Duy trì quỹ để chủ động can thiệp, bảo vệ lợi ích của người tham gia bảo hiểm

Sáng 29/3, sau khi các đại biểu Quốc hội chuyên trách góp ý cho dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã có phát biểu tiếp thu, giải trình các vấn đề đại biểu nêu.

Đảm bảo an toàn dữ liệu thông tin theo quy định hiện hành

Về Quỹ Dự trữ bắt buộc và Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, cả hai quỹ đều có mục tiêu bảo vệ người được bảo hiểm nhưng nguồn hình thành khác nhau. Quỹ Dự trữ bắt buộc hình thành từ trích 5% lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp bảo hiểm, do cơ quan bảo hiểm quản lý. Còn Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm thì trích 0,3% phí bảo hiểm của các hợp đồng bảo hiểm, do Bộ Tài chính quản lý. Hiện Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm còn tồn quỹ hơn 1.000 tỷ đồng.

Tiếp tục nhấn mạnh sự cần thiết duy trì quỹ này, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết việc duy trì quỹ là để can thiệp, bảo vệ quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm khi doanh nghiệp bảo hiểm phá sản. Như trong ngành ngân hàng, một số ngân hàng có rủi ro, thua lỗ thì phải có can thiệp kịp thời. Tương tự, khi doanh nghiệp bảo hiểm khó khăn, thì Nhà nước sẽ có quỹ này là công cụ can thiệp, Bộ trưởng nêu ví dụ và cho rằng có quỹ này sẽ đảm bảo được sự chủ động của cơ quan quản lý Nhà nước khi can thiệp.

Về vấn đề rà soát cụ thể hơn hợp đồng bảo hiểm theo 3 loại hình bảo hiểm, theo ý kiến đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước), Bộ trưởng cho biết nội dung này đã thể hiện trong luật. Tuy nhiên, Bộ Tài chính và cơ quan thẩm tra cũng sẽ rà soát lại để đảm bảo chặt chẽ hơn.

Đối với một số băn khoăn của đại biểu về tính an toàn của cơ sở dữ liệu và thanh toán trên nền tảng số, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết việc sử dụng cơ sở dữ liệu, thanh toán phải đảm bảo quy định của Luật An ninh mạng, Luật Bảo vệ bí mật nhà nước và các quy định liên quan về bảo vệ thông tin cá nhân. Các công ty bảo hiểm phải cung cấp cho cơ quan nhà nước là Bộ Tài chính để quản lý và kết nối các dữ liệu này, tương tự như quản lý dữ liệu về thuế, bảo hiểm xã hội… Còn việc đảm bảo bí mật cá nhân, bí mật nhà nước… thì thực hiện theo các quy định pháp luật hiện hành.

Liên quan đến ý kiến đại biểu về việc giao Chính phủ quy định các vấn đề cụ thể, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc phân tích thực tiễn cuộc sống có nhiều vấn đề không lường trước được, nên trong quá trình đó cần phải có quy định điều chỉnh. Chẳng hạn như Luật Kinh doanh bảo hiểm ban hành từ năm 2000, 20 năm qua đã phát sinh nhiều vấn đề cần văn bản pháp luật điều chỉnh. Trong quá trình ban hành văn bản quy định, cơ quan quản lý cũng lấy ý kiến rộng rãi toàn dân để đảm bảo khách quan, khả thi. Do đó, việc giao Chính phủ quy định một số vấn đề cụ thể là hợp lý.

Về ý kiến đề nghị quy định về trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng bảo hiểm, Bộ trưởng cho biết sẽ nghiên cứu, tiếp thu; đồng thời cũng nêu rõ việc hủy bỏ hợp đồng phải phù hợp Bộ luật Dân sự, bởi đây là luật gốc, nếu có tranh chấp phải đưa ra tòa án. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng thì công ty bảo hiểm sẽ đưa ra các chi phí quản lý, chi phí khác để khấu trừ. Mức khấu trừ tiền bảo hiểm như thế nào là hợp lý thì cơ quan soạn thảo sẽ tính toán để làm rõ hơn. Quan điểm được Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu rõ là bảo vệ người tham gia bảo hiểm nhưng cũng phải bảo vệ doanh nghiệp bảo hiểm, phải đảm bảo tính công bằng khách quan trong xây dựng luật.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tiếp thu, giải trình một số ý kiến tại phiên họp

Quy định cụ thể hơn về hợp đồng bảo hiểm

Trước đó, góp ý về dự thảo luật, các ý kiến phát biểu cơ bản nhất trí với nội dung đã được tiếp thu, chỉnh lý của dự thảo luật như áp dụng pháp luật, kết cấu của dự thảo luật… Đồng thời, các đại biểu đóng góp thêm nhiều ý kiến hoàn thiện dự án luật bảo đảm tính khả thi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật.

Theo đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên), cần có quy định rõ trong hợp đồng bảo hiểm về quyền lợi, trách nhiệm mang tính nguyên tắc tối thiểu của doanh nghiệp bảo hiểm với bên mua bảo hiểm với từng loại hình bảo hiểm. Đại biểu đề xuất nghiên cứu để luật, hay văn bản hướng dẫn dưới luật có quy định hợp đồng mẫu với những điều khoản mang tính chất tham khảo, công khai với người dân để người dân hiểu rõ trước khi mua bảo hiểm.

Đối với bảo hiểm nhân thọ, đại biểu Tạ Thị Yên cho rằng, cần quy định doanh nghiệp bảo hiểm phải ghi rõ phí bảo hiểm hàng năm, khoản tiết kiệm hàng năm để khách hàng không bị nhầm lẫn giữa giá trị tích lũy và khoản phí mất đi hàng năm. Hiện tại vấn đề này phụ thuộc vào tư vấn trực tiếp nên xảy ra nhiều tranh cãi giữa bên mua và bên bán bảo hiểm về việc không làm rõ thông tin này.

Cùng băn khoăn về bảo vệ quyền lợi của người mua bảo hiểm, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (Tây Ninh) cho biết, tại khoản 2, điều 22 của dự thảo luật có quy định: “Doanh nghiệp bảo hiểm phải hoàn lại chi phí bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm sau khi trừ đi chi phí hợp lý theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm”. Tuy nhiên, dự thảo luật chưa giải thích thế nào là chi phí hợp lý, mà phụ thuộc vào sự thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm. Do đó, đề nghị bổ sung trong luật hoặc giải thích văn bản dưới luật, chi phí hợp này phải được bổ sung trong hợp đồng bảo hiểm.

Về Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) cho rằng, nếu đề nghị duy trì quỹ này, cơ quan soạn thảo cần báo cáo, giải trình rõ hơn về hoạt động của quỹ và khi chuyển sang phương thức can thiệp sau (khi doanh nghiệp bảo hiểm đã mất khả năng thanh toán) sang phương thức can thiệp sớm và kết hợp mô hình quản lý trên cơ sở rủi ro.

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/duy-tri-quy-de-chu-dong-can-thiep-bao-ve-loi-ich-cua-nguoi-tham-gia-bao-hiem-102614.html