Đã xác định vị trí hộp đen của chiếc máy bay Boeing 737 gặp nạn tại Indonesia

Hôm 10/1, lực lượng cứu hộ đã phát hiện tín hiệu khẩn cấp từ hai thiết bị gần vị trí máy bay bị rơi, trong đó một thiết bị là hộp đen. Một số mảnh vỡ của máy bay, các bộ phận cơ thể và một vật dụng của hành khách cũng đã được tìm thấy.

Định vị vị trí hộp đen

Bagus Puruhito, người đứng đầu cơ quan tìm kiếm và cứu nạn quốc gia Indonesia cho biết trong một tuyên bố phát trên TVOne, đã phát hiện ra tín hiệu khẩn cấp từ hai thiết bị gần vị trí máy bay bị rơi và định vị được cả hai thiết bị này.

Lực lượng cứu hộ cũng tìm thấy các mảnh vỡ trên Biển Java tương tự như những mảnh vỡ được chia sẻ trước đó trên mạng xã hội. Truyền thông địa phương dẫn lời một quan chức cho biết, các bộ phận cơ thể và một vật dụng của hành khách cũng đã được tìm thấy.

Thêm mảnh vỡ của máy bay gặp nạn được tìm thấy vào ngày 10/1. Ảnh: Adek Berry / AFP / Getty.

Thêm mảnh vỡ của máy bay gặp nạn được tìm thấy vào ngày 10/1. Ảnh: Adek Berry / AFP / Getty.

Trước đó, từ vết dầu loang và các mảnh vỡ máy bay mà các ngư dân ở quận đảo Thousand Islands phát hiện, đội tìm kiếm cứu nạn Indonesia đã xác định vị trí máy bay rơi.

"Chúng tôi tin rằng đó là vị trí của vụ tai nạn", Chỉ huy quân sự Hadi Tjahjanto nói trong một cuộc họp báo vào Chủ Nhật. Một số vật bao gồm áo phao và các bộ phận của máy bay mang số đăng ký được tìm thấy ở độ sâu 23m dưới mặt nước.

Dữ liệu theo dõi của Flightradar24 cho thấy, máy bay chững lại ở độ cao khoảng 3.000-3.300m, 3 phút sau khi cất cánh và lao xuống mặt nước rất nhanh chỉ trong 14 giây, có nghĩa máy bay hạ độ cao với tốc độ hơn 12.200m/phút, tốc độ cao bất thường so với các hoạt động bay thông thường.

Đường bay được chỉ định của chuyến bay 182 của Sriwijaya Air sau khi nó khởi hành từ Jakarta, Indonesia vào ngày 9/1. Nguồn: FlightRadar24.

Nhà phân tích hàng không Gerry Soejatman cho biết, kết quả đọc sơ bộ từ dữ liệu chuyến bay do máy bay truyền qua hệ thống giám sát tự động cho thấy, phi công “có khả năng mất phương hướng" do thời tiết xấu.

Trong khi đó, Jeffrey Guzzetti, cựu trưởng bộ phận điều tra tai nạn của Cục Hàng không Liên bang Hoa Kỳ, cho biết, nếu chưa tiếp cận và phân tích dữ liệu hộp đen ghi lại chuyến bay thì chưa thể nói điều gì có thể đã gây nên cú rơi đột ngột. “Hiện tại, với lượng thông tin rời rạc, đường bay đó có thể phù hợp với nhiều tình huống, chẳng hạn như sự nhầm lẫn của tổ bay, sự cố thiết bị đo đạc, sự cố cơ học thảm khốc hoặc thậm chí là một hành động cố ý”, ông Guzzetti nói.

Nhân viên cứu hộ đã thiết lập một khu vực để lưu giữ các mảnh vỡ từ máy bay gặp nạn. Ảnh: Ed Wray / Getty.

Vào ngày 10/1, Indonesia đã triển khai thợ lặn, tàu chiến, tàu trạng bị sonar và máy bay để tiến hành các hoạt động tìm kiếm.

Ủy ban An toàn Giao thông Vận tải Quốc gia Hoa Kỳ đã chỉ định một điều tra viên cấp cao để hỗ trợ cuộc điều tra. Trong khi, theo một hiệp ước của Liên hợp quốc, Ủy ban An toàn Giao thông Vận tải Quốc gia Hoa Kỳ (NTSB) cùng với các chuyên gia kỹ thuật của Boeing và có thể là các nhà sản xuất các bộ phận khác của máy bay sẽ tham gia vào việc xác định nguyên nhân tai nạn, vì máy bay được chế tạo ở Mỹ

Truyền thông chờ tin vụ tai nạn ở sân bay Quốc tế Soekarno-Hatta, Indonesia. Ảnh: Dimas Ardian / Bloomberg.

Mẫu Boeing 737-500 bay lần đầu vào năm 1989 và theo trang web theo dõi Planespotters.net, chiếc máy bay này bay lần đầu vào tháng 5/1994.

Richard Aboulafia, một nhà phân tích hàng không tại Teal Group Corp cho biết: “Đây thậm chí không phải là mẫu trước Being 737 Max, nó đã được sử dụng trong 30”.

Theo dữ liệu đội bay trên Planespotters.net, chiếc máy bay gặp nạn đã được Sriwijaya Air khai thác từ năm 2012; và, trước đó đã được sử dụng bởi Continental Air Lines và United Airlines Holdings Inc.

Huy Anh/Bloomberg

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/quoc-te/tin-tuc/da-xac-dinh-vi-tri-hop-den-cua-chiec-may-bay-boeing-737-gap-nan-tai-indonesia-100104.html