Đã tìm ra nguyên nhân nghi vấn nước sinh hoạt bẩn ở Đà Nẵng

Trước những lo lắng, quan ngại của nhiều người dân ở Đà Nẵng về chất lượng nước sạch không đảm bảo, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng đã đưa ra kết quả xét nghiệm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật - Sở Y tế thành phố, đồng thời yêu cầu các đơn vị liên quan xác định rõ nguyên nhân và đề xuất giải pháp khắc phục…

Những ngày vừa qua, người dân tại một số khu vực thuộc các quận Ngũ Hành Sơn, Thanh Khê, Cẩm Lệ, Sơn Trà đã có những phản ánh với cơ quan chức năng về việc nước sinh hoạt có hiện tượng cặn bẩn đóng thành lớp và nước có vị lợ…

“Ban đầu tôi thấy nước hơi đục, để lâu trong chậu một lúc thì lắng cặn, sử dụng trong sinh hoạt có vị lợ, bạn bè bảo dùng 2 lớp bông gòn, buộc chặt trước vòi rồi cho nước chảy qua kiểm tra xem… Tôi làm thử, sau mấy tiếng đồng hồ miếng bông đổi thành màu đen, cặn bẩn đóng thành lớp. Tôi khá lo lắng, không hiểu nước có vấn đề gì không?”, chị N.T.A (quận Sơn Trà) lo lắng chia sẻ.

 Người dân tại một số khu vực Đà Nẵng đã có những phản ánh với cơ quan chức năng về việc nước sinh hoạt có hiện tượng cặn bẩn đóng thành lớp và nước có vị lợ…

Người dân tại một số khu vực Đà Nẵng đã có những phản ánh với cơ quan chức năng về việc nước sinh hoạt có hiện tượng cặn bẩn đóng thành lớp và nước có vị lợ…

Ngay sau khi nhận thông tin, Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng đã đề nghị Cty Cổ phần Cấp nước khẩn trương phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật - Sở Y tế tổ chức rà soát, kiểm tra thực tế các khu vực xảy ra tình trạng chất lượng nước không đảm bảo, đưa mẫu nước tại nhà các khách hàng có phản ánh đi kiểm nghiệm, xác định rõ nguyên nhân và đề xuất giải pháp khắc phục.

Theo đó, kết quả xét nghiệm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật - Sở Y tế thành phố về 5 mẫu nước thủy cục tại các quận Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà và Nhà máy nước Cầu Đỏ đều cho thấy, tất cả các chỉ tiêu kiểm tra đều đạt yêu cầu vệ sinh về hóa lý nước dùng cho ăn uống theo QCVN 01:2009/BYT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống.

Đối với trường hợp khách hàng dùng khăn ướt, bông gòn bịt đầu vòi nước và sử dụng trong một thời gian thì có cặn màu đen, theo đánh giá ban đầu của Công ty cổ phần cấp nước Đà Nẵng, do chất lượng đường ống gang, thép sử dụng lâu năm bị hư hỏng xuống cấp. Nước sau khi xử lý tại các nhà máy vẫn còn hàm lượng cặn lơ lửng trong giới hạn cho phép. Biện pháp tạm thời, công ty sẽ chủ động tăng cường kiểm tra chất lượng nước trên mạng lưới, tăng cường công tác làm sạch mạng lưới đường ống và lập kế hoạch thay thế các đường ống xuống cấp.

Theo số liệu thống kê từ ngày 2/2/2019 đến nay, độ mặn tại cửa thu nước Nhà máy nước cầu Đỏ có xu hướng tăng dần và duy trì ở mức cao, đặc biệt kể từ ngày 15/2/2019, độ mặn thường xuyên vượt ngưỡng 1.000 mg/l dẫn đến nguồn nước thô phụ thuộc rất lớn vào Trạm bơm phòng mặn An Trạch. Tình trạng nhiễm mặn này cũng ảnh hưởng một phần đến chất lượng nước sau xử lý do phải pha loãng với nguồn nước tại sông Cầu Đỏ mới đảm bảo được công suất cấp nước, do vậy nước có vị lợ như người dân phản ánh nhưng vẫn nằm trong giới hạn cho phép theo Quy chuẩn chất lượng nước ăn uống.

Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng kiểm tra vận hành tại trạm bơm An Trạch (Ảnh: CTTĐT Đà Nẵng)

Đảm bảo cấp nước an toàn cho người dân thành phố, trong thời gian trước mắt, Sở Xây dựng tiếp tục tăng cường tiếp nhận, xử lý thông tin liên quan đến hoạt động cấp nước sạch, tăng cường kiểm tra mạng lưới đường ống cấp nước hiện trạng và triển khai cải tạo, thay thế các tuyến ống xuống cấp, kém chất lượng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền sử dụng nước tiết kiệm, đồng thời, tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành dự án Nâng công suất Nhà máy nước cầu Đỏ (giai đoạn 1 - 60.000 m3/ngđ) và dự án Nhà máy nước hồ Hòa Trung (10.000 m3/ngđ), hoàn thành trong tháng 3-2019.

Bên cạnh đó, thành phố sẽ đầu tư nâng công suất Trạm bơm phòng mặn An Trạch và Tuyến ống nước thô dẫn về nhà máy nước cầu Đỏ, thoàn thành trong tháng 5/2019. Triển khai xây dựng đập tạm tại Quảng Huế để tăng lưu lượng nước thô dẫn về sông Yên. Đồng thời sẽ làm việc và đề nghị các chủ hồ chứa thủy điện phía thượng nguồn xả nước về sông Yên với dung lượng phù hợp, đảm bảo khống chế độ mặn tại cửa thu nước Nhà máy nước cầu Đỏ dưới 900 mg/l, đầu tư các tuyến ống cấp nước chính để kịp thời truyền tải nước sạch đến các khu vực có áp lực yếu...

Ngoài ra, sẽ triển khai xây dựng các trạm quan trắc cảnh báo sớm về độ mặn; kiến nghị điều chỉnh Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn; triển khai có hiệu quả phương án bảo đảm cấp nước an toàn như cấp nước bằng xe bồn, thông báo cụ thể kế hoạch cấp nước luân phiên để người dân trữ nước, thường xuyên theo dõi, kiểm soát chặt chẽ lưu lượng, áp lực, phân công nhiệm vụ cụ thể đối với từng đơn vị.

Về lâu dài, đối với việc đảm bảo nhu cầu sử dụng nước sau năm 2020, thành phố sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng dự án Nâng công suất Nhà máy nước cầu Đỏ thêm 60.000 m3/ngđ (giai đoạn 2); đầu tư xây dựng Nhà máy nước Hòa Liên giai đoạn 1 (công suất 120.000 m3/ngđ), hoàn thành vào cuối năm 2020 và tiếp tục nghiên cứu giai đoạn 2 (thêm 120.000 m3/ngđ) theo quy hoạch cấp nước đã được phê duyệt; tiếp tục đầu tư các tuyến cống cấp nước chính theo dự án Mở rộng hệ thống cấp nước Đà Nẵng. Bên cạnh đó, Công ty cổ phần cấp nước Đà Nẵng cũng sẽ đầu tư thêm các tuyến ống phân phối để đưa nước đến các điểm tiêu thụ.

Theo kết luận của Phó Chủ tịch TT Đặng Việt Dũng, thành phố sẽ làm việc với tỉnh Quảng Nam để thống nhất cơ chế liên lạc, chỉ đạo việc xả nước xuống hạ du kịp thời, đảm bảo an toàn cung cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt của người dân. Phó Chủ tịch cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của nguồn nước và an ninh nguồn nước và yêu cầu sự hợp tác trách nhiệm của các đơn vị đối với các địa phương Quảng Nam và Đà Nẵng.

Mộc Lan

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/van-hoa-xa-hoi/doi-song-xa-hoi/da-tim-ra-nguyen-nhan-nghi-van-nuoc-sinh-hoat-ban-o-da-nang-65651.html