Đà tăng cổ phiếu thép kéo dài được bao lâu?

Tiếp nối đà tăng của năm 2020, từ đầu năm 2021 đến nay, giá cổ phiếu ngành thép tiếp tục dựng ngược...

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Tăng trưởng ngành thép gần như không có sự bứt phá trong suốt giai đoạn 2017 -2019. Tuy nhiên, đến thời điểm từ nửa cuối năm 2020, nhu cầu thép thế giới phục hồi nhờ chính sách thúc đẩy đầu tư công sau khi đại dịch Covid 19 tác động tiêu cực kinh tế toàn cầu, trong khi nhiều nhà máy thép chưa hoạt động trở lại đã đẩy giá thép tăng vọt. Các doanh nghiệp ngành thép Việt Nam nhờ đó lãi lớn trong năm 2020, cổ phiếu được đà tăng theo.

DOANH NGHIỆP LÊN HƯƠNG, CỔ TĂNG PHI MÃ

Bước sang quý 1 năm 2021, doanh nghiệp ngành thép tiếp tục “lên hương” nhờ giá bán tăng mạnh. Tại Tập đoàn Hoa Sen, sản lượng tiêu thụ tháng 3/2021 đạt 214.036 tấn; Doanh thu, lợi nhuận lần lượt đạt 4.522 tỷ đồng và 501 tỷ đồng; tăng 40% và 217% so với tháng liền kề trước đó.

Tương tự, tại Công ty CP Tập đoàn Thép Tiến Lên (TLH), trong quý 1/2021, TLH ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt gần 979 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 120 tỷ đồng trong khi quý 1/2020 đạt 943 tỷ đồng doanh thu và chỉ có lãi gần 4 tỷ đồng.

Công ty CP Kim khí Tp.HCM (VnSteel, HMC) doanh thu quý 1/2021 đạt 1.116,4 tỷ đồng tăng 40% so với cùng kỳ; lãi ròng gần 65 tỷ đồng, gấp hơn 10 lần.

Mặc dù đến thời điểm hiện tại chưa công bố báo cáo tài chính quý 1/2021 nhưng nhiều doanh nghiệp ngành thép khác cũng đã cho thấy tình hình sản xuất, kinh doanh khả quan trong những tháng đầu năm.

Chẳng hạn, tại Tập đoàn Hòa Phát, lũy kế quý 1/2021, Hòa Phát cung cấp ra thị trường hơn 184.000 tấn ống thép các loại, tăng 27% so với quý 1/2020, giữ thị phần số 1 Việt Nam về ống thép với 30,2%. Trong khi đó, tôn Hòa Phát đạt gần 74.000 tấn, gấp 3 lần cùng kỳ. Ống thép Hòa Phát xuất khẩu gần 7.000 tấn, tới các thị trường Mỹ, Úc, Canada, tăng 31% so với Quý 1/2020.

Thép Nam Kim (NKG) cũng vừa công bố các chỉ tiêu sản xuất tháng 3 và quý 1/2021 với đà tăng khá tốt. Lũy kế 3 tháng đầu năm 2021, Công ty sản xuất 244.301 tấn, tiêu thụ 240.072 tấn. Lượng xuất khẩu cao kỷ lục với 151.992 tấn, các thị trường chủ lực hiện nay gồm các nước châu Âu và Mỹ.

Kết quả kinh doanh cùng với kỳ vọng vào yếu tố vĩ mô đã tác động tích cực lên giá cổ phiếu. Tiếp nối đà tăng của năm 2020, từ đầu năm 2021 đến nay, giá cổ phiếu ngành thép tiếp tục dựng ngược. Trong đó, HPG tăng 31,7% so với giá đầu năm; HSG tăng 36,5%; TLH tăng 34%; NKG tăng 56%; POM tăng 46%; VGS tăng 69%; SMC tăng 73%; HMC tăng 36%… Riêng phiên giao dịch hôm nay 16/4, cổ phiếu HMC tím lịm nhờ tin kết quả kinh doanh hỗ trợ. Các cổ phiếu khác như HSG, TLH, VGS... cũng được giao dịch ở mức giá đỉnh nhất lịch sử...

ĐỘNG LỰC VẪN CÒN NHƯNG RỦI RO TĂNG THEO

Cho cả chu kỳ năm 2021, ngành thép vẫn được đánh giá triển vọng tăng trưởng tốt. SSI Research trong báo cáo nhận định ngành thép năm 2021 đã nhấn mạnh: Nhu cầu thép có thể tiếp tục được hỗ trợ bởi sự phục hồi của thị trường bất động sản, dòng vốn FDI và đầu tư công trong những năm tới. Tại thị trường trong nước dự kiến sẽ phục hồi trở lại mức bình thường là 8% so với mức thấp năm 2020.

Đối với xuất khẩu, theo Hiệp hội thép Thế giới, nhu cầu thế giới dự kiến sẽ tăng 4,1% trong năm 2021 sau khi giảm 2,4% vào năm 2020 - được thúc đẩy bởi sự phục hồi ở các thị trường phát triển. Nhu cầu của thị trường mới nổi ngoại trừ Trung Quốc dự kiến cũng sẽ tăng 9,4% trong năm 2021. Mặt khác, sau khi ước tính tăng 8% trong năm 2020 - được thúc đẩy bởi đầu tư cơ sở hạ tầng - nhu cầu ở Trung Quốc dự kiến sẽ đi ngang trong năm 2021. Do đó, SSI Research ước tính xuất khẩu thép của Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng một con số trong năm 2021.

Về giá, các chuyên gia phân tích của SSI Research cho rằng giá thép sẽ vẫn ổn định trong những tháng tới do nhu cầu thế giới phục hồi và gián đoạn nguồn cung. Trong khi đó, Hiệp hội thép Việt Nam mới đây cho biết, nhiều dự báo đang điều chỉnh về thời gian thép có thể tăng hết quý 3/2021.

Đồng quan điểm, báo cáo phân tích của VCBS cho rằng, giá thép sẽ được duy trì ở mức khá cao cho tới cuối năm 2021 nhờ sự thiếu hụt nguồn cung tạm thời cùng với sự hỗ trợ của thuế tự vệ. Trong khi đó, với các khu vực có tỷ lệ lò EAF cao như Bắc Mỹ và châu Âu sẽ khó cạnh tranh giá thành thép với Việt Nam.

Nguồn: VCBS.

Trong bối cảnh thuận lợi, các doanh nghiệp cũng đặt mục tiêu doanh thu, lãi lớn cho cả năm 2021. Hòa Phát dự kiến doanh thu 120.000 tỷ, lợi nhuận 18.000 tỷ đồng tăng đều 33% so với năm trước. Tập đoàn Hoa Sen đặt mục tiêu doanh thu 33.000 tỷ đồng tăng 20% và lợi nhuận sau thuế 1.500 tỷ đồng tăng 30% trong niên độ tài chính 2020 - 2021.

Sang năm 2021 Thép Tiến Lên trình kế hoạch tiêu thụ 400.000 tấn thép các loại, doanh thu 5.000 tỷ đồng tăng 25% so với thực hiện 2020, lợi nhuận sau thuế 250 tỷ đồng cao gấp 3,2 lần thực hiện năm trước… Các doanh nghiệp cùng ngành khác cũng đặt mục tiêu tăng trưởng cao trong năm 2021.

Kỳ vọng từ yếu tố vĩ mô đã phản ánh hết vào giá, mục tiêu kết quả kinh doanh 2021 được xem là "kim bài" cho cổ phiếu ngành thép tiếp tục bay cao. Tuy nhiên đà tăng này kéo dài bao lâu còn phụ thuộc vào kết quả kinh doanh thực tế mà doanh nghiệp ghi nhận được.

SSI Research cho rằng, giá thép có thể đạt đỉnh vào một thời điểm nào đó trong năm 2021 khi nguồn cung dần ổn định, sản lượng thép của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng khoảng 2% trong năm 2021, sau khi tăng khoảng 5% trong năm 2020. Khi nguồn cung ổn định, giá thép có thể điều chỉnh và điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới tỷ suất lợi nhuận của các công ty thép. "Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thép còn chịu áp lực rủi ro như giá nguyên liệu tăng, điều này sẽ gây áp lực lên các công ty thép và đặc biệt đúng với những công ty nhỏ, sở hữu thị phần thấp", báo cáo của SSI Research nhấn mạnh.

K.LINH

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/da-tang-co-phieu-thep-keo-dai-duoc-bao-lau-20210416162046612.htm