DA thu hồi đất không nhận được sự đồng thuận của người dân Đồng Kỵ

Người dân Đồng Kỵ đang vô cùng bức xúc với Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh 'Giao đất cho Công ty BĐS BN Việt Toàn thuê để xây dựng, kinh doanh bãi để xe bãi gỗ phường Đồng Kỵ, thị xã Từ Sơn'.

Nếu ai có dịp về thăm quê hương Đồng Kỵ mọi người sẽ nhận thấy ở đây có những điểm khác biệt với các làng quê khác.

Đồng Kỵ cách thủ đô Hà Nội 18km về phía Bắc, thuận tiện cho việc giao lưu về mọi mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng. Toàn phường có 2 khu công nghiệp với trên 100 doanh nghiệp lớn, nhỏ với 30 dự án!

Làng Đồng Kỵ là một quần cư đông đúc trên 17 nghìn nhân khẩu (nhất thôn nhất phường), có lẽ đây cũng là một trong những làng đứng vào diện có số dân đông nhất trong nước từ lâu đời sống bằng nghề sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ. Chính vì đất chật, người đông nên ứng với câu “đất lành, chim đậu”, do đó, Đồng Kỵ còn thu nhận nhiều gia đình, cá nhân các tỉnh ngoài về đây lập nghiệp bằng nghề đồ gỗ mỹ nghệ mưu sinh.

Khác biệt là sự phân bố ranh giới thổ cư không thể tách rời nhau, thể hiện sự gắn bó, cấu kết liên hoàn bền chặt, sự gắn bó không phải chỉ về mặt địa lý “Nhà liền nhà, tường liền tường” mà còn gắn bó chặt chẽ về tình cảm, phong tục tập quán, lối sống giữa người với người trong sinh hoạt cộng đồng.

Trên thực tế, hiện nay với quá nhiều dự án mà Đồng Kỵ đã mất đến 80-90% diện tích đất nông nghiệp (ruộng canh tác) bị thu hồi phục vụ các dự án. Người dân Đồng Kỵ có nhiều “anh tài” nhảy ra thương trường làm kinh doanh. Tuy nhiên, phần lớn các hộ dân nghèo hèn, thậm chí không biết chữ lại “một nắng hai sương” trông chờ vào mảnh ruộng mưu sinh và làm thuê nuôi sống gia đình. Thời mở cửa, giá đất trở nên đắt đỏ do vậy “miếng bánh” bất động sản được nhiều người “bu vào” lập ra dự án để buôn bán bất động sản kiếm lời…

Bà Vũ Thị Hòa - phường Đồng Kỵ trao đổi với PV.

Trong số 30 dự án lớn nhỏ trên địa bàn phường Đồng Kỵ thì: Dự án người dân đang bức xúc nhất về Quyết định số 375/QĐ-UBND ngày 11/10/2013 của Chủ tịch UBND tỉnh “Giao đất cho Công ty TNHH bất động sản BN Việt Toàn thuê để xây dựng, kinh doanh hạ tầng khu dịch vụ thương mại làng nghề, bãi để xe, bãi gỗ phường Đồng Kỵ, thị xã Từ Sơn”.

Nghịch lý hơn, Quyết định số 375/QĐ-UBND của Chủ tịch tỉnh về việc thu hồi đất là ngày 11/10/2013 nhưng Quyết định số 502/QĐ-UBND ngày 20/9/2013 của Chủ tịch thị xã Từ Sơn lại có trước đó gần 1 tháng đã quyết định “Thu hồi đất nông nghiệp của 216 hộ gia đình, cá nhân để thực hiện dự án xây dựng kinh doanh hạ tầng khu dịch vụ thương mại làng nghề, bãi để xe, bãi gỗ phường Đồng Kỵ”?!

Vậy có phải “con hơn cha” hay “trảm trước, tấu sau"? Như vậy, Quyết định nào đúng và Quyết định nào sai? Xét ở góc độ pháp lý, thì Quyết định của Chủ tịch UBND thị xã Từ Sơn ban hành thu hồi đất của 216 hộ dân ở phường Đồng Kỵ là không đúng theo quy định tại Khoản 6, Điều 130, Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ, vì thị xã đã đi tắt đón đầu ra Quyết định rồi tỉnh mới “bồi” thêm quyết định sau đó...

Đồng Kỵ là một làng nức tiếng vừa cổ kính vừa hiện đại, có đủ các đặc trưng các loại làng Việt Nam gồm: Chuyên về nông nghiệp; Chuyên về chài lưới, đánh bắt thủy sản; Chuyên về buôn bán và Chuyên về ngành nghề thủ công, sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ! Đồng Kỵ đã hội tụ đủ đặc trưng của cả 4 loại làng trên do vậy người Đồng Kỵ rất năng động, dễ hòa nhập, nhạy bén trong hoạt động kinh tế.

Trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế ngày nay, người dân Đồng Kỵ có mặt hầu hết trong cả nước, các thị trường có nguồn nguyên liệu đầu vào, có khoa học kỹ thuật tiên tiến, có thị trường tiêu thụ lớn để giao thương phát triển nghề gỗ quý hiếm và sản xuất kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ là một trong những làng nghề nổi tiếng cả trong nước và ngoài nước với các sản phẩm đồ gỗ có chất lượng cao cả về thẩm mỹ và giá trị: Đã được khẳng định bằng thương hiệu “Đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ”.

Hiện nay Đồng Kỵ có trên 100 công ty, xí nghiệp và trên 95% lao động hoạt động trên lĩnh vực gỗ và đồ gỗ mỹ nghệ mang lại nguồn thu nhập chính cho địa phương. Hàng thủ công nghiệp sản xuất đồ gỗ mĩ nghệ xuất khẩu đang là thế mạnh lớn của làng, với thu nhập hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, sản xuất đồ gỗ mĩ nghệ không chỉ giải quyết được công ăn việc làm cho người dân trong làng mà còn thu hút hàng ngàn lao động bên ngoài. Với thu nhập cho người thợ tùy tay nghề và công việc đã đem lại khoảng thu nhập ổn định hàng năm. Nhưng đó chỉ là “mặt nổi” của “tảng băng” nơi làng nghề?!

Trên thực tế thì sao? Sau khi có 2 Quyết định của hai cấp chính quyền (tỉnh và thị xã) giao cho Công ty TNHH bất động sản BN Việt Toàn, trong đó giao Công ty Việt Toàn lập dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khu dịch vụ thương mại làng nghề, bãi để xe, bãi gỗ phường Đồng Kỵ, thị xã Từ Sơn và kinh doanh hạ tầng khu dịch vụ thương mại làng nghề, trên diện tích khoảng 6,5 ha.

Có được mặt bằng, Công ty Việt Toàn nhanh chóng “phát huy” thế mạnh “ngành nghề” là bất động sản của mình: Phân lô, bán đất! Xin nói rằng, mặc dù hầu hết diện tích khu Vườn Gia các hộ dân chưa nhận một đồng tiền đền bù nào từ phía Công ty Việt Toàn. Bằng chứng là bà Vũ Thị Hòa, có 509 m2 nằm trong Dự án. Gia đình mới nhận tiền đền bù 28 m2 lấy làm đường 277B, còn lại 480 m2 đất canh tác nhưng bà Hòa không được vào khu đất này để canh tác. Diện tích này đã được quây kín bằng bức tường rào bằng tôn kẽm.

Giấy biên nhận của Công ty TNHH bất động sản BN Việt Toàn.

Nghiêm trọng hơn, ngay tại khu đất này còn ngang nhiên có một container với vài người túc trực sẵn sàng gây sự bất cứ ai muốn vào khu đất của chính mình canh tác. Các đối tượng này được xem là người được Công ty Việt Toàn thuê mới tác oai tác quái vậy?!

Riêng gia đình bà Nguyễn Thị Lục gồm 5 anh em cũng có 2,5 sào (chưa được nhận đền bù một đồng nào) mà Công ty Việt Toàn ngang nhiên đổ cát, quây kín và bán đi 3 lô, mỗi lô có mặt tiền quay ra đường 277B là 6 mét, chiều sâu vào 21 mét; bằng tổng diện tích 126 m2. Trong đó Công ty bán cho bà Toán 2 lô, giá bán 15 triệu đồng/m2, 1 lô bán cho bà Hà (vợ Bí thư phường Đồng Kỵ, giá tương tự 15 triệu đồng/m2). Cả 3 lô đất này đã xây móng kiên cố! Công ty còn bán 80 m2 trên thửa ruộng của bà Bấc cho ông Rộc Địch, giá 48 triệu đồng/m2 và Công ty còn xây lô số 1 làm nhà điều hành treo biển Dịch vụ bất đổng sản. Nhưng thực chất lô đất này đã bán cho vợ chồng ông, bà Hợp, ngày 26/01/2016 với giá trên 9 tỷ đồng tại trục đường 277A.

Thiết nghĩ: Với một Dự đã được cấp giấy phép kéo dài 4 năm nay nhưng các hạng mục bãi đỗ xe, bãi gỗ, khu dịch vụ thương mại làng nghề không thấy đâu. Kiến nghị của 216 các hộ dân phường Đồng Kỵ nghi ngờ Dự án trên là không khả thi. Tiền đền bù dự án người dân chưa nhận nhưng việc phân lô bán đất đã thu về hàng trăm tỷ đồng thật sự bức xúc và hoài nghi.

Đặc biệt hơn, trong số 30 hộ dân đăng ký với Công ty Việt Toàn để đổi 1 sào ruộng lấy 110 m2 san lấp đất (50 năm sử dụng) cũng chưa được thực hiện. Đặc biệt là, trong khuôn viên của Công ty Việt Toàn còn đang tồn tại 154 ngôi mộ của các Cụ, kỵ từ xưa sẽ được giải tỏa đền bù như thế nào đây?...

Mong muốn của 216 hộ dân thuộc địa bàn phường Đồng Kỵ, thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh) sớm được các cấp từ TW và chính quyền (Thanh tra Chính phủ, ngành Tài nguyên & Môi trường, Quốc Hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam,…) vào cuộc và hồi âm cho người dân về Dự án Công ty Việt Toàn đã sử dụng đúng mục đích hay chỉ buôn bán đất thu hồi giá rẻ, để phân lô bán đất thu lời giá cắt cổ?!

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về sự việc trên khi có hồi âm từ các cơ quan chức năng.

Nhóm PV Điều tra

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhvaphapluat.vn/da-thu-hoi-dat-khong-nhan-duoc-su-dong-thuan-cua-nguoi-dan-dong-ky-p56684.html