt Nam, nhiều vấn đề lớn đã được đề cập nhằm thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp Internet. Một trong số đó là việc làm thế nào để Việt Nam có thể tháo gỡ các rào cản và tạo bệ phóng cho sự phát triển.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, trưởng ban pháp chế VCCI, nếu như ngày xưa chúng ta hay nói đùa là lên Internet thì hiện nay, chúng ta đang sống trong Internet. Hầu hết doanh nghiệp Việt Nam ở dạng nhỏ và vừa, chi phí cho quảng cáo rất ít. Với Internet, các doanh nghiệp này có thể dễ dàng hơn trong việc tiếp cận thị trường. Điều này cũng tạo nên áp lực phải thay đổi đối với các cơ quan quản lý nhà nước.

Ông Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ BCVT chia sẻ câu chuyện về sự phát triển của Internet. Ảnh: Trọng Đạt

“Chúng ta từng hình sự hóa các hoạt động kinh doanh trên nền tảng Internet với điều luật 292. Sự sợ hãi dường như đang có ở nhiều cơ quan quản lý nhà nước. Nếu thắng được cảm giác này, chúng ta sẽ có nhiều cơ hội hơn với sự phát triển của Internet”, ông Đậu Anh Tuấn chia sẻ.

TGĐ VCCorp, ông Nguyễn Thế Tân cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam bị ràng buộc quá nhiều bởi các chế tài. Trong khi đó các chế tài của mình không thể tác động được đến các doanh nghiệp nước khác. Chúng ta phải tháo gỡ điều này để doanh nghiệp phát triển, tuy nhiên cũng phải hài hòa với yêu cầu từ phía cơ quan quản lý.

Theo ông Tân, để ngành nội dung số phát triển mạnh mẽ hơn trong 20 năm tới, chúng ta phải dám làm. Gặp vấn đề ở đâu, sẽ đề xuất lên cơ quan quản lý để tìm biện pháp tháo gỡ.

Một giải pháp được đưa ra là hình thành một “đặc khu ảo". Tại vùng này, các doanh nghiệp được phép phát triển với một cơ chế thoáng hơn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp tham gia phải cam kết tuân thủ việc đóng thuế và các quy định của pháp luật. Lúc này những doanh nghiệp công nghệ có tiềm lực sẽ không bị ràng buộc quá nhiều bởi các cơ chế và có thể vươn ra nước ngoài.

Lãnh đạo các công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam cho rằng cần phải gỡ bỏ các rào cản về chính sách với doanh nghiệp Internet. Ảnh: Trọng Đạt

Theo ông Lê Hồng Minh, CEO VNG, cần phải tháo gỡ rào cản về mặt chính sách đối với doanh nghiệp Internet nếu thực sự muốn hội nhập. Thời đại Internet là cuộc chơi của tốc độ, các rào cản về chính sách vô tình sẽ cản trở chuyện này. CEO của VNG cho rằng chính phủ Việt Nam đang nỗ lực để tháo gỡ điều này. Tiếng nói của các doanh nghiệp sẽ góp phần thúc đẩy những nỗ lực đó.

Trước vấn đề này, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, Việt Nam có hai điểm mạnh là thị trường và nhân tài số. Tuy nhiên chúng ta cũng có hai điểm yếu là chính sách và thuế. Trong con mắt của chuyên gia quốc tế, Việt Nam chưa mạnh về chính sách. Chính sách của Việt Nam thường lạc hậu.

“Chúng ta rất có nhu cầu điều chỉnh chính sách, nhưng mỗi lần điều chỉnh loay hoay mất 2-3 năm. Đến khi điều chỉnh xong rồi thì chính sách đó đã phần nào lạc hậu. Phản ứng chính sách của Việt Nam chậm. Vì vậy các doanh nghiệp làm ăn bài bản sẽ gặp nhiều rủi ro", vị trưởng ban Pháp chế VCCI chia sẻ.

Trước vấn đề mang tính hệ thống này, các doanh nghiệp Việt Nam cần liên kết lại với nhau để thúc đẩy và tìm ra cách tháo gỡ. Đối với Việt Nam, chúng ta có thể học hỏi các mô hình chính sách từ những quốc gia đi trước. Điều này sẽ góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ sự phát triển của doanh nghiệp và giúp chúng ta hòa nhập sâu rộng hơn với thế giới.

Trọng Đạt

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/cong-nghe/vien-thong/dac-khu-ao-co-la-than-duoc-cuu-canh-cac-doanh-nghiep-internet-viet-nam-412528.html