Đa văn hóa ở Hàn Quốc và sự bất bình đẳng

(Toquoc)- Yếu tố đa văn hóa và quyền lợi của người nhập cư chưa được xã hội và chính phủ Hàn Quốc nhìn nhận đúng đắn.

Bộ mặt của Hàn Quốc đang thay đổi. Theo Joongang Ilbo, dữ liệu từ Ủy ban gia đình và bình đẳng giới Hàn Quốc công bố ngày 12/10, số lượng người thuộc các gia đình đa văn hóa, bao gồm các cặp vợ chồng đa quốc tịch và con cái của họ tại nước này đã đạt hơn 820.000 người trong năm nay, tăng gấp đôi kể từ năm 2007.

Cùng thời gian đó, số lượng người nước ngoài kết hôn với người Hàn Quốc và số lượng công dân nhập quốc tịch Hàn Quốc cũng gia tăng nhanh chóng. Số người nước ngoài kết hôn với công dân Hàn Quốc và người có quốc tịch Hàn Quốc đạt 305.446 người vào năm 2015. Con số này bao gồm 92.316 người đã trở thành công dân nhập tịch Hàn Quốc thông qua hôn nhân và 65.748 tịch bằng các phương tiện khác trong khi 147.382 người nhập cư dù đã kết hôn với người Hàn Quốc nhưng vẫn chưa được công nhận quyền công dân.

Theo định nghĩa của Chính phủ Hàn Quốc, một gia đình đa văn hóa là gia đình mà vợ hoặc chồng là người nhập cư bằng con đường hôn nhân hoặc được nhập quốc tịch Hàn Quốc phù hợp với Đạo luật quốc tịch của nước này. Có thể nói số lượng người nước ngoài đến Hàn Quốc cư trú dài hạn gia tăng chủ yếu thông qua các cuộc hôn nhân, lực lượng lao động nhập cư hay con đường du học, trao đổi nhân sự.

Người nước ngoài, đặc biệt là nữ giới nhập quốc tịch Hàn Quốc thông qua con đường hôn nhân đã phải chịu nhiều sự phân biệt đối xử hay lạm dụng

Coi trọng nguồn gốc người nhập cư

Trong khi số lượng người nhập cư đến Hàn Quốc ngày càng tăng, người Hàn Quốc đối xử với người nước ngoài đến từ những nơi khác nhau với cách khác nhau, theo một cuộc thăm dò dư luận đầu năm nay.

Dân cư bản địa có xu hướng ưa thích người nước ngoài đến từ châu Âu hay người Mỹ gốc Anh trong khi coi thường người Mỹ gốc Phi hay người nhập cư đến từ Đông Nam Á, Ấn Độ và Trung Đông.

Trong khi những công dân Mỹ hay châu Âu đến Hàn Quốc làm những công việc có giá trị cao như giáo viên dạy tiếng nước ngoài, chuyên viên cao cấp, giám đốc kinh doanh… thì người nhập cư gốc Á làm việc trong ngành “công nghiệp 3D” gồm những công việc hạ đẳng (dirty), nguy hiểm (dangerous) và thấp kém (demeaning).

“Vì số lượng người nhập cư từ các nước đang phát triển gia tăng, người Hàn Quốc có xu hướng nghĩ rằng những người nước ngoài là những người nghèo và đến Hàn Quốc để kiếm sống”, Kim Nho-young, một quan chức của Trung tâm Hỗ trợ Gia đình đa văn hóa tại Yangpyeong nói với tờ The Diplomat.Theo số liệu thống kêxuất nhập cảnh Hàn Quốcnăm 2013, có 491.000 lao động từ Philippines, Việt Nam, Trung Quốc và các nước Nam Á đã kí kết hợp đồng làm việc tại Hàn Quốc.

Bị phân biệt đối xử

Tháng 10 năm nay, Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc Mutuma Ruteere đã cho biết có "vấn đề nghiêm trọng" ở Hàn Quốc trong việc phân biệt đối xử, ngược đãi, lạm dụng hay chửi mắng đối với người nhập cư.

Hàn Quốc vẫn có một ý thức mạnh mẽ của niềm tự hào và một niềm tin bắt rễ sâu về sự ưu việt của dân tộc mình.Người nước ngoài sống tại Hàn Quốc chịu nhiều sự kì thị trong nhiều lĩnh vực xã hội, từ việc làm, giáo dục đến đời sống hàng ngày.

Theo nghiên cứu tiến hành bởi Bộ Bình đẳng giới và gia đình (MOGEF) Hàn Quốc, năm 2012, 41.3% các gia đình đa văn hóa tại Hàn Quốc cho biết họ đã từng bị phân biệt đối xử, tăng từ 36,4% số liệu năm 2009.

Đặc biệt, 69% những người phụ nữ nhập cư theo con đường hôn nhân nói rằng họ phải chịu đựng nhiều hình thức lạm dụng, bao gồm cả vật chất, tinh thần hay tình dục, thậm chísống trong sự kiểm soát bất hợp lý.

Cindy Lou Howe, một nhà làm phim có bố là người Mỹ gốc Phi và mẹ là người Hàn Quốc, đã dành nhiều năm ở Hàn Quốc như một nhà giáo dục chia sẻ với UPI rằng các trường công lập đang “tước quyền công dân” của nhiều trẻ em chỉ dựa trên yếu tố chúng không phải là người “thuần” Hàn Quốc.

Chính sách chưa đủ

Liên quan đến các cơ chế thúc đẩy đa văn hóa hiện có tại Hàn Quốc, Viện Nghiên cứu Chính sách Asan đã chỉ trích các chính sách của chính phủ nước này khi gọi đó là một "chính sách đa văn hóa dựa trên sự đồng hóa mà không thúc đẩy hòa nhập xã hội”.

Theo phân tích của Viện Asan, 54,4% các chương trình đa văn hóa trên toàn Hàn Quốc kêu gọi người nhập cư thay đổi để trở nên giống như ngườidân bản địa trong khi ít hơn 20% thúc đẩy sự hiểu biết tốt hơn về những người nhập cư tới Hàn Quốc hoặc dạy người Hàn Quốc về nền văn hóa của người nước ngoài sinh sống tại địa phương.

Timothy Lim, một giáo sư về khoa học chính trị tại Đại học bang California ở Los Angeles cho biết các cải cách trong việc cấp visa cho lao động nhập cư hiện nay, trong khi gia hạn thị thực cho lao động không chuyên đến 4 năm và 10 tháng, nhưng đã kèm theo những rào cản để người lao động không đạt được 1 năm cư trú đầy đủ tại Hàn Quốc, thời gian cần thiết để đăng kí thường trú.

Cần thiết phải điều chỉnh

“Xã hội chúng ta đang trở thành một xã hội đa văn hóa với một tốc độ cực kỳ nhanh chóng," nghị sĩ Jin Sun-mee, Đảng đối lập Liên minh Chính trị mới vì Dân chủ (NPAD) nói. "Chúng tôi cần phải thay đổi các chính sách,không chỉ đơn giản giúp đỡ những công dân đa văn hóatrong việc điều chỉnh để thích nghi với xã hội Hàn Quốc mà còn làm cho các chính sách đó có hiệu quả trong việc thúc đẩy sự khoan dung, cởi mở trong xã hội.”

Đa văn hóa hiện nay là một hiện tượng không thể tránh khỏi ở Hàn Quốc," Lee Ra, người đứng đầu Hiệp hội phụ nữ đa văn hóa cho biết. Bà Lee cũng nhấn mạnh "Đây là một thời đại quốc tế. Ý tưởng về một quốc gia với một thành phần chủng tộc duy nhất đã biến mất. Người dân Hàn Quốc nên hiểu điều này và cố gắng để đạt được sự hài hòa trong xã hội."

Sự nhầm lẫn (về những gì thực sự là đa văn hóa) cản trở quá trình hoạch định chính sách, không chấp nhập sự khác biệt và phân biệt đối xử hiện vẫn là phản ứng chung của xã hội Hàn Quốc. Một điều rõ ràng rằng nước này còn một chặng đường dài để hướng đến một xã hội đa văn hóa công bằng và bình đẳng hơn.

An Bình (Tổng hợp)

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.gov.vn/sites/vi-vn/details/9/bien-dong-quanh-ta/137923/da-van-hoa-o-han-quoc-va-su-bat-binh-dang.aspx