Đà tăng của cổ phiếu 'trà đá' ITA có bền vững?

Kể từ đầu tháng 4 đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến nhiều đợt sóng của nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp, trong đó phải kể đến màn 'dậy sóng' cổ phiếu ITA của CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo.

Khi dịch COVID-19 vừa bùng phát, cổ phiếu ITA bị ảnh hưởng mạnh. Có thời điểm mã này rớt dưới giá 1.900 đồng/cp. Từ ngày 31/1 đến 31/3, cổ phiếu ITA giảm khoảng 29% giá trị.

Tuy vậy, kể từ đầu tháng 4, cổ phếu ITA dần khởi sắc. Trong giai đoạn từ 25/5-9/6, cổ phiếu ITA chỉ ghi nhận duy nhất 1 phiên điều chỉnh ngày 2/6 còn lại là tăng trần, theo đó ghi nhận mức tăng 102% từ mức giá 2.620 đồng/cp lên 5.300 đồng/cp với khối lượng khớp lệnh luôn đứng đầu thị trường và còn dư mua tại giá trần hàng triệu đơn vị.

Trong lịch sửa, vào giai đoạn cuối năm 2007 đầu năm 2008, ITA đạt mức giá cao nhất lịch sử kể từ khi niêm yết (tính theo giá điều chỉnh). Với sự biến động của thị trường chung trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế 2008, cổ phiếu ITA bắt đầu rơi tự do.

Trong giai đoạn này, cổ phiếu ITA mất hơn 90% giá trị thị trường và gần như nằm ngoài danh sách quan sát của hầu hết các nhà đầu tư. Sự phục hồi trong năm 2009 rất ấn tượng. Tuy nhiên, kể từ đầu năm 2010, giá cổ phiếu này lại tiếp tục đà giảm.

 Cổ phiếu ITA đang leo dốc trở lại.

Cổ phiếu ITA đang leo dốc trở lại.

Cổ phiếu ITA dậy sóng do COVID-19…

Trong một báo cáo cập nhật về ngành của Công ty Chứng khoán VNDirect đưa ra nhận định, bất động sản khu công nghiệp sẽ phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19. Các công ty phát triển khu công nghiệp vẫn triển vọng do nhu cầu đất công nghiệp tăng mạnh.

Theo VNDirect, sự bùng phát của dịch COVID-19 đẩy nhanh tốc độ dịch chuyển nhà máy ra khỏi Trung Quốc. Ngoài ra, thương chiến Mỹ - Trung có nhiều biến chuyển khả quan trong giai đoạn nửa cuối năm 2019, khiến dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam chậm lại và làm chậm xu hướng chuyển dịch nhà máy khỏi Trung Quốc.

Nhưng sự bùng phát của dịch COVID-19 đã tác động mạnh đến nền kinh tế thế giới, gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến xu hướng chuyển dịch nhà máy ra khỏi Trung Quốc tái khởi động.

Công ty chứng khoán này cho rằng Việt Nam đã sẵn sàng trở thành một trung tâm sản xuất thay thế nhờ vào vị trí gần Trung Quốc và lực lượng lao động chi phí thấp.

VNDirect đánh giá Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Giang, Hải Dương sẽ là những điểm nóng công nghiệp mới. Các công ty phát triển khu công nghiệp vẫn triển vọng do nhu cầu đất công nghiệp tăng mạnh. Tuy nhiên, mỗi công ty có đặc điểm khác nhau với từng thách thức và cơ hội riêng biệt.

Là một trong những cổ phiếu thuộc nhóm bất động sản công nghiệp nên khi đại dịch COVID-19 tạm lắng, nhà đầu tư hy vọng đà tăng trưởng như dự báo và “bơm” tiền nhiều vào mã cổ phiếu ITA do đó đẩy giá cổ phiếu này tăng.

… hay dậy sóng khi Chủ tịch bất ngờ tái xuất

Vào Đại hội đồng cổ đông thường niên ngày 5/6 mới đây, Chủ tịch HĐQT Đặng Thị Hoàng Yến bất ngờ xuất hiện heo hình thức trực tuyến sau 8 năm liền vắng mặt.

Đây có lẽ là điều khiến cổ đông rất bất ngờ, bởi lẽ các phiên họp trong giai đoạn 2013-2019 đều được chủ trì bởi những thành viên khác trong ban lãnh đạo và ông Đặng Thành Tâm (em trai bà, người nắm 3,1% vốn của Công ty).

Các lý do cho sự vắng mặt của bà Yến là bận công tác nước ngoài, bận học, đi chữa bệnh hoặc không thu xếp được công việc.

Đây có lẽ là thông tin ít nhiều cho thấy động lực tăng trưởng của ITA trong tương lai khi vẫn còn sau đó là người “thuyền trưởng”.

Tại Đại hội bà Yến cũng đã có những chia sẻ về mức giá thấp của ITA trên thị trường chứng khoán: “Trong kinh doanh chúng ta phát triển tốt nhưng giá cổ phiếu thấp hơn giá trị thực rất nhiều, thấp hơn giá trị sổ sách và giá trị tài sản của ITA. Trong đó, giá trị sổ sách cũng là giá gốc và chỉ chiếm 30% giá thành sản phẩm chúng ta bán ra thôi.”

Nữ Chủ tịch cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố chứ không phải căn cứ chính vào hoạt động kinh doanh, tiềm năng của doanh nghiệp. "Trong tương lai, tôi tin rằng giá cổ phiếu sẽ phản ánh đúng thực trạng tiềm năng cũng như giá trị của ITA”.

Hình ảnh Chủ tịch ITA tại Đại hội đồng cổ đông năm 2020.

Một phần lý giải cho đà tăng trưởng mạnh mẽ của cổ phiếu ITA là nhờ kết quả kinh doanh tích cực của doanh nghiệp này trong quý 1/2020.

Theo đó, doanh thu thuần trong kỳ đạt 94 tỷ đồng, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó doanh thu cho thuê đất đã phát triển cơ sở hạ tầng tăng mạnh 76% so với cùng kỳ, trong khi giá vốn hàng bán giảm 16% nên lợi nhuận gộp đạt 52 tỷ đồng, tăng 30% so với quý 1/2019.

Trong kỳ, ITA có 1,8 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động tài chính, tăng đáng kể so với con số 128 triệu đồng cùng kỳ; chi phí tài chính giảm 38%; chi phí bán hàng giảm mạnh từ 3,3 tỷ đồng xuống còn 274 triệu đồng. Đặc biệt, ITA còn ghi nhận 2,2 tỷ đồng lãi từ hoạt động khác, nên lợi nhuận sau thuế đạt 25 tỷ đồng, cao gấp 4,5 lần so với quý 1/2019.

Kế hoạch kinh doanh năm 2020 của ITA cũng khá thận trọng, theo đó doanh thu và thu nhập giảm khoảng 35% so với năm trước, còn 842 tỷ đồng.

Trước đó kết thúc năm 2019, ITA ghi nhận năm có lợi nhuận cao nhất kể từ 2011 nhờ ghi nhận doanh thu một lần cho toàn bộ thời gian cho thuê lại đất đã phát triển cơ sở hạ tầng tại KCN Tân Tạo và KCN Tân Đức.

Tuy nhiên, phía sau con số lợi nhuận đột biến này, bức tranh tài chính, kinh doanh của ITA vẫn có nhiều điểm khiến giới đầu tư e ngại.

Tại Báo cáo kiểm toán 2019, đơn vị kiểm toán của ITA đã nhấn mạnh việc Tập đoàn có nghĩa vụ nộp tiền thuê đất cho Nhà nước một lần cho toàn bộ thời gian thuê của diện tích đất đã được cho thuê nêu trên theo đơn giá thuê đất, trả tiền thuê đất một lần mà số tiền này có thể khác với số tiền đã được Tập đoàn trích trước (hiện ITA đang trích giá vốn là 886 tỷ đồng).

Tại ngày lập báo cáo kiểm toán 2019, ITA và các cơ quan quản lý địa phương vẫn chưa xác định được đơn giá thuê đất một lần cho toàn bộ thời gian thuê tương ứng với diện tích nêu trên.

Anh Nhi

Nguồn Vietnamdaily: https://vietnamdaily.net.vn/tai-chinh-ngan-hang/da-tang-cua-co-phieu-tra-da-ita-co-ben-vung-93290.html